“Chúng tôi sẽ đề bạt bạn đến vị trí cao hơn” - đây luôn là câu nói đáng ăn mừng đối với mỗi dân công sở trên con đường sự nghiệp. Lên vị trí cao hơn sẽ giúp mỗi cá nhân có thêm nhiều tiền lương hơn, chế độ đãi ngộ của công ty cũng tốt hơn, rõ ràng đây chính xác là những gì mà dân công sở cần.
Tuy nhiên, không hẳn lúc nào việc gật đầu trước những lời đề bạt thăng tiến cũng là tốt cả đâu bởi bên cạnh những ưu điểm nó vẫn còn tồn tại không ít khuyết điểm mà một khi nhận lời, chúng ta sẽ nhận về cả một bầu trời vụn vỡ. Không tin ư? 3 lý do khuyên bạn nên gạt phăng cơ hội thăng tiến dưới đây sẽ giúp dễ hình dung hơn.
Vị trí hiện tại đã đủ khiến bạn “mệt mỏi quá rồi”
Căng thẳng với công việc là một chuyện hết sức bình thường trong đời sống công sở, ấy thế một khi tình trạng này kéo dài mà không tài nào có thể giảm bớt, khi lời đề nghị “thăng quan tiến chức” xuất hiện, bạn nên cắn răng mà từ chối đi thôi.
Thăng tiến sẽ kéo theo nhiều trách nhiệm nặng nề hơn, trong khi bạn vẫn đang vẫy vùng với tình trạng stress, mệt mỏi, thức khuya dậy sớm ở vị trí hiện tại thì nếu gật đầu lên vị trí mới, hiển nhiên bạn sẽ vô tình nâng tầm sự mệt mỏi của mình lên đến mức “muốn phát điên đi được”. Làm gì thì làm, tự dưng lại làm khó mình, thăng tiến xong khóc ròng mỗi ngày, có đáng không?
Tuy nhiên, vấn đề này hoàn toàn có thể được giải quyết và bạn có thể nắm lấy cơ hội thăng tiến khi dám thẳng thắn đối thoại với sếp của mình. Hãy trình bày với sếp lý do bạn từ lời đề bạt, nếu sếp có sự hỗ trợ giúp bạn giảm bớt căng thẳng kèm theo vài lời hẹn hứa thì cứ tiến lên, sợ gì nữa!
Vị trí mới, công việc mới không nằm trong sở thích của bạn
Với đại đa số dân công sở mà nói, cảm hứng làm việc đôi khi xuất phát từ niềm yêu thích công việc. Việc mình thích thì mình làm hăng say, điều này khỏi bàn cãi rồi. Ấy thế, khi được đề bạt lên vị trí cao hơn, mới hơn, tốt hơn rất có thể nó đồng nghĩa với lời mời đưa bạn thoát ra khỏi công việc yêu thích của mình.
Nếu hào hứng với mảnh đất mới có nhiều điều chưa biết ấy và sẵn sàng đến đó để khai khẩn, tạo nên một “vương triều” trù phú thì việc gật đầu chấp nhận lời đề bạt hoàn toàn tốt thôi. Còn nếu bạn gặp khó khăn trong vấn đề từ bỏ phạm vi công việc yêu thích của mình, có lẽ đây là dấu hiệu cho thấy bạn nên ở lại và từ chối đi lời mời tiến cử của cấp trên.
Nghe có vẻ điên rồ nhưng bạn là chính bạn, làm việc bạn thích, thỏa sức thể hiện sự đam mê và sáng tạo của mình, cố hữu với công việc hiện tại, rõ ràng có gì sai đâu? Suy cho cùng, đi làm mà nhận được việc đúng sở thích, sở trường của bản thân vốn không dễ dàng gì, cho nên khoan vội từ bỏ nhé!
Vị trí được đề bạt có mùi… nguy hiểm
Dấu hiệu cảnh báo cho sự nguy hiểm đó chính là vị trí mình được đề bạt ngồi vào thường xuyên thay đổi chủ nhân trong một khoảng thời gian ngắn, người ra người vào xoàng xoạch nhưng chẳng ai trụ lại đủ lâu. Tất nhiên, bản thân mình phải tự đặt câu hỏi rằng “sao lại thế nhỉ?”, “không lý gì vị trí ‘thơm bơ’ như vậy mà người ngồi vào rồi lại nhanh chóng ra đi?”,...
Trước khi gật đầu trước lời đề cử, chúng ta nên đi tìm lời giải cho những câu hỏi trên cũng như là phân tích cái mùi nguy hiểm mà mình đang cảm nhận được là gì. Để tìm lời giải, hãy hỏi han xung quanh về những cá nhân gần gũi nhất với vị trí mình được mời ngồi, hoặc nếu có cơ hội cũng nên hỏi chính những người đã ra đi.
“Rình mò”, tìm cách nhiều chuyện một chút trong trường hợp này chả sao đâu, vì tốt cho mình mà. Và khi vị trí ấy có vấn đề thật như “việc ngập đầu”, “suốt ngày bị sếp lớn tra hỏi”, toàn được giao task khó”,... thì hãy khựng lại, tự hỏi tiếp bản thân “mình chịu đựng được không ta?”. Nếu câu trả lời là “được”, ngại gì mà không nhận, trái lại nếu câu trả lời là “không”, nhanh chóng nói từ chối lời đề bạt đi thôi!