Những ngày cách ly, lần đầu tiên trong 30 năm cuộc đời tôi thử sử dụng bếp từ, dao và thớt. Với sự hỗ trợ của nhóm Yêu Bếp mà bạn bè đã chèo kéo tôi nhập hội từ cả tháng trước đó, tuy thành phẩm thì rất lúc được lúc chăng nhưng điều đó cũng chỉ tạo thêm nhiều câu chuyện để cười cợt ríu rít trong lúc tôi facetime hỏi thăm tình hình bạn bè bốn phương mỗi ngày.
Mạng xã hội cả tháng nay ngập tràn những món ăn ngon, những bữa cơm gia đình minh chứng rằng tôi không phải một trường hợp hiếm hoi. Có cả một người em chẳng bao giờ làm bếp chỉ sau vài tuần Cô Vy đã làm toàn thiên hạ sửng sốt vì mỗi ngày khoe 1 chiếc bánh cầu kỳ; khai mở cả 1 sự nghiệp đam mê mới. Phần vì buồn chán, phần vì tiết kiệm, dần dà việc nấu nướng yêu bếp thương nhà trở thành một trào lưu rầm rộ và chủ đạo trên mạng xã hội giữa đại dịch ảm đạm.
Nhưng rất nhanh chóng và đột ngột, trào lưu tưởng chừng rất vui vẻ và chỉ ngập tràn năng lượng tích cực này tạo ra một làn gió đối trọng: Nhóm ghét bếp không nghiện nhà xuất hiện và thu hút một lượt ủng hộ kinh khủng khiếp. Mọi chuyện không chỉ dừng lại ở một chút tếu táo tự trào; lượng follow đông đảo của 2 nhóm đã tạo sự chia rẽ trên mạng xã hội thành hai trường phái soi xét và khó chịu với nhau.
Tại sao một trào lưu tưởng như rất tích cực, lạc quan lại có thể gặp phản ứng trái chiều?
Bởi tiếc thay, tôi, bạn hay những người có đủ điều kiện để lăn vào bếp, ngày ngày post ảnh nhà mình chỉ là một nhóm những người may mắn thuộc phần hiếm của xã hội. Chẳng đâu xa, ngay khi có lệnh cách ly toàn xã hội, tôi đã nhắn tin hỏi một loạt những đứa em mình quen biết "Rồi em định cách ly thế nào?".
Lấy ví dụ như Đức, một đứa em từ Hà Nội vào đang làm thiết kế ở một agency. Nếu không có dịch, Đức sẽ đi làm từ sáng đến 8h tối, đi cafe với bạn, hẹn hò đi ăn mua sắm xem phim rồi về nhà lúc 11h00 chỉ để ngủ. "Tại sao phải tốn quá nhiều tiền một tháng cho một nơi chỉ để ngủ?". Quan niệm của Đức là quan niệm của một nhóm đông các bạn trẻ năng động và đang có mục tiêu tài chính dài hơi cho những ưu tiên khác. Và giờ đây khi dịch đến, thế giới của Đức là 10 mét vuông, không gia đình, không cửa sổ. Và Đức chẳng phải là duy nhất.
Là một người ham vui, dù tỏ ra lạc quan thì tôi không phải một người thích thú gì chuyện ở nhà. Nhưng ít ra, tôi đã đạt được ước mơ của mình là một căn hộ 2 phòng ngủ thoáng đãng cách trung tâm thành phố 15 phút. Dù có nhiều buồn chán và lo âu, tôi vẫn có thể lạc quan rằng mình đã quá may mắn, vẫn có thể tự mua vui bằng việc lập tài khoản tiktok quay 1001 clip về mèo của mình ở đủ mọi xó xỉnh trong nhà, lục tủ lạnh và thử quậy cái bếp, tìm cách đi ra đi vào tập thể dục. Đó đã là một sự xa xỉ quá lớn nếu so với rất nhiều người quen khác của tôi.
Trường hợp của Đức và nhiều bạn trẻ ở trọ vẫn còn là may mắn, đã là có điều kiện so với xã hội. Với rất nhiều gia cảnh khác tầng lớp khác trong xã hội mà việc ở lì trong nhà sẽ khó lòng thoải mái, dễ chịu với 1 chút cố gắng lạc quan nhưng mạng xã hội vẫn tô hồng và kêu gọi. Đâu chỉ là câu chuyện nhà rộng nhà chật, có bếp hay không có bếp, áp lực mất việc, không tìm được việc; áp lực doanh thu tương lai mịt mờ đang làm không ít người căng thẳng phát điên.
Việc đột nhiên bị bao vây mỗi khi lên mạng bởi những tấm ảnh nhà đẹp cơm ngon chắc chắn là chẳng thể dễ dàng gì với một vài người. Cứ như thể việc bị bao vây trong không gian 4 bức tường và muôn vàn âu lo chưa đủ tệ, đột ngột mạng xã hội ngập tràn những bữa ăn linh đình, những căn nhà rộng rãi khang trang chẳng thua homestay.
Các xu hướng mạng xã hội vốn dĩ đã đảo chiều nhanh như gió; từ sự hăm hở tò mò cho đến chán ghét vô vị chỉ cách nhau 1 -2 ngày; nói gì giữa dịch Covid vừa kéo giãn cảm xúc con người đến cực hạn, vừa gia tăng thời gian trống lên đến vô tận? Những thông điệp lạc quan, cố gắng tích cực vẫn có thể vô tình khoét sâu thêm nỗi buồn, gia tăng thêm cách biệt về thân phận, hoàn cảnh nếu không có tiết chế và tinh ý.
Cùng là nạn nhân, cùng cố gắng chiến đấu cuộc chiến riêng mình giữa đại dịch - không ai có lỗi cho hoàn cảnh và lựa chọn riêng mỗi người
Dù việc chia sẻ nhiều về nhà cửa, điều kiện có thể làm một vài người khó chịu, không thoải mái; thì đến tận cùng chẳng thể trách cứ những chia sẻ bất kỳ ai. Đại dịch chẳng chừa một người nào, dù yêu bếp hay ghét bếp, tất cả chúng ta đều đang là nạn nhân và chịu gánh nặng áp lực về tương lai.
Tôi biết có người bạn cố gắng giấu nỗi bất an về căn nhà mình vẫn còn phải trả góp 60% bằng việc tranh thủ đọc sách, tập nấu ăn để tiết kiệm tiền và khoe thành quả như một niềm vui tự an ủi.
Tôi cũng biết một người bạn khác, sau khi đã cố gắng giãy giụa cho công việc của mình đến phút cuối cùng thì cũng chấp nhận cách ly, ngày ngày nấu sữa đậu nành, tập nướng bánh để tạm thời bình tâm và không có suy nghĩ tiêu cực. Bạn tôi làm kiến trúc sư, khi tạm ngừng các công trình thì khoe chiếc bàn mới tự đóng cho vợ mình vì vợ bắt đầu làm việc ở nhà.
Đằng sau những bức ảnh có vẻ đủ đầy chẳng phải là một sự hợm hĩnh muốn tỏ ra thượng đẳng hay cố tình làm người khác phải tủi thân; mà sau đó cũng chất chứa rất nhiều tâm sự âu lo.
Đến tận cùng, tất cả chúng ta đều đang cố gắng đương đầu tốt nhất với đại dịch theo cách của mình. Với nhiều người, khi công việc bị gián đoạn, cuộc sống bị đảo lộn; thứ duy nhất mà họ có thể bám vào là dồn sự phấn đấu nỗ lực vào nhà cửa và căn bếp, lấy nhà xinh món ăn đẹp làm niềm tự hào khỏa lấp đi căng thẳng và mất mát. Điều đó chẳng xấu và tuyệt đối không có để lên án. Tự hào với bất cứ thành quả nỗ lực nào của mình là chính đáng. Cố gắng lạc quan và làm điều tích cực giữa lúc bộn bề lo toan lại càng đáng khen ngợi.
Cảm thông, chia sẻ và quan tâm - chẳng bao giờ thừa khi vẫn sống văn minh và tôn trọng lựa chọn cá nhân của mỗi người
Không phải ai không thích hội yêu bếp cũng là những người không có điều kiện. Đó chỉ là 1 lý do trong muôn vàn những lý do để "mắc mệt" trước trào lưu sống ảo mới nhất. Có rất nhiều bạn bè tôi có điều kiện; nhưng họ thực sự ghét bếp, ghét trang hoàng nhà cửa một cách chân thành và nguyên bản. Việc cả thế giới xung quanh đổ xô khoe nhà và tập tành nấu nướng thực sự làm họ mệt mỏi và thêm lạc lõng cô đơn giữa đại dịch.
Tôi có hai người bạn thân, và thực sự ba chúng tôi hoàn toàn khác nhau. Trước đại dịch, tường facebook của chúng tôi thực sự là ba thế giới. Tôi chia sẻ về công việc, về những chuyến du lịch và những câu chuyện tự trào tủn mủn về việc hẹn hò của một người độc thân. Bạn tôi khoe những bữa ăn hì hục mất mấy tiếng đồng hồ, khoe những bài kiểm tra điểm 10 của hai đứa con hay bí quyết nội trợ, bí quyết giao tiếp với người giúp việc. Cô bạn còn lại thì tường nhà trống trơn; chỉ chia sẻ đâu đó những hoạt động của công ty cô ấy. Vì là bạn thân, nên chúng tôi đã quen với sự khác biệt trong thế giới của nhau, một người có thể vui vẻ với thế giới và mối quan tâm hoàn toàn trái ngược của người kia mà chẳng mảy may khó chịu.
Nhưng thế giới bình thường lại không như thế, sự khác biệt dễ làm chúng ta cảm thấy không vui, thậm chí cảm giác bị tấn công. Ngay lúc này, mạng xã hội đang bao gồm rất nhiều nhóm người khác nhau. Một nhóm cố gắng lạc quan, chụp ảnh ở nhà, tập yoga, yêu bếp, trồng cây, chăm sóc thú cưng, tập chơi tiktok. Một nhóm bất an, mệt mỏi; cảm thấy những thông điệp lạc quan yêu đời của nhóm thứ nhất là sáo rỗng, là hời hợt và khiến mình mắc mệt. Và vẫn còn có một nhóm khác, chỉ chờ tìm một lý do để khó chịu. Họ khó chịu khi tất cả mọi người cùng thích một bộ phim nào đó họ không thấy hay, họ khó chịu khi facebook của mình có quá nhiều người chào tháng mới hay khóc thương cho Paris. Và dịch Covid lại cho họ thêm nhiều lý do để khó chịu và cười cợt hơn bao giờ hết: ủa sao Work from home mà ai cũng chụp hình nấu ăn, sao làm việc ở nhà mà ai cũng khoe sách khoe phim? Sao tự dưng bây giờ nhà ai cũng đẹp, ai nấu cũng ngon, ai cũng chăm đọc sách dzậy ta? Cũng nhóm này, sẽ khó chịu cười cợt khi cư dân mạng hôm trước yêu bếp, hôm nay lại đổi sang ghét bếp.
Vốn dĩ nhóm Ghét Bếp được lập ra không hề có ý định công kích Yêu Bếp, mà chỉ là sự tự trào, tự châm biếm của những người thực sự vụng về, rất khó vươn lên được tầm cỡ chỉn chu ngon mắt của Yêu Bếp. Và rất nhiều người follow nhóm Ghét Bếp cũng thế. Họ chẳng có ý tấn công ai cả, chỉ muốn tự chế giễu chính mình.
Nên đến tận cùng thì giữa Yêu Bếp và Ghét Bếp, nhóm Nhà Đẹp, nhóm Nhà Không Đẹp và nhóm Không Cần Nhà Đẹp cũng không phải hoàn toàn khác biệt. Tất cả đều đang cố gắng thích nghi và tồn tại theo cách của mình. Tất cả đều đang cố gắng lạc quan vui vẻ theo cách của mình. Tôi có nhà, tôi có bếp, tôi lạc quan bằng cách chăm chút ăn uống nhà cửa cho cuộc sống bớt đơn điệu. Tôi không thể nấu nướng, tôi lạc quan bằng cách tự chế giễu khả năng bếp núc của mình.
Một xã hội sẽ luôn văn minh và ấm áp khi mỗi người đều tự do theo đuổi lựa chọn của mình, và cùng lúc, được những người xung quanh tôn trọng lựa chọn riêng đó. Dù yêu bếp hay ghét bếp; miễn những chia sẻ của chúng ta là chân thành và tích cực chứ không phải cố gắng hợm hĩnh hay xuất phát từ sự ghen tức thì điều đó vẫn chẳng có gì đáng lo ngại. Cũng như ngược lại, chẳng bao giờ thừa nếu ta thông cảm cho những người không giống mình. Rằng khi mình cố gắng lạc quan với nhà cửa, với bữa ăn tự mày mò; chẳng quá khó khăn để hỏi han hay ship cho bạn bè một phần nấu nướng để chính cuộc sống của họ cũng thêm gia vị. Cũng như cảm thông cho những người khoe nhà cửa quá nhiều, hay bỉ bai hội yêu bếp một cách quá cực đoan; tất cả chúng ta đều đang cố gắng trong câu chuyện của riêng mình.
Chia sẻ chân thành và cảm thông cho nhau chắc chắn không hề thừa thãi cho xã hội vào lúc này.