300 nhân viên răm rắp nghe lời nhưng không thể nói được con trai mình: Chuyện về những ông bố bà mẹ bất lực hay những trái tim rướm máu vì không được thấu hiểu

HH - Thiết kế: Trim | 09-06-2020 - 14:52 PM

(Tổ Quốc) - Một ông bố là giám đốc doanh nghiệp hơn 300 nhân viên đã thổ lộ sự bất lực với chuyên gia tâm lý khi không thể tương tác được với con trai của mình. Ông không hiểu được rằng, vấn đề không chỉ nằm ở đứa trẻ.

Có tới 13,2% trẻ từ 6-16 tuổi tại Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần theo một nghiên cứu từ năm 2013 do PGS. TS Tâm lý học lâm sàng Đặng Hoàng Minh chủ trì. Nghiên cứu này được thực hiện tại 60 địa điểm thuộc 10 tỉnh thành của Việt Nam, tiến hành trên khoảng 1300 mẫu.

Một khảo sát khác của TS Ngô Thanh Hồi - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mai Hương - cho thấy: có đến 19,46 % học sinh trong độ tuổi từ 10 -16 gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần.

Tác giả Nguyễn Văn Tường, trong một bài báo khoa học công bố năm 2015, đã trích dẫn các nghiên cứu của hai nhà tâm lý học Brent (1994) và Gould (1996) khẳng định: tình trạng tự tử ở trẻ liên quan trực tiếp đến những bất đồng giữa trẻ và cha mẹ. Sự bất đồng này thường xảy ra bởi những căng thẳng gia đình như: cha mẹ bất hòa, cha mẹ ly hôn, sự thiếu quan tâm của cha mẹ về mặt tâm lý, sự độc tài, áp đặt hoặc buông lỏng, thờ ơ, tình trạng rối loạn lo âu ở cha mẹ…

300 nhân viên răm rắp nghe lời nhưng không thể nói được con trai mình: Chuyện về những ông bố bà mẹ bất lực hay những trái tim rướm máu vì không được thấu hiểu - Ảnh 1.

PGS. TS Tâm lý học lâm sàng Đặng Hoàng Minh

PGS.TS Đặng Hoàng Minh cũng khẳng định: Gia đình vừa là yếu tố bảo vệ vừa là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Thế nhưng, không phải cha mẹ nào cũng nhận thức được điều này. Không ít người xem những bất ổn về tâm thần của con là vấn đề của riêng con, không liên quan gì tới mình

 “Giống như mình có cái xe đạp, mình mang đến tiệm sửa chữa rồi 2 tiếng sau quay lại lấy chiếc xe đã được bảo dưỡng tươm tất, họ đưa con đến trị liệu với tâm thế để chuyên gia, bác sĩ muốn sửa gì thì sửa, miễn là sau đó họ nhận con về thì con họ phải ổn hết.”, TS Đặng Hoàng Minh xót xa.

Chiếc cổ tay đầy sẹo và mùi hương lạ trong nhà vệ sinh

Chị Nguyễn Thị Thủy (tên nhân vật đã thay đổi, 43 tuổi) một ngày nọ nhận được điện thoại của cô giáo chủ nhiệm về việc con gái 16 tuổi của chị - cháu Thủy Anh -  có biểu hiện lạ ở lớp. Cô chủ nhiệm được một học sinh thông báo về việc Thủy Anh thường xuyên bẻ gãy bút bi và lấy đầu nhựa gãy nham nhở đó rạch cổ tay. Chị Thủy nhớ ra có lần thấy cổ tay con xước như bị ai cào. Nhưng khi mẹ hỏi, Thủy Anh nói do bạn bè trêu trọc nhau.

Tối hôm đó, chị Thủy kiểm tra tay con gái. Chị òa khóc nức nở vì cánh tay đứa trẻ 16 trắng ngần rách tươm chằng chịt những vết sẹo dài và mảnh chồng lấp lên nhau. Chị ra sức gặng hỏi nguyên nhân nhưng Thủy Anh chỉ khóc, không nói lời nào.

Chuyện đã xảy ra được gần 1 năm. Cho đến hiện tại, chị Thủy nói vẫn không biết nguyên nhân cụ thể là gì. Chị Thủy khẳng định bản thân chị và bố Thủy Anh tương đối thoải mái với con. Hầu như con muốn mua sắm gì, muốn đi chơi ở đâu đều được cha mẹ chấp thuận. Thậm chí việc cháu thích tô son, thích dùng nước hoa chị cũng không cấm đoán dù chị vẫn thường xuyên nhắc nhở con không nên quá ngắm nghía, làm dáng ở tuổi này. 

300 nhân viên răm rắp nghe lời nhưng không thể nói được con trai mình: Chuyện về những ông bố bà mẹ bất lực hay những trái tim rướm máu vì không được thấu hiểu - Ảnh 2.

Do Thủy Anh học tốt nên chị cũng chưa từng thúc ép con học hành. Thế nhưng, Thủy Anh từ cô bé hồn nhiên, năng động, tinh nghịch cứ ngày một trầm lặng, rút về phòng riêng, không còn muốn giao tiếp với bố mẹ và em nữa. Chị Thủy chỉ thấy con gái cười khi đi chơi với bạn bè.

Giống chị Nguyễn Thị Thủy, chị Phan Thành An (tên nhân vật đã thay đổi, 39 tuổi) cũng mang trong mình câu hỏi chưa có đáp án về việc tại sao con trai Đặng Nhật Huy lại sử dụng chất kích thích khi bắt đầu vào học lớp 10. Chị An phát hiện ra sự việc nhờ đọc trộm tin nhắn trong điện thoại của con khi con tâm sự với bạn về cảm giác “high”. Chị lên mạng tra cứu, kết hợp với việc thường xuyên ngửi thấy mùi lạ trong nhà vệ sinh, thì kết luận được con trai mình đã hút "cỏ".

Nhật Huy thừa nhận việc dùng ma túy nhưng nhất quyết không nói lý do. Từ ngày bị mẹ phát giác, Huy càng lầm lì hơn. Cậu bé không phản đối khi mẹ bắt chuyển trường, chấp nhận để mẹ đưa đón đi học, kiểm tra điện thoại liên tục. Chị An bảo, dù con không phản kháng nhưng chị cảm thấy bất lực và tuyệt vọng trong việc muốn biết con nghĩ gì. Chị An không nhớ rõ từ khi nào, cuộc trò chuyện của hai mẹ con chỉ xoay quanh việc nay học gì, mai thi gì, tối ăn gì. Nếu ở nhà, hai mẹ con chỉ gặp nhau lúc ăn cơm, sau đó là Huy về phòng đóng kín cửa.

Hai bà mẹ với hai đứa con cùng ở tuổi vị thành niên đều bỏ quên một chi tiết quan trọng trong quá trình nỗ lực tìm lời giải cho vấn đề tâm lý của con mình. Đó là tình trạng gia đình. Chị Thủy thừa nhận hai vợ chồng chị bất hòa đã nhiều năm nay và gần như không còn tương tác với nhau ngoài giao tiếp cơ bản. Riêng chị An có cuộc sống phức tạp hơn. Chị An ly hôn với bố Nhật Huy và tái hôn nhưng cuộc hôn nhân thứ hai thường xuyên mâu thuẫn. Nhật Huy chứng kiến gần như toàn bộ những lần va chạm giữa mẹ và bố dượng.

Những lời con nói

PGS. TS Đặng Hoàng Minh trong quá trình tham vấn, trị liệu đã nghe được nhiều câu chuyện đau lòng từ những đứa trẻ bị tổn thương nghiêm trọng vì những hành vi của cha mẹ.

Đó là một cô bé học lớp 8 được mẹ chăm sóc đến nghẹt thở. Người mẹ yêu thương con theo phong cách độc đoán và áp đặt, đến mức kiểm soát cả suy nghĩ, cảm xúc của con. 

Không chỉ ngày ngày đưa đón con đi học tất cả các buổi từ chính khóa đến học thêm, người mẹ quản lý cả việc con ăn gì, nhắn tin cho ai, để tóc thế nào. Cô bé muốn thoa chút son môi làm điệu giống các bạn cũng không được phép. Thậm chí, khi kể với mẹ một chuyện xảy ra ở trường khiến bản thân rất tức giận, mẹ cô bé cũng lập tức mắng con rằng: “Tại sao lại phải tức giận?”. 

Mối quan hệ giữa hai mẹ con vì thế càng ngày càng căng thẳng. Người mẹ cũng nhận ra sự căng thẳng này nên quyết định phải làm gì đó. Chị nghĩ tới cô giáo dạy gia sư mà con rất thân thiết và đưa con tới ở nhờ nhà cô giáo một thời gian. Chị tin rằng việc này sẽ giúp con gái bình tâm lại và hai mẹ con sẽ dễ chịu với nhau hơn. Nhưng chị không biết rằng, với cô bé, đó là một hành động ruồng bỏ.

Cú sốc tâm lý khiến cô bé 14 tuổi nảy sinh hàng loạt hành vi tự hại, thường xuyên cắt tay cắt chân, làm cơ thể mình chảy máu và đau đớn.

300 nhân viên răm rắp nghe lời nhưng không thể nói được con trai mình: Chuyện về những ông bố bà mẹ bất lực hay những trái tim rướm máu vì không được thấu hiểu - Ảnh 3.

Một cô bé khác học lớp 10 có người mẹ không độc đoán, không kiểm soát nhưng lại có tật lo lắng thái quá. Chịu ảnh hưởng từ mẹ, từ lúc còn nhỏ, cô bé đã sợ mọi thứ, không bao giờ dám thử một cái gì, làm một điều gì khác thứ mà mẹ đặt ra. Khi thi chuyển cấp, cô bé không đỗ vào trường cấp 3 mà mẹ đã nhắm sẵn. Thất vọng vì không đạt được điều mình mong muốn, cộng thêm những lời than phiền lo lắng từ mẹ, cô bé rơi vào tình trạng bất ổn, không còn niềm tin vào bản thân, không có hứng thú với cuộc sống, học hành sa sút, rối loạn lo âu.

Nếu không có lời tâm sự của các con, các bà mẹ có thể không bao giờ hiểu được vì sao con lại ra nông nỗi ấy. Họ đã yêu thương con nhiều như thế, đã chăm sóc con chu đáo thế nào, đã cung cấp cho con đầy đủ vật chất ra sao, đã không ngừng lo toan cho việc học hành, tương lai của con. Vậy tại sao những đứa trẻ lại phụ tấm lòng của cha mẹ? Tại sao đứa trẻ chống đối lại sự quan tâm? Tại sao đứa trẻ đóng chặt cửa tâm hồn trước những lời hỏi han? Tại sao đứa trẻ sa vào lối sống tồi tệ, dùng chất kích thích, tự hành hạ bản thân trong khi cha mẹ lo lắng cho chúng không thiếu thứ gì?

Là bởi, thứ những đứa trẻ cần không phải là chiếc quần áo đẹp, những chuyến xe đưa đón, bữa cơm đủ dinh dưỡng mà là sự thấu hiểu từ cha mẹ. Nói như PGS.TS Đặng Hoàng Minh: “Không hẳn là cha mẹ đã sai, nhưng họ đã có những hành vi không phù hợp với cá tính của con mình. Họ không hiểu con.”

Làm sếp của con hay làm bạn với con?

Không phải phụ huynh nào khi đưa con tới tham vấn, trị liệu tâm lý đều ý thức được bản thân đã làm điều gì đó không phù hợp với con. Một số không nhỏ hoàn toàn xem mình vô can. Họ nghĩ rằng bất ổn của con là vấn đề của riêng con. 

PGS.TS Đặng Hoàng Minh còn khẳng định: cha mẹ có học thức càng cao thì càng khó thay đổi hành vi để cứu con cái mình. “Điều này có thể lý giải là, cha mẹ có học thức càng cao thì càng quá tự tin vào kiến thức và sự hiểu biết của bản thân. Hơn nữa, ở địa vị xã hội cao, việc chấp nhận mình sai là điều rất khó khăn, nhất là khi chấp nhận mình sai trước con.”

300 nhân viên răm rắp nghe lời nhưng không thể nói được con trai mình: Chuyện về những ông bố bà mẹ bất lực hay những trái tim rướm máu vì không được thấu hiểu - Ảnh 4.

PGS.TS Đặng Hoàng Minh lấy ví dụ về một ông bố. Khi đưa con trai tới trị liệu, ông bố đã bày tỏ bằng tâm trạng bất lực và giận dữ: “Tôi điều hành công ty 300 người, mọi thứ đều răm rắp, tôi nói là nhân viên nghe, nhưng tại sao thằng con tôi, tôi lại không thể điều khiển được?”

Tâm lý của người bố này khá phổ biến trong xã hội, nơi cha mẹ luôn có nhu cầu kiểm soát, kiềm chế, quản thúc con trong tầm tay tầm mắt của mình. Một phần sự quản chế ấy xuất phát từ tình yêu thương, sự lo lắng dành cho đứa con bé bỏng. Một phần nó thể hiện mong muốn được thể hiện quyền lực của người cha người mẹ, muốn bản thân phải có giá trị và ý nghĩa với cuộc đời của con cái.

Bởi thế mà, nhiều bậc cha mẹ ra sức làm những điều họ mà họ cho rằng tốt nhất với con thay vì để con được lựa chọn điều tốt nhất với chúng. Họ biến con cái thành một nhân viên ngoan ngoãn, phục tùng, làm việc theo ý chí của cấp trên thay vì được làm chủ cuộc đời mình. Họ, thay vì làm bạn với con thì làm sếp của con, và do đó không bao giờ được nghe những lời tâm sự từ con tim. 

Chẳng có đứa trẻ nào lại từ chối tình yêu, nếu tình yêu ấy mang đến sự dễ chịu, bình yên và tự do. Sẽ không có những đứa trẻ chống đối, tự làm đau bản thân nếu chúng được an toàn trong ngôi nhà của mình. Chúng sẽ sống khác đi, sẽ tốt hơn nếu cha mẹ cũng dám thay đổi để khác đi và tốt hơn. Như PGS.TS Đặng Hoàng Minh khẳng định: Cha mẹ có thể làm tổn thương con cái nhưng cũng chỉ cha mẹ mới có thể làm lành vết thương ấy. 

Trong gia đình, khi con cái và bố mẹ không thấu hiểu nhau, không khí sẽ vô cùng căng thẳng. Bố mẹ trở nên áp đặt, con cái trở nên xa lánh, ngột ngạt, thậm chí bị tổn thương bởi những người mình yêu thương nhất!

Bởi vậy, chúng tôi muốn tổ chức một chiến dịch mà thông qua đó, con cái - bố mẹ sẽ có cơ hội được trò chuyện, thấu hiểu. Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn qua fanpage aFamily.vn hoặc email về địa chỉ contact@afamily.vn để được nói, được thấu hiểu, và trên hết là cùng nhau thay đổi để gia đình thực sự là nơi bão dừng sau cánh cửa.

Bài viết có tham khảo cuốn Sức khỏe tâm thần ở trẻ em Việt Nam: Thực trạng và các yếu tố nguy cơ và một số tài liệu khác


CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Marketing - ngành học chưa bao giờ hạ nhiệt

Trong nền kinh tế hội nhập, doanh nghiệp nào cũng cần đến bộ phận Marketing để định vị chỗ đứng trên thị trường kinh doanh và kết nối khách hàng rộng rãi. Một nhãn hàng mỹ phẩm mới ra mắt hay một thương hiệu trà sữa muốn giới thiệu món uống mới thành công đều cần từng bước phân tích đến xây dựng chiến lược khéo léo, sáng tạo.