Khi nữ y tá Zhang Wendan - 27 tuổi - và gia đình đang chuẩn bị đón dịp Tết cổ truyền, cô nhận được lệnh khẩn từ bệnh viện: Quay trở lại và tham gia "trận chiến" chống lại virus corona đang bùng phát.
Zhang sống ở Hoàng Cương - địa cấp thị của tỉnh Hồ Bắc (nơi khởi phát virus). Trước đó 2 ngày, nhà chức trách đã phong tỏa thành phố, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Mẹ cô rơi lệ khi chứng kiến Zhang cùng vị hôn phu vào phòng, chuẩn bị đồ cho chuyến đi của con gái.
Đầu cạo trọc, mặc tã người lớn
Với Zhang, những ngày làm việc trong viện thực sự là một trải nghiệm khổ sở, đặc biệt là với phụ nữ.
Giống như các đồng nghiệp, Zhang dần quen với việc phải mặc những bộ đồ ướt đẫm mồ hôi bên dưới trang phục bảo hộ. Cô chấp nhận thực tế rằng không có đủ khẩu trang phòng hộ cho tất cả mọi người. Cô buộc phải nhớ cần thật nhẹ tay khi kéo khóa đồ bảo hộ, bởi nó có thể bung ra bất kỳ lúc nào. Cô thậm chí phải cạo sạch tóc, và có những trải nghiệm rất khó nói khi đến kỳ kinh nguyệt.
Zhang phải làm quen với bộ đồ ướt đẫm mồ hôi bên trong trang phục bảo hộ
Ở trong khu cách ly hơn 30 ngày, Zhang cùng nhiều đồng nghiệp khác đã quyết định cạo trọc để giữ vệ sinh và thuận tiện hơn trong công việc. Truyền thông Trung Quốc gọi những người như cô là "các chiến binh đẹp nhất" nơi tâm dịch. "Lúc đi mua đồ, có người còn khen tôi 'đẹp trai'" - Zhang kể lại. Chi phí cắt tóc do bệnh viện chi trả.
Nhưng có lẽ, khoảnh khắc khổ sở nhất mà Zhang phải trải qua là lúc đến kỳ. Cấp trên của cô hầu hết là nam giới. Trong bối cảnh đầu tắt mặt tối, họ trở nên khó thông cảm hơn. Cô và một số đồng nghiệp nữ từng nhận phải lời chỉ trích "thiếu tinh thần tận tụy", thậm chí bị kỷ luật sau khi cố gắng tìm kiếm băng vệ sinh.
Các mặt hàng tiếp tế buộc phải được kiểm soát bởi cơ quan chức năng trước khi vào thành phố, vậy nên những mặt hàng như băng vệ sinh cũng trở nên khan hiếm với các nữ bác sĩ, y tá trong vùng cách ly. Ngày qua ngày, Zhang cảm thấy tinh thần rệu rã và thêm kiệt quệ.
Một nữ y tá tại Vũ Hán cạo sạch đầu để thuận tiện trong công việc (Ảnh: Xinhua)
Rốt cục, một nhóm tình nguyện viên đã ghi nhận nhu cầu này và gửi đến khoảng 2000 tã lót dành cho người lớn đến bệnh viện, nhằm tiếp tế cho hơn 500 nữ công nhân viên y tế tại đây.
Zhang chia sẻ, áp lực công việc khi ấy là lớn khủng khiếp, thậm chí thời gian đi vệ sinh còn khó. Đó là chưa kể đến việc phải đối mặt với kỳ kinh trong bộ trang phục bảo hộ tuềnh toàng.
Trên thực tế, hàng tiếp tế dành cho ngành y nơi tiền tuyến là một vấn đề nan giải ngay từ khi dịch bệnh nổ ra. Tại Hồ Bắc, các y tá và bác sĩ khẩn cầu kêu gọi thêm khẩu trang và mặt nạ phòng hộ. Hàng ngàn công nhân viên y tế bị xác nhận nhiễm bệnh, một số đã tử vong. Trong một bức thư đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet, các y bác sĩ đã mô tả "điều kiện làm việc thực sự khổ sở đến mức không tưởng."
"Tôi sợ nhiễm bệnh, nhớ nhà nữa," - Zhang chia sẻ tâm tư của mình. Hiện tại, thời hạn chiến đấu ngoài tiền tuyến của Zhang đã chấm dứt. Cô đang chờ nốt thời hạn 14 ngày cách ly cho bản thân tại một khách sạn gần bệnh viện, trước khi chính thức được trở về bên gia đình.
Một nữ y tá hồi sức cấp cứu tại Vũ Hán (Ảnh: Xinhua)
Zhang cho biết khi mọi chuyện kết thúc, cô sẽ chạy ngay về nhà, tắm một cách thoải mái, rồi ăn một bữa thật ngon do mẹ nấu. Trong thời gian làm việc ở khu cách ly, người mẹ ấy đã cố gắng chuyển đồ ăn cho cô 3 lần, nhưng cả hai chẳng được gặp nhau. Đồ ăn được đặt trên vỉa hè, Zhang lấy chúng trong khi mẹ cô đứng quan sát từ xa, ở một khoảng cách đủ an toàn.
Cô cũng rất mong chờ lễ cưới của mình sau khi câu chuyện kết thúc. Cô dự tính sẽ phải đội tóc giả, vì mái tóc của mình chưa thể mọc lại. Chiếc váy cưới đã được đặt từ trước đó nhưng chưa thể nhận, âu cũng bởi công việc. Cô vẫn cố gắng lạc quan, khấp khởi hy vọng, mong rằng sẽ chẳng có gì cản trở đám cưới của mình vào nửa cuối tháng 3.
"Mong rằng nó sẽ không bị hoãn lại. Hy vọng vậy!"
Nguồn: NY Times