Một cuộc tiến công quân sự đang diễn ra nhanh chóng và quân đội Mỹ đã bắt đầu rời khỏi Afghanistan. Khalida - cô sinh viên người Afghanistan, người ấp ủ giấc mơ trở thành bác sĩ - nói rằng cô sẽ không bao giờ quên những hành động đầu tiên của Taliban sau khi phiến quân này giành quyền kiểm soát quận của cô vài tuần trước.
Vào đêm khuya, Khalida bị đánh thức bởi tiếng nổ chói tai. Từ mái nhà của mình, cô gái 18 tuổi nhìn thấy ngọn lửa bốc lên từ trường trung học nữ - niềm tự hào và là nơi cô rất thích khi ở nơi đây có một thư viện đầy sách do các giáo viên đã đi thu gom về. Đó là ngôi trường do Na Uy và Mỹ xây dựng ở tỉnh Faryab, Tây Bắc Afghanistan.
“Tôi đã khóc rất nhiều. Dân làng đã cố gắng dập lửa, nhưng Taliban đã bắn vào họ và không ai cứu được trường học của chúng tôi”, Khalida kể lại một trong những sự kiện đã trở thành việc thường xuyên trong các cuộc chiếm đóng của quân Taliban. “Vào buổi sáng, khi tôi đến trường, mọi thứ đã bị đốt cháy và phá huỷ, thậm chí là cổng trường”.
“Khi thấy quân Taliban đến gần, tôi đã rất sợ hãi. Họ là những người hung bạo và không tôn trọng phụ nữ. Ai cũng sợ hãi và ngán ngẩm quân Taliban… Nhưng chẳng ai dám đứng lên chống lại chúng vì sợ bị chúng sát hại. Chúng vô cùng thô lỗ”, Khalida cho biết.
Khi Afghanistan còn nằm dưới sự cai trị của Taliban trong giai đoạn 1996-2001, nhóm phiến quân này đã cấm nữ giới đi làm hay đến trường học hành. Họ như bị giam cầm trong chính ngôi nhà của mình. Thậm chí, quân Taliban còn bắt đàn ông Afghanistan phải cạo râu. Đến khi quân Mỹ lật đổ Taliban, phụ nữ tại Afghanistan đã được đến trường trở lại và đây được xem như một thành quả đáng chú ý. Trong khoảng 20 năm qua, rất nhiều tiền đã được sử dụng để tái xây dựng cuộc sống nơi đây. Những khoản đầu tư này đã khiến nhiều người Afghanistan kỳ vọng vào một tương lai tự do hơn.
Tuy nhiên ngày nay, cư dân của các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Taliban cho biết có rất ít sự thay đổi, cải cách. Thay vào đó, những phiến quân “Taliban cũ” rất tàn bạo, đầy thù hận như hai thập kỷ trước, đang một lần nữa giành quyền kiểm soát thông qua các hành động áp bức của họ.
Cuộc hành quân của Taliban trên khắp Afghanistan gia tăng đáng kể từ khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố vào tháng 4 rằng quân đội Mỹ và NATO sẽ rút quân vô điều kiện, chấm dứt cuộc chiến dài nhất từ trước đến nay của Mỹ. Đến hôm thứ ba vừa qua, Taliban đã kiểm soát hoàn toàn 223 trong số khoảng 400 quận của Afghanistan, gấp 3 lần con số do lực lượng an ninh Afghanistan kiểm soát, theo Long War Journal.
“Chúng tôi cảm ơn chính phủ Mỹ đã thay đổi cuộc sống của chúng tôi và cho chúng tôi hy vọng sau những ngày đen tối của Taliban. Chỉ trong 20 năm qua, chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi là con người và có quyền sống”, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ở Faryab yêu cầu giấu tên cho biết. “Thật không may, tình hình hiện tại của đất nước chúng tôi đang quay trở lại những năm 1990. Điều đó có nghĩa là chúng tôi đã quay trở lại bóng tối”.
Cô đã nhìn thấy những dấu hiệu không khoan nhượng của phiến quân Taliban vào tháng 10 năm ngoái khi cô chuẩn bị cho ngày Giáo viên Thế giới tại một ngôi trường nữ sinh ở địa phương. Tiền đã được quyên góp cho ngày hôm đó nhưng một tin đồn đã được lan truyền rằng một bộ phim trái đạo đức sắp được chiếu, và rằng ngày của sự bội tín chuẩn bị được ăn mừng. Một đêm trước khi sự kiện diễn ra, binh lính Taliban đã len lỏi qua lính canh và thiêu rụi trường học.
“Chúng tôi đã viết thư cho quân Taliban và yêu cầu họ cùng chúng tôi xây dựng một đất nước Afghanistan hòa bình, mang đến một hệ thống giáo dục cho tương lai để dạy cho thế hệ trẻ bài học về sự tự tin, chấp nhận lẫn nhau và đoàn kết dân tộc. Nhưng Taliban đã đe dọa giết tôi và cha tôi như một hành động đáp trả”, cô chia sẻ.
Mạng lưới Phân tích của Afghanistan cho biết: “Hầu hết mọi người nữ mà chúng tôi nói chuyện, bất kể lập trường chính trị và mức độ bảo thủ, đều bày tỏ mong muốn được tự do đi lại, con cái được giáo dục nhiều hơn, và đôi khi là cho chính họ”.
Chưa hết, ngay từ những ngày đầu kiểm soát ở mỗi quận chiếm đóng được, phiến quân Taliban đã ra chỉ thị cho người Afghanistan rằng phụ nữ phải mặc trang phục burqa trùm kín mít và phải luôn đi kèm với một người bảo hộ là nam.
Một số binh lính trong nhóm Taliban khăng khăng cách thức thanh toán bằng lương thực, tiền mặt hay mỗi làng phải cung cấp 20 người chiến đấu cho mục đích của chúng. Số khác lại yêu cầu rằng các cô gái trên 15 tuổi phải được cống nạp để làm vợ bọn chúng. Những người khác bị cấm xem tivi và dùng điện thoại di động.
Human Rights Watch gần đây đã ghi nhận các vụ cưỡng chế bắt người dân ra khỏi nơi cư trú và đốt nhà do quân lính Taliban thực hiện ở phía Bắc tỉnh Kunduz. Khắp nơi, chuyện học hành của các bé gái và quyền của phụ nữ đang bị giới hạn.
Sayed Hassan Hashemi – một nhà hoạt động xã hội dân sự ở Faryab, người đã chứng kiến hậu quả của 5 vụ đốt trường học do lính Taliban gây nên – cho biết: “Họ thề với người dân rằng tất cả các hạn chế và luật lệ của họ đều phù hợp với đạo Hồi và bất cứ ai vi phạm đều là kẻ vô đạo, cái chết của họ sẽ không được chấp nhận. Hành động của quân Taliban khác so với những gì lãnh đạo của chúng tuyên bố, như sự khác biệt giữa trời và đất vậy. Lãnh đạo Taliban và gia đình tận hưởng cuộc sống ở Qatar trong những ngôi nhà sang trọng, không hề biết binh lính của họ gây ra những điều bất công với người dân địa phương”.
Dù vậy, trong một tuyên bố chính thức của Taliban vào ngày 12/7 vừa qua, phát ngôn viên Zabihullah Mujahid khẳng định những sự việc đó là “bịa đặt của kẻ thù” và cho biết các tuyên bố cáo buộc Taliban “áp đặt hạn chế với người dân địa phương, đe dọa họ, quy định giới tính, quy định cuộc sống, về râu tóc, cách di chuyển hay thậm chí là kết hôn với các bé gái” là không có thực.
Tuy nhiên, một chỉ huy của Taliban là Mollah Majid phát biểu: “Khi chúng tôi chiếm đóng một ngôi làng, chúng tôi ngủ trong nhà thờ Hồi giáo, không làm phiền người dân trong nhà của họ. Nhưng điều đầu tiên chúng tôi làm là đóng cửa các trường học do chính phủ điều hành. Chúng tôi phá hủy chúng và thiết lập các trường tôn giáo của chúng tôi, theo chương trình riêng của chúng tôi để đào tạo người Taliban trong tương lai”.
Đó là mối quan tâm của một giáo viên ở tỉnh phía Bắc Mazar-e-Sharif – nơi gần đây thuộc về Taliban. Người giáo viên này từng trải qua sự cai trị của Taliban vào năm 1990. “Ban đầu, khi chúng tôi xem các cuộc phỏng vấn của Taliban trên TV, chúng tôi hy vọng hòa bình, như thể Taliban đã thay đổi. Nhưng Taliban không hề thay đổi”, người giáo viên (yêu cầu được giấu tên) cho biết.
Các quy định mới không thể chấp nhận được vì phụ nữ đã quen với cuộc sống tự do trong 20 năm, vì vậy rất khó để sống trong những hạn chế như vậy.
“Khi tôi nhìn thấy quân Taliban, tôi cảm thấy như mình đang thấy kẻ thù của tôn giáo, văn hóa và truyền thống của mình”, nữ giáo viên cho biết. “Nếu chúng tôi đầu hàng Taliban, tương lai cũng sẽ đen tối. Vì vậy, thông điệp của tôi tới toàn bộ thế hệ mới là phải chiến đấu cho đến giây phút cuối cùng”.
(Nguồn: Yahoo)