Xu hướng kiếm tiền từ YouTube đang nở rộ tại Việt Nam không chỉ dành riêng cho đối tượng giới trẻ mà còn cho cả người lớn tuổi. Điều này vô hình chung khiến nhiều người trong chúng ta tò mò rằng phải chăng YouTube là miền đất hứa dễ hái ra tiền đúng không? Có phải cứ nhiều người vào xem clip bạn đăng lên YouTube là kênh của bạn biến thành mỏ vàng không? Hay kiếm tiền trên đó dễ đến nỗi đủ để thôi thúc đam mê làm giàu từ những ông lão bà lão tầm tuổi xế chiều...
Ngày càng nhiều người có tuổi làm YouTube.
Muốn biết độ khó dễ khi làm YouTube như thế nào? Chúng ta phải tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: YouTube trả cho bạn như thế nào và từ đâu? Nếu bạn chỉ nghĩ cần thật nhiều người xem, like và đăng kí theo dõi kênh của bạn là có thể kiếm khoản tiền "khủng" như báo chí đưa tin rầm rộ, thì bạn đang mắc sai lầm đấy.
YouTube sẽ trả cho sự sáng tạo của bạn.
Để dễ hình dung, lợi nhuận mà chủ kênh YouTube có thể thu về được không chỉ nằm ở số lượng người theo dõi kênh mà đa phần là từ quảng cáo được đính vào mỗi video. Theo giới chuyên gia, có 3 chỉ số để biết được lợi nhuận kiếm được từ YouTube gồm CPM, CPC và mới đây, YouTube đề cập đến chỉ số - RPM.
CPM - chỉ số dành cho nhà quảng cáo
CPM - Chỉ số dành cho nhà quảng cáo
Định nghĩa CPM được YouTube giải nghĩa là chữ viết tắt của "cost per 1000 impressions" (giá mỗi 1.000 lần hiển thị). Chi phí mỗi nghìn lượt hiển thị (CPM) là chỉ số biểu thị số tiền mà các nhà quảng cáo chi trả để hiển thị quảng cáo trên YouTube.
Tức là bạn nhận biết phần tiền từ khoản thanh toán của các nhà quảng cáo khi quảng cáo chạy trên video của bạn. Nhà quảng cáo trả càng nhiều tiền cho quảng cáo đó thì bạn càng kiếm được nhiều tiền. CPM là chỉ số hữu ích cho biết mức độ giá trị mà các nhà quảng cáo đánh giá video cũng như người xem của bạn trong việc giúp họ đạt được các mục tiêu riêng.
Không phải quảng cáo CPM lúc nào cũng hiện ra, nó tùy thuộc vào vị trí địa lý của người xem video đó nữa, tức sẽ không có chuyện 100% người xem Video thì lúc nào quảng cáo cũng hiện ra. Thông thường ở Việt Nam thì hiệu suất rơi vào khoảng từ 30-50%.
Hiện tại, chỉ số CPM tại Việt Nam đang rơi vào khoảng 1,57 USD. Nghĩa là, các nhà sáng tạo sẽ kiếm được 1.570 USD (khoảng 36,2 triệu đồng) nếu đạt 1 triệu lượt xem từ Việt Nam, còn ở nước ngoài CPM cao nhất giao động từ 4,59 đến 15,47 USD/CPM (5,2 đến 15,47 USD tiền quảng cáo cho mỗi 1.000 lượt xem)
CPC - mấu chốt làm nên số tiền rơi vào tầm tay bạn
Mấu chốt làm nên số tiền rơi vào tầm tay bạn.
CPC viết tắt của "Cost Per Click": Giá tiền trả theo mỗi lần khán giả thấy hấp dẫn đủ để xem và click vào quảng cáo tới trang gốc giới thiệu sản phẩm. Đây là hình thức có mặt lâu đời hơn CPM.
Trên cùng một kênh, có thể được áp dụng song song CPM và CPC tùy video cũng như chủ đề hợp tác của YouTube với các thương hiệu, sau cùng sẽ tổng hợp lại để chia lợi nhuận cho chủ kênh. Mức CPM và CPC dao động khác nhau ở từng quốc gia, từng khu vực, từng chủ đề và nội dung liên quan tới video.
Công thức tính của CPC = Giá trị tổng của chiến dịch quảng cáo/số lần click
Ví dụ: Khi nhà quảng cáo mua 600.000 lượt truy cập với CPM 40.000 đồng, cuối cùng nhà quảng cáo sẽ phải trả 24 triệu đồng cho toàn bộ chiến dịch. Với quảng cáo CPC, các nhà quảng cáo sẽ trả tiền cho các lượt truy cập thực tế vào trang web của họ. bạn có thể đồng ý với 200 đồng /CPC.
Đây là số tiền các nhà quảng cáo sẽ trả cho mỗi lần nhấp chuột của khách hàng.
Hiện tại, Việt Nam không phải nước được YouTube chọn và tối ưu hóa mức CPM/CPC cao. Thậm chí thấp hơn cả chục lần so với nhiều quốc gia "hot" khác. Bên dưới bảng CPC từng quốc gia tính trung bình, Việt Nam thấp nhất chỉ 0,03 USD. Ở nước top bảng cao gấp nhiều lần so với Việt Nam bởi vậy nếu bạn làm kênh tiếng Anh, đánh vào những nước có CPC cao sẽ rất tuyệt vời, số tiền kiếm được sẽ rất nhiều.
CPC YouTube từng quốc gia trong đó có Việt Nam.
Chính vì vậy, một số dân làm YouTube tại Việt Nam đã chuyển sang làm nội dung tiếng Anh để thu hút người xem nước ngoài, tăng lợi nhuận cho kênh. Mà đã làm YouTube bằng tiếng Anh thì không hề dễ và đơn giản chút nào.
RPM - bức tranh doanh thu của bạn
Bức tranh doanh thu của bạn trên YouTube
Là viết tắt của "revenue per thousand impressions" - "Doanh thu mỗi 1.000 lượt hiển thị". Đây là chỉ số biểu thị số tiền tổng doanh thu thực tế của người làm nội dung (từ cả quảng cáo và các hình thức khác) sau khi YouTube đã chiết khấu.
45% tổng số tiền quảng cáo sẽ được YouTube giữ, còn lại 55% thuộc về túi tiền chủ kênh. Vì vậy, đừng nghe ai nói về con đường YouTube màu hồng của ai đó vẽ ra ở thời điểm bạn mới học việc ban đầu, vì có thể họ chưa nói cho bạn biết nửa số tiền phải chia cho YouTube mà thôi. RPM dựa trên nhiều nguồn doanh thu, bao gồm quảng cáo, tính năng Hội viên, doanh thu từ YouTube Premium.
Công thức tính của RPM = (Thu nhập ước tính / Số lần xem trang) x 1.000.
Ví dụ: Giả sử bạn ước tính kiếm được 5 triệu đồng từ 13.000 lần xem trang, RPM quảng cáo của bạn sẽ là (5 triệu đồng /13.000) x 1.000 = 384,615 đồng. Sau khi trừ đi phần chia sẻ doanh thu với YouTube, bạn sẽ nhận được 2,75 triệu đồng cho 1 ngày.
Thu nhập trên YouTube cũng "không phải dạng vừa đâu".
RPM là thông tin tổng quan về tỷ lệ kiếm tiền hiện tại của bạn trên YouTube. RPM tăng nghĩa là bạn đang kiếm nhiều tiền hơn trên mỗi 1.000 lượt xem, còn RPM giảm nghĩa là bạn đang kiếm ít tiền hơn.
Dù tăng hay giảm thì RPM cũng là một chỉ số hữu ích cho thấy những điểm hiệu quả hoặc kém hiệu quả trong chiến lược của bạn. Khi hiểu về các yếu tố tác động đến RPM, bạn có thể tìm ra cơ hội để cải thiện chiến lược kiếm tiền.
Bây giờ các bạn có thể biết bạn kiếm được bao nhiêu tiền trên YouTube - @TeamYouTube chia sẻ
Việc YouTube giới thiệu chỉ số RPM không có nghĩa chỉ số CPM không còn quan trọng. Bởi chỉ số CPM càng cao thì nhà quảng cáo sẽ càng phải trả nhiều tiền cho quảng cáo đó và nhà sáng tạo nội dung sẽ được hưởng số tiền đó. Nếu một kênh YouTube có chỉ số CPM cao, nó cũng là dấu hiệu cho thấy giá trị của kênh.
YouTube đang thực hiện các thay đổi khác nhau để giúp các nhà sáng tạo nội dung dễ dàng kiếm được nhiều doanh thu hơn từ quảng cáo, bao gồm cho phép người sáng tạo chèn quảng cáo vào giữa các video có thời lượng trên 8 phút vào cuối tháng này. Trước đây thường chỉ các video dài trên 10 phút mới được phép bật quảng cáo giữa video.
Phân biệt giữa CPM và RPM
CPM là số liệu tập trung vào nhà quảng cáo, chỉ bao gồm doanh thu từ quảng cáo và YouTube Premium, chỉ bao gồm lượt xem ở những video đã bật tính năng kiếm tiền (tức là khi có quảng cáo xuất hiện), số tiền kiếm được trước khi trừ phần chia sẻ doanh thu.
Còn RPM là chỉ số tập trung vào nhà sáng tạo, bao gồm tổng doanh thu có trong báo cáo của YouTube Analytics, quảng cáo, YouTube Premium, tính năng hội viên của kênh, Super Chat và Super Stickers, tổng số lượt xem mà các video của bạn nhận được kể cả những video không bật chế độ kiếm tiền, doanh thu thực tế kiếm được trước và sau khi trừ đi phần chia lợi nhuận với YouTube.
Nhà sáng tạo sẽ dựa trên các số liệu trên có thể hình dung được một bức tranh lớn hơn về mức thu nhập từ YouTube.
Nhưng để có thể trải nghiệm và xem các chỉ số trên, trước hết bạn hãy cố gắng sáng tạo những video thu hút đông đảo người xem và đăng ký kênh của bạn. Vì để bật chức năng kiếm tiền từ YouTube bạn phải đạt 4.000h xem công khai trong 12 tháng và 1.000 người đăng ký kênh và phải tuân thủ các chính sách liên quan từ YouTube.
Để bật chức năng kiếm tiền từ YouTube cần đạt những điều kiện khắt khe
Qua bài viết này, chắc hẳn các bạn cũng đã có câu trả lời cho câu hỏi :"YouTube trả lương cho các bạn như thế nào và nguồn tiền đến từ đâu?".
Nhìn chung, mạng xã hội YouTube là một thế giới ảo phức tạp, và người làm YouTube cũng không hề dễ dàng như mọi người nghĩ. Trên hết, điều quan trọng nhất là sáng tạo và làm việc đáp ứng đủ các tiêu chuẩn cộng đồng do YouTube đặt ra.
Nếu yêu cầu tiêu chuẩn đó cũng chưa thể thỏa mãn, tất cả những thứ bạn đầu tư sẽ đổ xuống sông xuống bể, Vậy nên bạn hãy cân nhắc và tìm hiểu trước khi theo con đường làm YouTuber tại Việt Nam.