40 tuổi ly hôn mất phương hướng: Phụ nữ nửa đời sau, nếu không muốn sống trong túng quẫn, có hai thói quen phải thay đổi ngay lập tức

Như Nguyễn | 03-01-2021 - 09:07 AM

(Tổ Quốc) - Một người phụ nữ, nếu nửa đời trước sống không tốt, nửa đời sau lại không muốn sống trong cảnh nghèo hèn, vậy thì bắt buộc phải ép mình bỏ đi hai thói quen: lười biếng và ỷ lại. Chỉ khi sự nỗ lực và chăm chỉ lớn hơn sự lười biếng và ỷ lại, bạn mới mong sống được một cuộc đời viên mãn theo ý mình.

Một nữ diễn viên nọ trong một cuộc phỏng vấn cho đài truyền hình từng chia sẻ rằng: "Tôi luôn duy trì cho mình thói quen đọc sách 1 tiếng đồng hồ trước khi đi ngủ, hầu như ngày nào cũng vậy. Rất nhiều người hỏi tôi rằng sau này vẫn sẽ kiên trì chứ? Thực ra kiên trì hay không không quan trọng, bởi nó sớm đã thành thói quen của tôi rồi."

Nuôi dưỡng một thói quen tốt, có thể thành toàn nên một con người. Ông Trời luôn rất công bằng, không thiên vị bất kì ai, chỉ có điều, Ông sẽ trao cơ hội cho những người luôn trong trạng thái sẵn sàng, và những người như vậy thì luôn luôn là những người chăm chỉ.

Tôi thường nghe rất nhiều người phụ nữ ca thán nói rằng mình sống không vui, không được sống theo cách mà mình muốn, nhưng lại chẳng thể thay đổi, rõ ràng trong lòng lúc nào cũng có "ý thơ và những nơi xa xôi", nhưng lại chỉ có thể thỏa hiệp với thực tế trần trụi. Vì sao? Là do họ sinh ra đã kém cỏi hay là vì mục tiêu của họ quá xa vời? Đều không phải, thực ra, người với người, năng lực không khác nhau là mấy, chỉ có điều, có những người dám bỏ ra nhiều thứ hơn người khác.

Tôi có một cô bạn đại học, khi còn đi học, cô ấy là người không nổi bật, thầm lặng nhất lớp, bởi vì cô ấy vừa không cao lại vừa đen, lại còn nói giọng địa phương rất nặng, tất cả những điều này khiến cô ấy rất tự ti. Nhưng cô ấy có một thói quen rất tốt đó là mỗi sáng đều thức dậy rất sớm đi xuống dưới sân kí túc để học tiếng anh. Kì 2 năm 2, nhờ những nỗ lực của mình, phát âm tiếng anh của cô ấy đã được cải thiện vô cùng đáng kể.

Sau khi tốt nghiệp, cô ấy liên tục gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, bản thân cô ấy cũng biết mình không có lợi thế ngoại hình, nhưng cái này thì không cách nào thay đổi được, vì vậy, cô ấy quyết tâm bổ sung ở phương diện khác. Cứ như vậy, cô ấy dùng 3 tháng để học hết những kĩ năng mà công việc mà cô ấy dự định ứng tuyển cần tới, đồng thời tiến hành một loạt nghiên cứu sâu về công ty và các sản phẩm của công ty.

Tất nhiên, những cái đó không phải ngày một ngày hai là có thể hoàn thành, cô ấy mất tới 3 tháng để làm được tất cả, ngày nào cũng dậy học từ 5h sáng rồi bận rộn tới 9,10h tối, chưa từng nghỉ một ngày. Cuối cùng, dựa vào chính thực lực của mình, cô ấy có được offer cho công việc mục tiêu.

Khi người khác lựa chọn an nhàn, cô ấy lại nỗ lực hơn bất kì ai, bởi vì cô ấy biết mình bắt buộc phải nổi trội ở một phương diện nào đó thì mới ngay lập tức nhận được sự công nhận và chú ý, chiến thắng đối thủ cạnh tranh không thể chỉ nhờ vào vận may, mà phải dựa vào tâm lý khao khát thành công và sự nỗ lực xuất phát từ trong tim.

40 tuổi ly hôn mất phương hướng: Phụ nữ nửa đời sau, nếu không muốn sống trong túng quẫn, có hai thói quen phải thay đổi ngay lập tức - Ảnh 1.

Dạo trước, một người bạn đi khắp nơi vay tiền, nói là vì mình vừa ly hôn, trước khi ly hôn cô ấy ở nhà làm bà nội trợ, bởi lẽ cô ấy thấy mình ở thành phố nhỏ nên không cần phải quá vất vả, cô ấy và chồng cũng không có gánh nặng chuyện nhà cửa vì được ba mẹ chồng cho nhà, tiền lương của chồng cũng đủ để nuôi cả nhà, hơn nữa ba mẹ chồng còn có lương hưu, vì vậy mà cô ấy lấy cớ lo cho con cái ăn học cho nghiêm túc mà ở nhà không đi làm nữa.

Những ngày tháng không đi làm, ngoài việc ở nhà đưa đón con thì sẽ là nấu cơm, dọn nhà, xem phim, phần lớn thời gian đều gắn với điện thoại xem mấy ứng dụng giải trí.

Cô ấy không ngờ rằng, bước vào tuổi trung niên rồi mà ly hôn vẫn vận vào mình, ngày chồng đề nghị ly hôn, cô ấy đơ người ra, nhưng biết làm sao, chồng nói hai vợ chồng tam quan không hợp nhau nữa, kiên quyết đòi ly hôn, cô ấy cuối cùng cũng chỉ đành thỏa hiệp.

Sau khi ly hôn, một người vốn lười biếng không có công ăn việc làm như cô ấy không biết phải dựa vào ai, cô ấy nói nửa đời sau của mình chắc chỉ có thể sống trong nghèo đói.

Nghĩ mà xem, nếu như cô ấy là người không hài lòng với hiện tại, là người có lý tưởng, vậy thì làm sao có thể có cái suy nghĩ dành phần lớn thời gian của mình chỉ để xem phim, lướt điện thoại, trong khi hoàn toàn có thể tận dụng khoảng thời gian ấy đi làm cái gì đó, cái thời gian lặt vặt mỗi ngày hoàn toàn đủ để cô ấy học thêm một kĩ năng mới nào đó rồi biến nó thành cái cần câu cơm, nhưng cô ấy lại chẳng làm gì và đắm chìm trong cái nôi thoải mái của mình.

Khi lười biếng đã trở thành một thói quen, một người lười biếng như cô ấy sẽ không muốn làm bất cứ chuyện gì, dần dần hình thành nên thói quen phụ thuộc vào người khác, mà quên mất rằng, sống ở đời, tới cuối cùng cũng chỉ có thể dựa vào chính mình, nếu bản thân không có bản lĩnh đứng lên, vậy thì người khác dù có muốn giúp, cũng sẽ chẳng giúp được gì.

Nhân vật La Tử Quân trong bộ phim "Nửa đời trước của tôi" cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự cô bạn kia, một bà nội trợ bị chồng bỏ, nhưng chẳng phải cô ấy đã lội ngược dòng thành công ư? Nhưng cú lội ngược dòng đó của cô ấy cần tới điều kiện, trước tiên, bản thân cô ấy có bằng cử nhân, có năng lực, chỉ là cô ấy bằng lòng hi sinh tất cả vì chồng con, tiếp đó, cô ấy có hai người bạn lương rất cao, có được sự trợ giúp của hai người bạn, thêm cả năng lực cá nhân, lội ngược dòng tất nhiên không phải chuyện khó khăn gì. Nhưng điều quan trọng nhất đó chính là, ngay sau khi sự cố ập tới, cô ấy đã dứt khoát bỏ đi cái căn bệnh lười biếng vì sống trong nhung lụa đã lâu của mình.

Từng là một bà Trần suốt ngày chỉ biết dạo phố, tán gẫu với bạn bè, chẳng cần làm gì, con cái thì có bảo mẫu hầu hạ, nhưng sau khi mất tất cả, cô cũng đã rất nhanh chóng vực lại được dậy.

Cô học thêm kĩ năng mới khi con trai đã ngủ, dậy từ rất sớm để chạy sang thành phố khác làm bảng điều tra nghiên cứu, thậm chí dù hôm trước có phải đi uống rượu với khách say tới đâu thì ngày hôm sau vẫn hoàn thành hết công việc mà sếp giao, nếu không trở nên nỗ lực, không chăm chỉ, vậy thì sẽ chẳng có một La Tử Quân ngược dòng thành công sau khi mất đi chỗ dựa vì ly hôn.

40 tuổi ly hôn mất phương hướng: Phụ nữ nửa đời sau, nếu không muốn sống trong túng quẫn, có hai thói quen phải thay đổi ngay lập tức - Ảnh 2.

Phần lớn những người phàn nàn về cuộc sống đều là phụ nữ trung niên, họ không can tâm với hiện tại của mình, nhưng cũng đành bất lực, tuy nhiên, họ cũng chưa bao giờ thực sự ngồi lại và nghiêm túc nghĩ xem, có phải vì lười nên có mới sự thỏa hiệp trước cuộc sống như vậy hay không.

Lại nói về cô bạn đại học của tôi, sau khi nhận được việc, cô ấy vẫn luôn như vậy, không một ngày nào là lười biếng, công ty muốn cử nhân viên tới Châu Phi công tác, trong khi nhiều người chê điều kiện ở đó khó khăn, lần lượt tìm lý do từ chối, thì chỉ có mình cô ấy là tình nguyện muốn đi.

Cô ấy nói, dù có là công ty tốt nhất thì cũng không thể giữ mãi một người chỉ có năng lực bình bình, cô ấy muốn rèn luyện bản thân trong môi trường khắc nghiệt hơn, quan trọng hơn là, cô ấy nghe nói thị trường Châu Phi có tiềm năng phát triển lớn hơn, cô ấy muốn tranh thủ cơ hội này đi tìm hiểu một chút, tạo nền tảng cho các giao dịch riêng của mình sau này. Bởi vì cô ấy không muốn xem công ty là chỗ dựa cả đời của mình, nên sớm đã tính cho mình một đường lui.

Trải qua 2 năm bồi dưỡng ở Châu Phi, cô ấy hiểu rõ hơn về thị trường bên đó, công ty lúc này vừa hay cũng làm ăn không tốt, phải giảm tải nhân viên. Trong khi người khác nhíu mày cau có sợ mình bị đuổi việc thì cô ấy chủ động xin nghỉ, mở cho mình một công ty kinh doanh riêng.

40 tuổi ly hôn mất phương hướng: Phụ nữ nửa đời sau, nếu không muốn sống trong túng quẫn, có hai thói quen phải thay đổi ngay lập tức - Ảnh 3.

So với những người lười biếng, không muốn mình vất vả, chỉ muốn hưởng thụ cuộc sống, cô ấy sớm đã trở thành một điển hình cho thành công, cho tới tận bây giờ, cô ấy vẫn giữ được sự chăm chỉ và nhiệt huyết với nghề của mình.

Một người phụ nữ, nếu nửa đời trước sống không tốt, nửa đời sau lại không muốn sống trong cảnh nghèo hèn, vậy thì bắt buộc phải ép mình bỏ đi hai thói quen: lười biếng và ỷ lại. Chỉ khi sự nỗ lực và chăm chỉ lớn hơn sự lười biếng và ỷ lại, bạn mới mong sống được một cuộc đời viên mãn theo ý mình.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM