3 cấp độ học tập nhào nặn ra 3 kiểu người: Kẻ tầm thường học chỉ để kiếm tiền, người bình thường học để khôn ra, bậc trí giả học để đối nhân xử thế

Tịnh Kỳ | 01-06-2020 - 13:47 PM

(Tổ Quốc) - Khi chúng ta có thể chọn công việc có ý nghĩa và có giá trị hơn, chúng ta có thể có được ý thức hơn về phẩm giá, thành tựu và hạnh phúc của chính mình.

Cấp độ đầu tiên của việc học là mưu sinh, cũng là cấp độ học tập thực dụng nhất

Một số phụ huynh rất mong muốn để con cái họ giành chiến thắng ở vạch xuất phát. Họ như ngồi trên đống lửa khi nghe con họ bị điểm kém. Họ muốn con cái họ điểm cao để vào học ở một trường đại học có tiếng. Mục đích là không gì khác hơn là muốn đứa trẻ tìm được một công việc tốt trong tương lai và tự mình kiếm sống.

Nhưng quan trọng là, giáo dục không những chỉ cho chúng ta cách kiếm cơm ngày ba bữa mà còn cho phép chúng ta có nhiều lựa chọn hơn và học hành là con đường dễ đi nhất trên đời. 

Nữ nhà văn Long Ứng Đài đã viết trong bức thư cho con trai có tên "Tại sao mẹ bắt con phải học hành chăm chỉ?" như sau:

"Mẹ yêu cầu con chăm chỉ đọc sách, không phải vì mẹ muốn con có thành tựu hơn người khác mà là bởi vì, mẹ muốn con có nhiều quyền lựa chọn hơn cho tương lai, lựa chọn có ý nghĩa, có thời gian làm việc chứ không phải là bị ép mưu sinh. Có vậy, cuộc sống con mới hạnh phúc thật sự. Còn không, con sẽ gặp bất hạnh biết bao nhiêu".

Có thể thấy rằng cấp độ giáo dục đầu tiên là dạy chúng ta kiếm sống tự do và có chọn lọc. Khi chúng ta có thể chọn công việc có ý nghĩa và có giá trị hơn, chúng ta có thể có được ý thức hơn về phẩm giá, thành tựu và hạnh phúc của chính mình.

3 cấp độ học tập nhào nặn ra 3 kiểu người: Kẻ tầm thường học chỉ để kiếm tiền, người bình thường học để khôn ra, bậc trí giả học để đối nhân xử thế - Ảnh 1.

Cấp độ thứ hai của giáo dục là mưu cầu trí tuệ

Ngoài các nhu cầu sinh tồn cơ bản như cơm, áo, gạo, tiền thì con người cũng đòi hỏi bản thân không ngừng nâng cao trí tuệ và nâng cao kiến ​​thức. Và giáo dục có thể đưa chúng ta đến gần hơn với đỉnh cao của trí tuệ, tri thức và tránh xa sự ngu ngốc, cám dỗ.

Điều đáng chú ý là chữ "trí" ở đây đề cập đến sự khôn ngoan, không phải về kiến ​​thức. Cảnh giới học để khôn ngoan không chỉ đơn giản là yêu cầu học sinh đọc thuộc lòng bao nhiêu bài thơ cổ điển mà họ đã học, cũng không đơn giản là để học sinh biết có bao nhiêu công thức toán học và bao nhiêu phương trình hóa học, mà là để cải thiện khả năng tư duy, xử lí vấn đề của học sinh.

Ví dụ, năm 1941, giáo sư Edward của Harvard lần đầu tiên đề xuất khái niệm tư duy phản biện. Ông tuyên bố rằng tư duy phản biện nên có ba yếu tố:

Có xu hướng suy nghĩ và giải quyết vấn đề một cách thận trọng.

Hiểu các phương pháp thăm dò hợp lý và suy luận logic.

Áp dụng phương pháp trên một cách khéo léo.

Những người được giáo dục tốt khi tiếp nhận bất kỳ thông tin nào, họ nên học cách xác định, đặt câu hỏi và tranh luận thay vì lắng nghe và tin tưởng hoàn toàn vào lời của người khác.

Một ví dụ khác, giáo dục nên cho phép sinh viên có được tư duy tăng trưởng. Những người có này tin rằng mọi khả năng và kỹ năng phải nỗ lực thậm chí trả giá mới có được. Họ sẵn sàng chấp nhận thử thách và cải thiện khả năng và kỹ năng của mình một cách tích cực. Và đó là biểu hiện của người khôn ngoan.

3 cấp độ học tập nhào nặn ra 3 kiểu người: Kẻ tầm thường học chỉ để kiếm tiền, người bình thường học để khôn ra, bậc trí giả học để đối nhân xử thế - Ảnh 2.

Cấp độ giáo dục thứ ba là học cách làm người, đối nhân xử thế (mưu cầu đạo đức):

Khổng Tử từng nói: "Quân tử bất khí". Câu nói này nghĩa là: Người quân tử không phải là thứ khí cụ.

Khí có nghĩa là một món đồ dùng để làm gì đó. Như binh khí là món đồ để dùng vào việc binh, nghĩa là để đánh nhau. Vũ khí là món đồ dùng vào việc vũ lực, cũng là để đánh nhau. Nhạc khí là món đồ dùng để chơi nhạc...

Khổng Tử và các nhà Nho nói chung dạy học trò để học trò ra làm việc giúp đời. Đạo Khổng hay Nho Giáo được coi là loại lý thuyết nhập thế, nghĩa là chủ trương gia nhập vào đời sống để hành động.

Người học đạo Nho khi ra làm việc vào thời xưa thường là làm cho chính quyền. Làm việc cho chính quyền thì có người trả lương cho mình và sai bảo mình. Khi làm việc tập thể thì mình phải nghe lời cấp trên và người cấp dưới mình phải nghe lời mình. Tuy dạy học trò ra làm việc có nghĩa là họ lãnh lương của người và chịu sự sai khiến của người nhưng nhà Nho vẫn nói: "Người quân tử không phải là thứ khí cụ" . Làm một thứ khí cụ là làm công cụ cho người một cách thụ động, nhận tiền của người rồi nhắm mắt làm theo lệnh ở trên. Ở đây, khi nói học trò không làm khí cụ cho người có nghĩa là khi làm việc phải suy xét mà làm việc cho hợp với nguyên tắc và đạo đức.

Giáo viên và phụ huynh là nhân tố chủ yếu để rèn giũa con em mình, dạy chúng đâu là đúng và đâu là sai. Chỉ khi chúng ta trở thành một người có đạo đức và tinh thần trách nhiệm đúng đắn, chúng ta mới có thể rèn giũa các thế hệ tiếp theo.

Nói chung, giáo dục có ba cấp độ kiếm sống, tìm kiếm trí tuệ và tìm kiếm đạo lý và ba cấp độ này bổ sung cho nhau và không thể thiếu trong hành trình hoàn thiện bản thân.

Qua sự kết hợp của ba mục đích học là kiếm sống, tìm kiếm sự khôn ngoan và tìm kiếm đạo đức, trong thời đại mới này chúng ta có thể nhận ra sự thống nhất và hòa hợp giữa các cá nhân và xã hội, làm cho cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa hơn.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM