Anh Hồ Văn Phin (36 tuổi, thôn Húc Nghì, xã Húc Nghì) đội đèn pin ra suối kiếm tra dòng chảy để chuẩn bị cho chuyến săn bắt cá mát xuyên đêm. Anh Phin cùng các anh em chuẩn bị các dụng cụ như lưới, mặt nạ lặn nước, đèn pin, cây đinh ba. Sau khi chuẩn bị các hành trang, ba người bắt đầu lên xe máy đi về phía thượng nguồn.
Nhóm của anh Phin băng qua cánh rừng keo đến một đoạn suối nguyên sơ, trên bờ có nhiều đá cuội nhiều kích thước, nhiều lùm cây rậm. Trời tối, hơi nước từ suối thổi lên lạnh ngắt cả người, cả ba bắt đầu soạn lưới, mang mặt nạ chuẩn bị xuống nước. Họ nhanh chóng thu được chiến quả khi bắt được con cá mát đầu tiên trong buổi săn đêm.
Mỗi đêm có thể bắt được từ 5-6kg cá mát. Các thương lái, nhà hàng, quán nhậu thu mua với giá 250.000 đồng/kg. Số tiền trên giúp 3 thành viên trong nhóm anh Phin đủ trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình. Nhiều người thích cá mát ngoài việc thịt săn, chắc, khó tìm thì còn bởi lý do cá chỉ sống, sinh sôi ở những vùng nước sạch.
Cá mát còn được gọi là cá sỉnh cao, cá niên; người Tày, người Thái gọi là pea khính, pa khính; người Hrê bản địa gọi là cai-lin, còn người Kor gọi là ca-da-lết.
Cá mát sống từng đàn ở các khe hốc đá nơi nước chảy xiết, nền sỏi cát sạch. Chúng thường kiếm ăn vào ban đêm bắt đầu khi trời tối theo đàn, chúng ăn các loại côn trùng trên mặt nước, rong rêu bám vào đá hoặc giun đỏ.
Cá mát sinh sản mỗi năm 1 lứa vào mùa xuân khoảng tháng 2 đến tháng 3 âm lịch, mỗi lần đẻ trứng nở cả ngàn con.