“Ngày bé mình luôn nghĩ rằng nó là một loại kẹo dẻo bọc đường, đến khi ăn thử mới biết nhầm to” là lời chia sẻ của một cô gái có chuyến du lịch tới Bắc Kinh và được thưởng thức món kẹo hồ lô trong “truyền thuyết”, món ăn gắn liền với tuổi thơ của nhiều người thông qua những bộ phim kiếm hiệp cổ trang Trung Quốc.
Trên thực tế, có không ít người cũng từng có lầm tưởng giống như vậy, nhiều người thậm chí còn cho rằng kẹo hồ lô được làm từ những viên đường có hình tròn hay một loại kẹo đặc biệt.
Tuy nhiên, tất cả những nguyên liệu kể trên đều không chính xác. Để có thể hiểu rõ hơn về loại kẹo này hãy cùng "ngược dòng thời gian" để tìm hiểu 3 điều vô cùng thú vị về nguồn gốc, ý nghĩa cùng cách chế biến đặc biệt của món ăn được mệnh danh là thức quà truyền thống của Trung Quốc ngay sau đây.
Kẹo hồ lô trong tiếng Trung được gọi là 糖葫芦 (Tánghúlu) hoặc là 冰糖葫芦 (Bīngtánghúlu). Theo ghi chép để lại, món ăn này xuất hiện cách đây hơn 800 năm, bắt đầu từ thời Nam Tống (1127-1279). Tương truyền, trong cung khi đó có một vị quý phi được hoàng đế Tống Quang Tông vô cùng sủng ái không may đổ bệnh nặng. Ngự y trong cung làm nhiều cách để chữa cho vị quý phi này nhưng không được. Bệnh tình của nàng ngày càng nặng thêm dẫn tới nhiều ngày bỏ ăn bỏ uống, thân thể ngày một gầy yếu.
Hoàng đế vô cùng lo lắng đã ra thông cáo tìm danh y ở khắp nơi, ai chữa được sẽ trọng thưởng hậu hĩnh. May mắn lúc đó có một vị thầy lang xuất hiện và xin chẩn mạch cho quý phi. Sau khi bắt mạch, vị thầy lang đó đã điều chế một “thang thuốc” từ loại quả có màu đỏ bắt mắt cùng với nước đường. Sau khi quý phi dùng thử thì tình hình dần được cải thiện, không tới nửa tháng sau đã hồi phục hoàn toàn.
Chính vì có công dụng tốt, dễ ăn, hương vị lại rất ngon nên “thang thuốc” này ngay sau đó đã được người dân yêu thích và lan truyền khắp nơi và dần trở thành một món ăn phổ biến không thể thiếu của người dân nơi đây.
“Thang thuốc” đặc biệt này chính là món kẹo hồ lô ngày nay với nguyên liệu chính là quả sơn tra - một vị thuốc quan trọng trong Đông y có khả năng dưỡng nhan, cải thiện hệ tiêu hóa, tăng cảm giác thèm ăn…Cho tới hiện tại, loại quả này cũng được Tây y xác nhận có nhiều công dụng tốt cho hệ tiêu hóa, tim mạch, giúp tăng cường cả hệ miễn dịch và chống ngưng tập tiểu cầu...
Nguyên nhân có tên gọi này là do hình dáng ban đầu của kẹo hồ lô giống như trái hồ lô ngoài đời thật. Với 2 quả sơn tra được xiên vào với nhau, quả to ở dưới quả nhỏ ở trên. Tuy nhiên theo sự phát triển cùng nhu cầu của người mua, hiện tại 1 xiên kẹo hồ lô phải có tới 8 - 10 quả sơn tra chứ không còn 2 quả như trước nữa.
Thêm vào đó nguyên liệu chính ngoài quả sơn tra cũng sử dụng thêm rất nhiều loại hoa quả khác như dâu tây, kiwi, chà là, quất vàng… Chiêm ngưỡng những xiên kẹo hồ lô với màu sắc bắt mắt, tươi ngon với hương vị chua ngọt vừa đủ từ hoa quả cùng lớp đường mỏng tang giòn rụm khiến không chỉ trẻ em mà rất nhiều người lớn cũng khó có thể cưỡng lại được món ăn vặt đặc biệt này.
Ngày nay, món kẹo hồ lô được bày bán ở khắp mọi nơi tại Trung Quốc. Đây là món ăn mà bất cứ khách du lịch nào tới Trung Quốc cũng muốn thưởng thức thử 1 lần. Mặc dù nhìn qua thì món này có vẻ rất dễ chế biến. Tuy nhiên, để có được một xiên kẹo hồ lô chuẩn vị truyền thống Bắc Kinh với lớp đường óng ánh giòn tan, hòa quyện cùng vị hơi chua ngọt từ quả sơn tra lại đòi hỏi người chế biến phải có sự cẩn thận và tỉ mỉ nhất có thể.
Đầu tiên là từ công đoạn vót que tre, từng que tre được đánh bóng bằng giấy nhám để đảm bảo loại bỏ hết dằm nhưng yêu cầu không được quá trơn mịn vì như vậy khi xiên quả dễ bị trượt mất.
Tiếp đó là bước chọn quả sơn tra, những quả sơn tra to, chín đỏ đầy đặn không bị méo mó. Đặc biệt lưu ý quả sơn tra được dùng làm kẹo hồ lô chủ yếu là quả bắc sơn tra hay còn gọi là Sơn tra Trung Hoa tên khoa học là Crataegus pinnatifida. Loại quả này khá giống với quả nam sơn tra có tên khoa học là Crataegus cuneata hay còn được biết đến gần giống quả táo mèo của Việt Nam. Tuy nhiên có sự khác biệt vì quả táo mèo thường có vị chua chát nhiều hơn nên ít được sử dụng làm loại kẹo này.
Sau khi đã có đủ nguyên liệu chuẩn bị tới bước nấu nước đường, đây là công đoạn yêu cầu sự cẩn thận và tỉ mỉ nhất. Nước đường nấu tới khi sôi nổi những bong bóng khí thật nhỏ và ngả sang màu vàng kim óng ánh trong suốt mới đạt chuẩn để bọc quả.
Trong cuốn “Vị Bắc Kinh” của Thôi Đại Viễn được xuất bản năm 2009 có viết, kẹo hồ lô là thức quà không thể thiếu của Bắc Kinh vào những ngày đông lạnh giá. Quá trình chế biến tinh tế, đặc biệt phần nước đường cần chỉnh chu nhất. Muốn biết nước đường chuẩn hay chưa thì lấy đũa chấm vào nước đường sau đó nhúng ngay vào nước lạnh. Nếu nếm thử thấy còn dính răng thì tiếp tục đun, nếu giòn tan thì đã vừa đủ. Ngay khi đó phải nhúng quả vào, nếu để thêm 1 chút nữa nước đường sẽ chuyển thành vị đắng.
Đặc biệt cần chú ý lớp đường cần cực kỳ mỏng, nếu quá dày không chỉ mất độ giòn mà còn khiến món kẹo hồ lô mất đi sự cân bằng khi vị ngọt lấn át quá nhiều so với vị quả. Nếu mắc phải sai lầm này thì không còn hương vị kẹo hồ lô chuẩn vị nữa.
Phần kết
Kẹo hồ lô không chỉ đem lại những trải nghiệm thú vị về mặt ẩm thực, nhiều điều tốt về mặt sức khỏe mà còn ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa văn hóa của người dân Trung Quốc.
Những xiên kẹo hồ lô đỏ rực tròn đầy, tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành và viên mãn. Người dân Trung Quốc quan niệm rằng ăn kẹo hồ lô có tác dụng xua đuổi vận đen, mang lại nhiều điều may mắn cho người thưởng thức. Chính vì những ý nghĩa đầy tốt đẹp này nên người Trung Quốc thường có thói quen tặng nhau kẹo hồ lô cho trẻ nhỏ với mong muốn các em lớn lên khỏe mạnh và gặp thật nhiều điều may mắn trong cuộc sống.
Hàng năm, vào ngày 09/01 còn được người dân Trung Quốc lựa chọn làm ngày hội kẹo hồ lô. Ngày hội này thường được tổ chức tại Thanh Đảo (Trung Quốc) và kéo dài cả tuần thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tới tham dự.
Nếu có dịp tới Trung Quốc đặc biệt là tới Bắc Kinh du lịch, các bạn đừng quên thưởng thức món ăn bình dân mà không kém phần hấp dẫn và ý nghĩa này nhé.