CTCK Yuanta Việt Nam vừa công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5 cũng như triển vọng TTCK trong tháng 6.
Cụ thể, trong 5 thang đầu năm, vốn FDI giải ngân lũy kế đạt 6,7 tỷ USD, giảm 8.2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký đạt 13,9 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ 2019. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5/2020 đạt 37,9 tỷ USD giảm 16% so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm tới nay tổng kim ngạch đạt 196,84 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại 5 tháng đầu năm xuất siêu 1,88 tỷ USD. Trong đó cán cân thương mại trong nước – 8,64 tỷ USD và cán cân thương mại FDI 10,52 tỷ USD.
Hầu hết giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều giảm trong tháng 5, ở chiều ngược lại các mặt hàng nhập khẩu chính như máy tính, điện thoại, các linh kiện điện tử tăng nhẹ.
Các thị trường xuất khẩu chính như Trung Quốc, Mỹ ghi nhận tăng trưởng lần lượt ở mức 8,3% và 20,1%, xuất khẩu EU và ASEAN giảm mạnh ở mức -13,3% và -12%. Kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường như Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc cũng giảm nhẹ ở mức -3%, -14,1%, -9,5%; nhập khẩu từ Nhật Bản, Mỹ, EU tăng trưởng nhẹ.
CPI tháng 5 tiếp tục giảm nhẹ 0.03% so với tháng trước, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính bình quân CPI 5 tháng đầu năm đạt 4.4%, vẫn còn cao hơn mức 2,7% cùng kỳ 2019. Yuanta kỳ vọng lạm phát cả năm có thể đạt mục tiêu khoảng 4%, theo mục tiêu điều chỉnh mới của Chính phủ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2020 tăng 11,2% so với tháng trước, tuy nhiên vẫn giảm 3,1% so với cùng kỳ 2019.
PMI tháng 5 đạt 42,7 điểm cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất tiếp tục giảm sụt, nhưng tốc độ chậm hơn so với tháng 4. Đây là tháng thứ 6 liên tiếp sản lượng ngành sản xuất giảm do dịch Covid-19.
Theo đánh giá của Yuanta, tình hình sản xuất các doanh nghiệp khó để tăng trưởng mạnh nhưng sẽ hồi phục dần trong những tháng tiếp theo. Mặc dù tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5 tiếp tục giảm và lượng vốn FDI vào Việt Nam chững lại, tuy nhiên Yuanta cho rằng đây chỉ là trong ngắn hạn và tình hình sẽ được cải tiện trong những tháng tiếp theo. Tình trạng cách ly xã hội tại các nước trên thế giới đã dần nới lỏng, chỉ số sản xuất công nghiệp cho thấy mặc dù sản lượng sản xuất vẫn giảm nhưng đã cải thiện rất nhiều so với giai đoạn cách ly xã hội vào tháng 4.
Yuanta đánh giá làn sóng cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu với xu hướng dịch chuyển các nhà máy sản xuất khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những điểm đến nổi bật. Hiện nay, Chính phủ cũng đã chuẩn bị nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam. Việc đẩy mạnh đầu tư công, chuẩn bị những cơ sở vật chất về đường xá, khu công nghiệp, sân bay,…không chỉ là động lực giúp tăng trưởng kinh tế mà còn là yếu tố giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam.
VN-Index có thể hướng thẳng lên vùng 990 điểm
Về biến động TTCK tháng 6, Yuanta đưa ra 2 kịch bản dự báo. Kịch bản 1, chỉ số VN-Index sẽ điều chỉnh về vùng 820 – 823 điểm.
Theo kịch bản này, VN-Index tiến sát với mức mục tiêu là 898 – 939 điểm và đường trung bình 200 ngày. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn có chiều hướng gia tăng và Yuanta nghiêng về kịch bản 1, tức là thị trường có thể sẽ điều chỉnh trong tháng 6. Hiện tại, tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn với xu hướng và dòng tiền phân hóa cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn có dấu hiệu suy yếu.
Kịch bản 2, Yuanta dự báo VN-Index sẽ hướng thẳng lên vùng 987 – 990 điểm. Với kịch bản này, Yuanta cho biết sẽ diễn ra khi dòng tiền chưa có dấu hiệu rút khỏi thị trường mà chủ yếu dịch chuyển qua lại giữa các nhóm cổ phiếu.
Theo Yuanta, nếu chỉ số VN-Index vượt được vùng kháng cự 898 – 939 điểm thì xu hướng tăng ngắn hạn có thể mở rộng về vùng 987 – 990 điểm.
Về chiến lược đầu tư, Yuanta khuyến nghị nhà đầu tư nên hạ dần tỷ trọng cổ phiếu (dưới 50% danh mục). Và nếu chỉ số VN-Index vượt được vùng 898 – 939 điểm thì các nhà đầu tư có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trở lại.