BỮA ĂN THỨ NHẤT: LÀM THAY ĐỔI VẬN MỆNH CỦA VỊ HOÀNG ĐẾ NỔI TIẾNG BẬC NHẤT TRONG LỊCH SỬ
Đây là bữa ăn quan trọng có và ý nghĩa nhất trong cuộc đời Càn Long.
Câu chuyện bắt nguồn từ những năm cuối của thời kì Khang Hi, vì cuộc tranh giành ngôi vị, các A ca đã bí mật, âm thầm kéo bè kết phái và ra sức biểu hiện thật tốt trước mặt vua cha.
Bản thân vừa là một hoàng đế, lại là một người cha, Khang Hi đã bao lần trấn áp những cuộc chiến giữa chính những người con của mình, cũng vì việc này mà ông đau đớn vô cùng.
Mặc dù cuộc chiến tranh giành ngôi vị của các A ca xảy ra rất khốc liệt, nhưng không ai thấy Tứ gia Ung Thân vương (tức hoàng đế Ung Chính sau này) xuất hiện trong cuộc chiến.
Ông thậm chí còn làm cho người khác không có ấn tượng, cũng không chú ý đến bản thân, bình thường tại phủ đệ cũng chỉ luyện thư pháp và tụng kinh niệm phật.
Cuộc sống của Tứ gia có thể nói là như một ẩn sĩ tách biệt với thế giới bên ngoài.
Cũng chính vì nét sống như vậy mà từ đầu đến cuối, vua Khang Hi luôn cho rằng ông không hề có hứng thú với hoàng vị, do đó quan hệ cha con giữa hai người họ có thể coi là khá tốt.
Từ trái qua phải: Khang Hi, Ung Chính, Càn Long.
Năm Khang Hi thứ 61, khi vừa hồi phục lại sau một thời gian chiến đấu với bệnh tật, vua Khang Hi đã triệu kiến hai người con trai của Ung Thân vương đến vườn Minh Viên, đồng thời cũng đặc biệt mệnh lệnh cho Ngự thiện phòng (khu vực nhà bếp trong Tử Cấm Thành) làm ra một bàn ăn thật nhiều đồ ngon để tiếp đãi hai người cháu.
Hai đứa trẻ tham gia bữa ăn lần này với Khang Hi là hai anh em Hoằng Lịch (tức vua Càn Long sau này) và Hoằng Trú.
Khi dùng bữa với hai cháu, vua Khang Hi cũng giống như những người ông bình thường khác, luôn rất ân cần, hiền từ với những đứa trẻ.
Hoằng Lịch và Hoằng Trú cũng không thể ngờ được rằng, bữa cơm lần này với ông nội lại có sức thay đổi lớn đối với vận mệnh của cả hai.
Người em Hoằng Trú có lẽ vì tuổi còn nhỏ nên luôn tỏ ra nũng nịu, ngại ngùng trong bữa ăn, cậu bé cũng thể hiện sự thèm thuồng ra mặt đối với những đĩa thức ăn đầy ắp đồ ngon.
Còn người anh Hoằng Lịch lại có những lời lẽ, hành động trang nhã, đứng đắn hơn hẳn.
Khác với em trai, Hoằng Lịch chẳng mảy may động đũa, không cử động nhiều, cũng chẳng chú ý gì đến những đĩa thức ăn ngon trước mặt.
Cả đời Khang Hi đã gặp qua biết bao nhiêu người, biết bao nhiêu chuyện, cũng chưa từng thất bại trong việc dùng người, vậy mà ông cũng phải bất ngờ trước một đứa trẻ như Hoằng Lịch.
Hình tượng Khang Hi và cháu trai Hoằng Lịch trên phim.
Trên người cậu con trai của Ung Thân vương hoàn toàn không hề có sự tinh nghịch của một đứa trẻ 11 tuổi, mà thay vào đó là một khí chất hơn người, siêu phàm thoát tục.
Sau bữa ăn với hai cháu, Khang Hi đã căn dặn Ung Thân vương phải giáo dục, dãy dỗ thật tốt con trai của mình, đặc biệt là với Hoằng Lịch, phải ra sức bồi dưỡng thành một tấm gương sáng tiêu biểu.
Không lâu sau, có lẽ vì vẫn chưa thật sự yên tâm nên Khang Hi đã lệnh cho cháu trai Hoằng Lịch vào cung để nuôi dưỡng và dạy dỗ.
Trong thời gian tiếp xúc, Khang Hi càng khẳng định hơn ý nghĩ sẽ lập Hoằng Lịch làm hoàng đế.
Vì vậy, vào tuổi gần đất xa trời, ông đã bí mật viết di chiếu lập người cháu yêu quý của mình làm thái tử, và đồng thời cũng để cha của Hoằng Lịch – Ung Thân vương đảm nhận vị trí của người kế vị tiếp theo.
BỮA ĂN THỨ 2: GIÚP CÀN LONG TRỊ VÌ TỐT TRONG TRIỀU ĐẠI CỦA MÌNH
Đây cũng là bữa ăn đạm bạc nhất trong cuộc đời của vị hoàng đế nổi tiếng!
Càn Long luôn có một ước mơ, đó là trở thành một đấng minh quân mà bao người ca tụng như một thần tượng đã làm thay đổi cuộc đời ông– Khang Hi đế.
Và thực tế, trong thời gian đầu cầm quyền, Càn Long hoàn toàn có thể đảm đương được danh hiệu "minh quân" ấy.
Tương truyền vào một lần nọ, khi đi qua Ngự thiện phòng, Càn Long đã ngửi thấy một mùi hương rất thơm truyền ra từ nơi đây, vì vậy ông đã bước vào để hỏi xem rốt cuộc mùi hương này là gì.
Tại đây, một thái giám đang nướng khoai lang khi vừa nhìn thấy hoàng đế trước mặt đã vội vàng trả lời câu hỏi: "Khởi bẩm Vạn tuế gia, là khoai lang nướng ạ".
Sau đó, người này liền đem một củ khoai đã nướng xong dâng lên cho vua ăn thử.
Sau khi nhận lấy củ khoai lang, Càn Long liền cắn một miếng to, ăn xong, ông đã không ngừng khen ngon. Và có lẽ đây là bữa ăn đạm bạc duy nhất khiến cho Càn Long hài lòng.
Thái giám của Ngự thiện phòng đã tâu với hoàng đế rằng đặc điểm tốt nhất của khoai lang chính là cho sản lượng cực kì cao, khả năng chống lại sâu bệnh của giống cây này cũng rất lớn.
Sau khi nghe xong, Càn Long liền lệnh cho các triều thần thử trồng khoai lang, kết quả lại càng khiến ông bất ngờ.
Giống cây này không những cho sản lượng cao, mà còn rất dễ thích nghi với môi trường sống, trồng ở đâu cũng có thể ra hoa kết trái.
Sau khi thử trồng ở một phạm vi nhỏ và nhận được kết quả khả quan, Càn Long đã dốc sức khuyến khích mọi người trồng khoai lang.
Và lần này còn có một loại cây khác cũng được vua ưu ái, mong muốn người người nhà nhà cùng trồng, đó là khoai tây.
Đặc điểm nổi bật của hai loại cây này là cho sản lượng lớn, bên cạnh đó còn có thể lưu trữ, bảo quản trong một thời gian dài sau thu hoạch, khi ăn lại khiến con người nhanh no.
Chỉ khi nhu cầu được ăn no được đáp ứng và thỏa mãn, con người mới có tâm trí nghĩ đến vệc "sinh con đẻ cái", tạo ra những nguồn lực lao động để xây dựng xã hội.
Tốc độ tăng trưởng dân số trong thời kì trị vì của Càn Long đã vượt qua bất cứ một triều đại nào khác trong lịch sử, bởi nhu cầu thiết yếu nhất của con người đã được công tác hóa và thực thi rất tốt trong triều đại này.
Trước khi khoai lang và khoai tây được khuyến khích trồng thì lúa mì, cây khê và một số loại cây nông nghiệp khác là những loại cây được trồng phổ biến trong xã hội cổ đại của Trung Quốc.
Những giống cây này cho sản lượng không cao, việc chọn nơi thích hợp để trồng cũng khó khăn, hạn chế.
Trong thời đại mà việc canh tác của con người còn phải "trông trời, trông đất, trông mưa, trông nắng" thì một khi thời tiết không "ủng hộ", việc trồng trọt sẽ bị ảnh hưởng, sản lượng những loại cây nông nghiệp chủ đạo cũng sẽ giảm sút, từ đó con người sẽ ăn không được no, ngủ không được yên.
Và khi những nhu cầu thiết yếu nhất không được thỏa mãn, người dân sẽ gây rối và khởi nghĩa, đến khi ấy, triều đình sẽ phải điều binh đi trấn áp.
Đây là hiện tượng xảy ra hàng loạt theo phản ứng dây chuyền, nó như một vận hạn luẩn quẩn lặp lại không hồi kết trong một triều đại.
Vì vậy, chỉ khi được ăn no, con người mới có thể làm tốt được những việc khác.
Thế nhưng, trong lịch sử các triều đại của Trung Quốc, việc người dân được "ăn no" thực chất chỉ là "không đói" mà thôi, tức là khái niệm "ăn no" ở đây được hiểu là "không chết vì đói"! Bởi vì, nhu cầu ăn uống của người dân chỉ được đáp ứng vừa đủ để sống qua ngày.
Thời đại thịnh vượng thực sự không xuất hiện được bao nhiêu lần trong suốt hai nghìn năm lịch sử không ngừng biến đổi của các triều đại.
Và, Càn Long đã làm được điều mà những triều đại khác chưa làm được, đó là đã thỏa mãn nhu cầu được "ăn no" của người dân .
Chỉ dựa vào duy nhất công lao này, Càn Long cũng đã có thể trở thành một nhân vật lịch sử vang danh sử sách, tiếng tăm muôn đời!
BỮA ĂN THỨ 3: ĐƯA CÀN LONG TRỞ THÀNH MỘT NHÂN VẬT LỊCH SỬ ĐƯỢC NGƯỜI NGƯỜI NGƯỠNG MỘ
Bữa ăn này của Càn Long được bắt nguồn từ niềm yêu thích đặc biệt của chính bản thân ông với vùng đất Giang Nam...
Càn Long sinh ra ở phương Bắc, nửa cuộc đời đầu của ông chỉ quanh quẩn ở trong Tử Cấm Thành, vườn Minh Viên và hành cung Nhiệt Hà.
Phong cảnh những nơi này đều rất đẹp, nhưng ngày qua ngày chỉ ở tại một nơi, ngắm một khung cảnh thì dù có đẹp đến đâu cũng sẽ cảm thấy nhàm chán.
Vẻ đẹp khiến Càn Long yêu thích nhất chính là cảnh vật trong vườn Minh Viên.
Những đình đài, lầu các, những chiếc cầu, những dòng nước ở nơi đây đã đem đến cho Càn Long một cảm giác vô cùng yên tĩnh, thanh thản.
Cảnh vật đẹp động lòng trong vườn Minh Viên là thành quả đến từ tay nghề tinh xảo của những người thợ, họ đã khéo léo "tái hiện" lại phong cảnh của Giang Nam tại chính khu vườn trong kinh thành này.
Càn Long cũng biết rõ điều đó, không thể phủ nhận vẻ đẹp "nhân tạo" tại đây, nhưng ông càng rõ hơn hết, nét đẹp thật sự của vùng đất Giang Nam đầy mưa bụi ấy là độc nhất, không đâu có thể thay thế hay mô phỏng lại.
Phong cảnh Giang Nam – vùng đất khiến Càn Long "say đắm".
Hoàng đế Càn Long cũng bị thu hút bởi ẩm thực của Giang Nam sau những lần nơi đây cống nạp lên cho ông đủ loại những sản vật quý giá.
Vì quá yêu thích, Càn Long đã lệnh cho Ngự thiện phòng phải nghiên cứu để mô phỏng lại mùi vị ẩm thực của vùng đất xinh đẹp ấy , nguồn gốc của đại tiệc Mãn – Hán cũng được "sinh ra" từ đây.
Cho đến khi Hòa Thân xuất hiện, Càn Long như gặp được một tư tưởng tương đồng, "ái thần" và hoàng đế đã cùng nhau nghĩ sẽ đi đâu chơi, sẽ chơi như thế nào, từ đây mới xuất hiện câu chuyện Càn Long du ngoạn Giang Nam.
Càn Long không phải là vị hoàng đế khởi đầu cho việc du ngoạn Giang Nam, mà người này là Khang Hi.
Khang Hi đã xuống Giang Nam 4 lần, và vì để có thể "vượt qua thành tích" của ông nội, Càn Long đế cũng đã tổ chức đi Giang Nam 6 lần.
Để biến hành động của bản thân trở lên hợp tình hợp lý, Càn Long đã lấy lý do xuống Giang Nam để giám sát, nhưng trên thực tế là du sơn ngoạn thủy.
Bản thân Càn Long cũng biết rõ rằng, việc du ngoạn Giang Nam là một hành động làm lãng phí những nguồn lực quốc gia và tổn hại đến danh dự đất nước, nhưng ông lại không thể cưỡng lại được vẻ đẹp của phong cảnh và ẩm thực nơi đây.
Tương truyền khi ở Giang Nam,vị hoàng đế nổi tiếng trong lịch sử đã được nếm rất nhiều những của ngon vật lạ như: Tiểu long bao Vô Tích, bánh Xa Luân Đào Nguyên, vịt quay, vịt nướng đất sét, bánh cuốn tôm Long Tỉnh, cá thu hấp đậu tằm, bánh nướng Ân Thi, su hào ngũ vị Tú Thiên, bánh kẹp đậu phụ khô Hạ Môn, bánh kẹp thịt lừa nướng Hà Bắc...
Câu chuyện về ẩm thực của hoàng đế Càn Long khi du ngoạn Giang Nam còn được viết thành một bài ca dao vì độ phong phú đến choáng ngợp, hoa mắt của những món ăn.
Quả không hổ danh mà một hoàng đế nổi tiếng trong lịch sự, bất cứ điều gì liên quan đến Càn Long cũng khiến cho hậu thế phải trầm trồ vì ngạc nhiên, thán phục.