1. Không tùy tiện bình luận cuộc sống của người khác
Một hôm tan ca sớm, tôi từng chứng kiến một câu chuyện thế này:
Một người phụ nữ trung niên đang dọn dẹp quán nước ven đường thì người chồng hớt hải đạp xe đạp chạy tới, tay cầm theo lồng cơm bằng inox, vừa vội đậu xe bên đường vừa xin lỗi liên tục:
"Vợ ơi, anh xin lỗi nhé, hôm nay anh đến muộn mất, không kịp đưa cơm cho em, em đói lắm không?"
Hóa ra cô vợ bận rộn cả một buổi sáng và đang đợi người chồng đưa cơm đến.
Dù có vẻ mệt, nhưng cô vợ vẫn nheo mắt cười trả lời chồng:
"Không đói lắm, còn sớm mà!"
Anh chồng nghe thế liền xách lồng cơm để lên bàn, vừa sắp ngăn đựng cơm ra vừa bảo vợ:
"Em ăn nhanh đi, còn nóng đó, anh ăn cùng với em."
Lúc này, một bà dì từ đâu đi tới bỗng nhiên liếc mắt nhìn ngăn cơm của họ rồi nói:
"Này em gái, ngăn cơm của em ngay cả một miếng thịt cũng không có, chỉ có nước tương với vài cọng rau, làm sao mà nuốt cho nổi. Em làm việc vất vả như thế mà chồng em đối xử như thế đấy!" Nói xong, bà dì lắc đầu bỏ đi.
Người vợ đang vui vẻ và mãn nguyện khi chồng tới nghe xong liền đỏ bừng cả mắt, tay cầm cái muỗng mà nước mắt cứ rơi. Bởi vì nghe người ngoài nói như thế, cô ấy cảm thấy thật tủi thân.
Trong cuộc sống, những người như bà dì kia không khó kiếm, dù rảnh rỗi hay không cũng thích đi bình phẩm đời tư người khác.
Giống như có một anh bạn tự thưởng cho mình một chuyến du lịch dài ngày vì vừa nhận được thành tích làm việc cao, anh ta vui vẻ đăng ảnh về nơi mình đặt chân đến, nhưng lại có người bình luận rằng: "Xem là biết ngay anh mới ra nước ngoài lần đầu, "phèn" không chịu nổi!"
Hoặc bạn mới vừa vui vẻ mua cho mình một bộ váy mới, nhưng một người bạn khác lại cười nhạo rằng chiếc váy đó sớm đã lỗi thời.
Có thể những "chính chủ" bị bình luận xấu đó đang sống ở tầng lớp thấp hơn họ. Nhưng để đưa ra những bình luận đầy tính soi mói và vô duyên như thế, thì chính họ mới là người cần xem lại mình. Bởi vì xét về nhân phẩm, họ mới là người đang ở tầng thấp nhất.
Trên thực tế, một người trí tuệ hay hơn người sẽ không bao giờ dễ dàng đánh giá người khác, chứ đừng nói đến việc quấy rầy hạnh phúc của người ta như vậy.
2. Dùng "thước đo" trong các cuộc giao tiếp
Hàng xóm tôi có một người gọi là ông Bảy, làm nghề chạy xe ôm, tính cách rất hòa đồng, dễ nói chuyện, nhưng lại thường bị khách đánh giá kém. Ngay cả bản thân ông ấy cũng không hiểu tại sao bản thân đã lịch sự nói chuyện với khách hàng mà vẫn bị người khác đánh giá kém như vậy.
Sau này, có một hôm vì xe hư, tôi đã gọi ông Bảy chở tôi đến chỗ làm và nhận ra vấn đề của ông ấy.
Vừa lên xe, ông ấy rất nhanh bắt chuyện. Khi nghe nói tôi rằng tôi còn độc thân, ông ấy liền vội vã đòi tìm đối tượng xem mắt cho tôi. Nói rằng mau kiếm vợ sớm mới gọi là đạo hiếu, không khiến cha mẹ lo lắng. Sau đó, ông ấy lại hỏi tôi về mức lương, tôi cũng lịch sự đáp trả rằng lương mình chỉ ở mức trung bình. Thế là ông Bảy lại khuyên tôi nên sớm về quê càng sớm càng tốt, ở thành phố mãi cũng chẳng có tiền đồ gì.
Trên thực tế, mặc dù chúng tôi là hàng xóm, nhưng chúng tôi lại không thân tới mức đó. Mà khách hàng của ông Bảy có cả người lạ, cứ mãi hỏi thẳng những câu về vấn đề riêng tư của người ta như thế, khó trách khiến người ta cảm thấy khó chịu.
Dù là ai đi nữa, cũng nên có ý thức rõ ràng về ranh giới khi giao tiếp, hãy có thước đo phù hợp để biết khi nào nên nói tiếp, khi nào nên dừng lại. Ai cũng có cuộc sống riêng, đừng nên lấy lý do vì tốt cho đối phương mà chỉ tay vào cuộc sống của người khác.
3. Hiểu nhưng không chấp
Lúc mới ra trường, tôi từng cùng với các tiền bối chung bộ phận đi ăn cơm tối. Sau ba vòng rượu, một số người không nhịn được bắt đầu khoe khoang, vừa mở miệng đã nói bản thân mình giỏi cỡ nào, thuyết phục được khách hàng đầu tư đơn hàng mấy tỷ ra sao...
Rượu vào lời ra, nói cho đã đời, nhưng ai còn tỉnh táo đều hiểu được anh ta chỉ nói "điêu". Bởi vì người chấp hành đơn hàng đó chính là đàn anh ngồi cạnh tôi mà không phải anh ta.
Lần đầu tiên anh ta khoe khoang, tôi và đàn anh chỉ nhìn nhau không nói gì. Nhưng đến lần thứ hai, thứ ba, tôi đã tức không chịu nổi. Mới ra trường chân ướt chân ráo, là đàn anh đã dẫn dắt để tôi có được ngày hôm nay, thế nên tôi quyết định sẽ vạch trần cái người đang đứng nói phét kia.
Thế mà đàn anh đã ra hiệu bằng ánh mắt ngăn tôi lại, không cho tôi vạch trần người kia.
Sau bữa tối, đàn anh nói với tôi, người kia chỉ muốn chứng minh bản thân, dưới tình huống đó có hơn phân nửa số người tự hiểu thành quả là của anh ấy rồi, mọi người đã không nói gì, tôi cũng không cần phải làm người kia xấu hổ.
Trong một số trường hợp, có nhiều điều bạn nhìn thấu nhưng không cần thiết nói ra. Đó cũng là một loại tôn trọng.
4. Không dùng khuyết điểm người khác làm bàn đạp
Dù có đang tranh chấp gay gắt đi nữa cũng đừng nên lấy khuyết điểm của người khác làm lỗ hỏng đánh trả dành thắng cuộc, như thế là rất hèn.
Một độc giả kể với tôi, gần đây cô ấy cãi nhau với bạn trai vì những chuyện vặt vãnh. Đó là chuyện rất bình thường của những cặp đôi yêu nhau. Nhưng có lẽ do lần này cảm thấy tủi thân quá lớn, người bạn trai luôn im lặng và nhường nhịn cô ấy những lần cãi nhau lại mở miệng cãi lại cô ấy.
Thấy vậy, cô ấy mới tức giận tột độ, ra đòn "sát thủ" mà không kịp suy nghĩ, nhắc đến chuyện bố mẹ bạn trai ly hôn lúc trước.
Lúc còn nhỏ, nhà người bạn trai kia rất nghèo, là mẹ một mình cực khổ nuôi anh ta khôn lớn. Vừa nghe nhắc lại chuyện cũ, người bạn trai im lặng không thèm cãi nhau nữa, chỉ nói một câu:
"Em không nên nói câu này!" rồi quay lưng bỏ đi.
Vốn dĩ cô gái tưởng rằng anh bạn trai chỉ giận hai, ba hôm là sẽ làm hòa. Nhưng không ngờ ngày hôm sau, bạn trai đã thu dọn hành lý ra khỏi nhà...
Đã gọi là cãi nhau chắc chắn sẽ không thể nói ra lời tốt đẹp. Một người có EQ cao nhất định sẽ hiểu rằng không nên mở lời khi tức giận. Bởi vì đối với người càng thân thiết, ta lại càng dễ gây sát thương cho họ. Nhiều người thường lật lại chuyện cũ, hay yếu điểm của đối phương, dùng nó làm một con dao sắc bén đâm vào họ, và kết quả là những tổn thương không thể bù đắp được.
EQ cao không phải là sống đạo đức giả, mà là đem đến ấm áp cho người khác. Hi vọng mỗi người đều có thể trở thành ánh sáng hạnh phúc cho chính mình và người xung quanh.