1. Đại dương thứ 5 - Thời đại của “Năm châu - Năm bể”
Vào Ngày Đại dương Thế giới năm nay (8/6/2021), National Geographic Society (Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ - NGS) chính thức công nhận Nam Đại Dương của Nam Cực là đại dương thứ năm của thế giới, cùng với Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương.
Nam Đại Dương có 2 đặc điểm khác biệt nhất so với 4 đại dương còn lại của thế giới là (1) đại dương duy nhất tiếp xúc với 3 đại dương khác là Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương; và (2) Nam Đại Dương hoàn toàn bao trùm một lục địa thay vì được lục địa bao trùm.
Các đại dương trên thế giới, bao phủ hơn 70% diện tích hành tinh, sản xuất ít nhất một nửa lượng oxy trên hành tinh, là nơi sinh sống của phần lớn đa dạng sinh học của Trái Đất và theo Liên Hợp Quốc, là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng và là động lực chính của các nền kinh tế thế giới.
2. SpaceX đưa phi hành đoàn dân sự vào không gian
00:02 UTC (Giờ Phối hợp Quốc tế) ngày 16/9/2021, tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã phóng thành công sứ mệnh Inspiration4 - chuyến bay không gian đưa phi hành đoàn dân sự đầu tiên trên thế giới lên quỹ đạo Trái Đất - từ Khu phức hợp phóng lịch sử 39A tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở bang Florida, Mỹ.
Tốc độ cực đại mà tên lửa Falcon 9 đạt được khi đưa tàu vũ trụ Crew Dragon lên quỹ đạo là 39.600 km/h (tương đương 11.000 mét mỗi giây) - Gấp 32 lần vận tốc âm thanh truyền trong không khí!
Chỉ huy sứ mệnh Inspiration4 là tỷ phú Jared Isaacman, người đã thuê tàu vũ trụ của SpaceX với số tiền không được tiết lộ. Jared Isaacman là người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Shift4 Payments và là một phi công kiêm nhà thám hiểm xuất sắc.
Tham gia cùng vị tỷ phú này còn có Nhân viên Y tế Hayley Arceneaux, một trợ lý bác sĩ tại Bệnh viện Nghiên cứu Trẻ em St. Jude và là bệnh nhi sống sót sau bệnh ung thư; Chuyên gia sứ mệnh Chris Sembroski, một cựu chiến binh Không quân và kỹ sư dữ liệu hàng không vũ trụ của Lockheed Martin; và Tiến sĩ Sian Proctor, một nhà khoa học địa chất, doanh nhân và phi công được đào tạo.
Phi hành đoàn của Inspiration4. Ảnh: AFP
Trong sứ mệnh Inspiration4, Crew Dragon Resilience thay vì cập bến với trạm ISS, sẽ bay lên độ cao khoảng 585 km so với mặt đất — cao hơn khoảng 130 km so với ISS ở điểm cao nhất của nó. Ở độ cao 585 km - Crew Dragon Resilience bay cao hơn bất kỳ chuyến bay nào của con người kể từ các sứ mệnh của Hubble.
Mục đích của chuyến bay Inspiration4 là sẽ dành 3 ngày để đi vòng quanh Trái Đất trong một nhiệm vụ nhằm gây quỹ 200 triệu đô la Mỹ cho Bệnh viện Nghiên cứu Trẻ em St. Jude (Mỹ), có trụ sở tại Memphis - nơi điều trị các bệnh nhi bị ung thư.
Ngoài ra, ở độ cao 585 km, phi hành đoàn Inspiration4 sẽ tiến hành nghiên cứu khoa học được thiết kế để nâng cao sức khỏe con người trên Trái đất và trong các chuyến bay vũ trụ thời gian dài trong tương lai.
3. Tỷ phú Jeff Bezos, Richard Branson bay vào vũ trụ
Năm 2021 chứng kiến cuộc đua bay lên không gian của giới tỷ phú thế giới. Chuyến bay đầu tiên của giới siêu giàu thế giới phải kể đến chuyến bay lên rìa không gian của tỷ phú người Anh Sir Richard Branson ngày 11/7/2021.
Ngồi trong phi cơ vũ trụ VSS Unity SpaceShipTwo - do chính The Spaceship Company (thuộc Tập đoàn Virgin của tỷ phú Anh Sir Richard Branson sở hữu) sản xuất - gồm tất cả 6 người: 2 phi công 4 người là: Tỷ phú Anh Sir Richard Branson là Phi hành gia 001; Phi hành gia trưởng Beth Moses (Phi hành gia 002); Kỹ sư điều hành chính Colin Bennett (Phi hành gia 003); và Phó Chủ nhiệm các vấn đề chính phủ Sirisha Bandla (Phi hành gia 004); cùng 2 phi công Dave Mackay và Michael Masucci.
Việc đích thân tỷ phú Anh thực hiện chuyến du hành rìa không gian ở độ cao 88km nhằm 3 mục đích: Đầu tiên là ngầm đánh bại tỷ phú Jeff Bezos khi tỷ phú giàu nhất hành tinh tuyên bố sẽ bay vào không gian ở độ cao 106 km vào ngày 20/7/2021 tới. Thứ hai, tỷ phú Anh muốn đích thân trải nghiệm dịch vụ của công ty mình, nhằm đảm bảo các khách hàng tương lai cũng sẽ có trải nghiệm hoàn hảo ở độ cao lớn trong không gian. Thứ ba, ông muốn quảng bá ngành du lịch vũ trụ mới đến toàn thế giới, nơi mọi người có thể trải nghiệm cảm giác không trọng lực với giá vé 250.000 USD.
Không lâu sau chuyến bay của Sir Richard Branson, ngày 20/7/2021, tàu New Shepard từ bãi phóng Launch Site One của công ty Blue Origin (bang Texas) đã đưa tỷ phú Jeff Bezos và phi hành đoàn gồm em trai Mark Bezos, nữ phi hành gia 82 tuổi Wally Funk và sinh viên người Hà Lan Oliver Daemon lên vũ trụ. Chuyến bay được Blue Origin đặt tên là "First Human Flight" - Chuyến bay đầu tiên có phi hành đoàn của New Shepard.
Tàu vũ trụ trang bị tên lửa New Shepard được đặt theo tên của phi hành gia Alan Shepard, người Mỹ đầu tiên lên vũ trụ vào năm 1962. Nhờ có động cơ tên lửa BE-3 mà New Shepard có thể bay ở tốc độ siêu thanh (đến tận Mach 4, tương đương 4.939 km/giờ, hay 1.371 mét/giây, gấp 4 lần tốc độ âm thanh) lên vũ trụ.
Tàu vũ trụ New Shepard thực hiện bay một vòng cung dưới quỹ đạo lên cao hơn 100 km (độ cao cao hơn chuyến bay của tỷ phú Anh Sir Richard Branson ngày 11/7/2021). Tổng thời gian của chuyến bay là 11 phút. Phi hành đoàn sẽ có 4 phút trải qua cảm giác không trọng lượng.
Mặc dù bay sau tỷ phú Anh Sir Richard Branson (thực hiện ngày 11/7/2021), nhưng tỷ phú Mỹ Jeff Bezos chủ ý chọn thời điểm bay là ngày 20/7 - Nhằm kỷ niệm tròn 52 năm ngày người Mỹ đặt chân đầu tiên lên Mặt Trăng (Phi hành đoàn Apollo 11 ngày 20/7/1969).
Chính câu nói của Neil Armstrong "Đây là bước chân nhỏ bé của con người nhưng là bước tiến vĩ đại của nhân loại" khi anh đặt những bước chân đầu tiên lên bề mặt Mặt Trăng năm 1969 đã trở thành niềm cảm hứng sâu sắc suốt nhiều thập kỷ của tỷ phú Mỹ Jeff Bezos, thúc đẩy tỷ phú doanh nhân hướng về không gian và vũ trụ.
4. NASA tạo oxy trên sao Hỏa - MOXIE
Năm 2021 chứng kiến nhiều thành tựu đáng kinh ngạc của NASA trên sao Hỏa: Không những đưa tàu đổ bộ Perseverance xuống sao Hỏa thành công ngày 18/2/2021, trực thăng Ingenuity của NASA còn liên tiếp thực hiện thành công các chuyến bay năng lượng Mặt trời trên Hành tinh Đỏ. Chưa hết, ngày 21/4/2021, NASA cho biết họ đã tách thành công oxy từ CO2 trên sao Hỏa. Đây là thành tựu chưa từng có trong lịch sử loài người.
Theo đó, một thiết bị thí nghiệm trên tàu Perseverance có tên MOXIE đã sản xuất ra được 5,4 gram oxy – cung cấp một nguồn oxy đủ cho một phi hành gia hít thở trong vòng 10 phút.
Thí nghiệm sử dụng tài nguyên oxy tại chỗ của NASA, viết tắt là MOXIE, là một thiết bị được phát triển để tạo ra oxy từ bầu khí quyển của sao Hỏa. thiết bị này, có kích thước bằng pin ô tô. MOXIE là bằng chứng cho thấy công nghệ này hoạt động trên hành tinh đỏ và mục đích của nó là hỗ trợ các sứ mệnh của con người trong tương lai bằng cách chuyển đổi không khí trên sao Hỏa thành oxy.
Thiết bị này có tên là Thí nghiệm sử dụng tài nguyên oxy tại chỗ trên sao Hỏa (viết tắt là MOXIE).
NASA cho biết, bầu khí quyển sao Hỏa chứa đến 96% là khí CO2, việc Moxie sử dụng quá trình điện phân để tách oxy ra từ CO2 đang mở ra một chân trời mới cho giấc mơ hiện thực hóa việc đưa người lên sao Hỏa sinh sống.
Perseverance và Ingenuity của NASA (thuộc sứ mệnh Mars Mission 2020) đang đưa nhân loại tiến lên những cột mốc mới trong hành trình đưa loài người trở thành loài người liên hành tinh!
5. Trung Quốc xây dựng trạm Thiên Cung
Bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21, Trung Quốc đang thể hiện rõ những đột phá trong công nghệ không gian và chinh phục vũ trụ.
Một trong số đó phải kể đến thành tựu Bắc Kinh bước đầu xây dựng và lắp ghép thành công Trạm Vũ Trụ Trung Quốc (CSS) tên là Thiên Cung.
Cấu tạo Trạm Thiên Cung có hình chữ T, bao gồm 3 mô-đun: Mô-đun lõi Thiên Hà-Tianhe ở trung tâm và 2 mô-đun phòng thí nghiệm ở hai bên (tên là Vấn Thiên-Wentian và Mộng Thiên - Mengtian, phóng năm 2022). Mỗi mô-đun sẽ nặng hơn 20 tấn.
Hình ảnh mô tả trạm Thiên Cung của Trung Quốc.
Trạm Thiên Cung của Trung Quốc dự kiến sẽ hoàn thành quá trình lắp ráp vào cuối năm 2022, đi vào hoạt động năm 2023. Thiên Cung nặng 100 tấn này sẽ hoạt động ở quỹ đạo Trái Đất thấp (LEO), ở độ cao từ 340 km đến 450 km so với mặt đất, trong hơn 10 năm.
Đây được xem là phòng thí nghiệm vũ trụ cấp quốc gia của Trung Quốc, nơi hỗ trợ các thí nghiệm khoa học và công nghệ trên toàn thế giới. Nếu CSS hoàn thành vào cuối năm 2022 như kế hoạch và Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) nghỉ hưu vào năm 2024 hoặc 2025 thì Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành quốc gia độc quyền sở hữu trạm vũ trụ hoạt động duy nhất tại vùng quỹ đạo Trái Đất.
Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào chương trình không gian và đạt được rất nhiều thành tựu khiến Mỹ, các nước phương Tây và châu Á ngưỡng mộ. Vào tháng 5/2021, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai đưa một tàu thám hiểm chức năng lên sao Hỏa (sau Mỹ) - 2 năm sau khi họ đưa tàu vũ trụ đổ bộ phía xa của Mặt Trăng lần đầu tiên trong lịch sử.