Có thể bạn chưa biết: Trong danh sách những loại rau tốt và nhiều dưỡng chất nhất mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố, cải xoong của Việt Nam đứng đầu với số điểm tuyệt đối về mật độ dinh dưỡng: 100 điểm.
Không loại rau nào khác đạt điểm số này. Có thể thấy điều này khi tham khảo chỉ số mật độ dinh dưỡng của một số loại rau đầu bảng khác như: Bắp cải (91,99 điểm), củ cải đường (89,27 điểm), củ cải xanh (87,08 điểm), rau bina (86,43 điểm).
Ở Việt Nam, giá rau cải xoong chỉ giao động trong khoảng 30-40k/kg. Đã tốt còn rẻ, chẳng tội gì không ăn loại rau này thường xuyên.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ gợi ý cho bạn 3 món ngon dễ nấu từ cải xoong để bữa ăn không chỉ ngon mà còn "siêu dưỡng chất".
Cải xoong xào thịt bò
Nguyên liệu cần chuẩn bị: 300gr cải xoong, 250gr thịt bò, 4-5 tép tỏi, 1 đốt gừng nhỏ và các loại gia vị (dầu hào, muối, hạt nêm, nước mắm).
Cách làm cải xoong xào thịt bò:
Bạn nhặt rau cải xoong, bỏ phần cuống và gốc già, ngắt lấy phần ngọn non xanh và rửa sạch, để ráo. Bóc vỏ tỏi, nạo vỏ gừng, rửa sạch và băm nhỏ. Thịt bò rửa sạch, thái mỏng.
Tiếp theo, bạn cho 1-2 thìa cà phê dầu ăn vào chảo và phi thơm phần gừng, tỏi đã băm nhỏ. Khi tỏi dậy mùi thơm, bạn cho thịt bò đã thái mỏng vào, xào trên lửa lớn khoảng 2 phút cho thịt chín tái rồi đổ ra bát.
Xào thịt bò xong, bạn cho cải xoong đã rửa sạch vào chảo, đảo đều tay trên lửa lớn khoảng 30 giây rồi nêm thêm dầu hào, hạt nêm với định lượng tùy theo khẩu vị. Giờ thì thêm phần thịt bò đã xào qua vào chảo, đảo thêm khoảng 15-20 giây rồi tắt bếp. Để cải xoong giữ được màu xanh và độ giòn ngọt, bạn chỉ nên xào trong khoảng 1 phút với lửa lớn. Nếu xào lâu hơn, rau sẽ bị mềm nhũn, kém ngon.
Canh cải xoong thịt heo xay
Nguyên liệu cần chuẩn bị: 300gr cải xoong, 150gr thịt heo xay, 4-5 tép tỏi, 1 củ hành tím và các loại gia vị (nước mắm, hạt nêm).
Cách nấu canh cải xoong thịt heo xay:
Bạn nhặt rau cải xoong, bỏ phần cuống và gốc già, ngắt lấy phần ngọn non xanh và rửa sạch, để ráo. Bóc vỏ tỏi và hành tím, băm nhỏ.
Bạn cho 1 thìa cà phê dầu ăn vào nồi và phi thơm phần tỏi, hành tím đã băm nhỏ. Khi hành, tỏi dậy mùi thơm, bạn cho thịt heo xay vào nồi, đảo khoảng 1 phút để thịt chín tái rồi thêm khoảng 600ml nước vào nồi. Đợi nước sôi, bạn thả rau cải xoong vào, tăng lửa/nhiệt và nấu khoảng 50 giây. Trước khi tắt bếp, bạn nêm thêm chút hạt nêm và nước mắm là xong.
Súp cải xoong
Nguyên liệu cần chuẩn bị: 200-300gr cải xoong, 150gr khoai tây, 2 củ hành tím, 25gr bơ, 100ml kem tươi, 300ml nước hầm xương và các loại gia vị (muối, hạt nêm).
Cách làm súp cải xoong:
Bạn nhặt rau cải xoong, bỏ phần cuống và gốc già, ngắt lấy phần ngọn non xanh và rửa sạch, để ráo. Bóc vỏ hành tím, băm nhỏ hoặc thái lát mỏng. Nạo vỏ khoai tây, cắt thành khoanh mỏng và rửa nhiều lần với nước để khoai nhả hết nhựa.
Tiếp theo, bạn đun chảy 25gr bơ. Khi bơ tan hoàn toàn, bạn cho hành tím vào phi thơm, sau đó đến khoai tây.
Khi khoai tây mềm, bạn thêm vào nồi 300ml nước hầm xương. Đậy vung, tăng lửa/nhiệt và nấu khoảng 2 phút. Sau đó, bạn thêm 100ml kem tươi vào nồi, khuấy đều trước khi cho rau cải xoong vào. Nấu nồi súp thêm 1 phút trên lửa lớn rồi tắt bếp.
Đổ hỗn hợp trong nồi vào máy xay sinh tố và xay nhuyễn. Vậy là bạn đã hoàn thành xong món súp cải xoong rồi đấy!
Trên đây là 3 món ăn đơn giản, dễ nấu với cải xoong mà bạn có thể tham khảo để bữa ăn của gia đình vừa ngon, vừa đủ chất.
Theo thông mà CDC Mỹ công bố:
Hai chất dinh dưỡng nổi bật nhất trong cải xoong là vitamin C và vitamin K. Lượng vitamin C trong loại rau này thậm chí nhiều hơn cả cam và chanh.
Vitamin C giúp tăng cường chức năng miễn dịch, đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất collagen, hấp thụ sắt, chuyển hóa protein và bảo vệ cơ thể, chống oxy hóa. Còn vitamin K là thành phần rất cần cho sự đông máu và sức khỏe của xương.
Những chất dinh dưỡng này kết hợp với các phytochemical (hợp chất thực vật) trong cải xoong tạo nên tác dụng ngăn ngừa ung thư, hạn chế tiểu đường và các bệnh tim mạch.
Một nghiên cứu trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ còn cho thấy cải xoong giúp tái tạo các tế bào bị hư hỏng, phòng ngừa ung thư. Rau này cũng giàu folate, một loại vitamin B cần cho não, góp phần cải thiện sức khỏe nhận thức, tăng cường trí nhớ và hỗ trợ kiểm soát căng thẳng.