Làm nhà tạm cho người dân bị lũ cuốn
Ngày 7/10, ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) cho biết, cơ quan chức năng huyện này cùng các lực lượng công an, bộ đội, thanh niên tình nguyện hỗ trợ huyện này khắc phục hậu quả của cơn lũ quét gây ra trên địa bàn 3 xã và thị trấn vào rạng sáng 2/10 vừa qua.
Do lượng bùn đất và nhà cửa bị thiệt hại quá lớn nên việc dọn dẹp và khắc phục hậu quả phải mất từ 2-3 tuần mới có thể hoàn thiện.
Được biết, trận lũ quét vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho huyện này. Có 55 ngôi nhà bị sập, trôi hoàn toàn. Nhiều ngôi nhà khác cũng bị hư hỏng nặng.
Để hỗ trợ người dân có nhà ở tránh mưa rét sau khi bị lũ cuốn, huyện Kỳ Sơn cũng đã phối hợp với 1 đoàn từ thiện hỗ trợ 72 hộ dân ở xã Tà Cạ kinh phí để dựng nhà tạm. Đây là những gia đình đã bị lũ cuốn trôi nhà, đổ sập hoàn toàn và một số hộ phải di dời khẩn cấp do núi nứt nẻ, có nguy cơ đổ sập vùi lấp nhà.
"Mỗi hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng để dựng nhà tạm ở trong thời gian chờ tái định cư", ông Minh nói và cho hay, hiện địa phương này cũng đã khảo sát được vị trí làm tái định cư cho người dân xã Tà Cạ.
Vị trí khu tái định cư này cách nơi xảy ra lũ quét chừng 1km, rộng 15ha. Sau khi dọn dẹp xong hậu quả của trận lũ quét, UBND huyện Kỳ Sơn sẽ trình tỉnh để có kinh phí thực hiện khu tái định cư.
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn chia sẻ về thiệt hại sau cơn lũ dữ
Gói bánh chưng, nướng cá gửi "chi viện" bà con vùng lũ quét
Biết người dân vùng lũ đã bị mất trắng tài sản, các đồ dùng thiết yếu cũng bị lũ cuốn trôi nên những ngày qua nhiều đoàn từ thiện, nhà hảo tâm đã về trực tiếp huyện Kỳ Sơn để ủng hộ, trao quà từ thiện cho người dân sớm vượt qua khó khăn trước mắt.
Để người dân có thức ăn, nước uống trong những ngày sau lũ, nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đã gửi các nhu yếu phẩm, nước sạch. Nhiều đoàn thể còn gói bánh chưng, nướng cá rồi đóng gói cẩn thận đem lên biếu tặng cho những gia đình đang phải sống cảnh "màn trời chiếu đất" sau trận lũ dữ.
Nhiều ngày qua, căn nhà của chị Lương Thanh Ngọc (thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) trở thành bếp ăn "dã chiến" phục vụ bà con vùng lũ Kỳ Sơn.
Trước đó, nhiều người đã kêu gọi cùng nhau góp tiền mua nếp, đậu, thịt. Người không có điều kiện thì góp công làm chẻ lạt, rửa lá dong. Cứ thế, hơn 40 chị em chi hội phụ nữ thị trấn Thạch Giám xuyên ngày đêm gói bánh để kịp thời đưa lên "chi viện" cho người dân huyện Kỳ Sơn có cái ăn trước mắt.
Chị Lương Thị Tú Quyên - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Thạch Giám cho biết, cách tâm lũ hơn 50km, nhưng khi cập nhật những hình ảnh về những thiệt hại mà bà con Kỳ Sơn đang phải gánh chịu, ai cũng xót xa.
Chị Quyên chia sẻ: "Lúc đầu, chị em đã góp tiền tính mua mì tôm, bánh mì lên cho bà con. Nhưng thực tế trên đó đang thiếu điện, bà con cũng đang tập trung dọn dẹp, không thể nấu ăn, nên chúng tôi thống nhất tập trung gói bánh chưng. Vừa giúp bà con chắc bụng vừa có thể bảo quản lâu vừa không phải mất công nấu nướng".
Từ ngày 2/10 đến nay, chị Vi Thị Hiển (trú bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ) cùng một số hộ dân tất bật nấu xôi, đồ ăn để đi phát cho bà con trong bản. Dù ở ngay bản của tâm trận lũ quét nhưng may mắn nhà cửa và tài sản gia đình chị Hiển không bị ảnh hưởng gì sau lũ. Chính vì thế, chị Hiền đã chia sẻ cùng những gia đình bị thiệt hại bằng cách nấu những suất xôi, đồ ăn đi phát cho bà con.
Người dân xã Công Thành (Yên Thành, Nghệ An) gói 2000 cái bánh tét gửi cho bà con vùng lũ huyện Kỳ Sơn.
Chị Hiển chia sẻ: "Một số hộ dân lũ quét qua làm mất nhà mất cửa của một số hộ dân và một số học sinh ở trọ trong bản cũng bị trôi hết đồ đạc. Nhà tôi do nằm ở vị trí cao, nhà cũng kiên cố nên không ảnh hưởng gì.
Trong nhà có sẵn nếp nên tôi đã kêu gọi thêm một số chị em đến để nấu xôi mang cho bà con dân bản. Hiện nay nhiều người dân vẫn chưa có đồ đạc để nấu ăn nên chị em chúng tôi vẫn đang tiếp tục nấu xôi tiếp tế cho mọi người".
Chị em phụ nữ thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn chung tay gói bánh chưng, bánh tét cho bà con vùng lũ Kỳ Sơn.
Cách huyện Kỳ Sơn hơn 400km nhưng người dân xã Kỳ Lợi (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) những ngày qua đã lấy cá tươi làm sạch rồi nướng và đóng gói cẩn thận để gửi đi cho bà còn vùng tâm lũ Kỳ Sơn. Dù giá trị vật chất không nhiều nhưng với người dân đó là tình cảm, sự sẻ chia với những mất mát của người dân lúc này.