Quốc tế hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn tại Libya
Ngày 23/10/2020, sau 5 ngày đàm phán trong khuôn khổ 5 5 (mỗi bên 5 đại diện tham gia) tại Geneva dưới sự chủ trì của Liên hợp quốc, hai bên tham chiến trong cuộc xung đột Libya gồm Chính phủ Hòa hợp dân tộc (GNA) và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đã ký thỏa thuận "về một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn" tại Libya.
Thoả thuận này gồm 12 điểm. Nội dung chính của thỏa thuận là ngừng bắn ngay lập tức trên toàn lãnh thổ Libya, rút các đơn vị quân đội và các nhóm vũ trang trên tuyến đầu trở về căn cứ, mở lại đường giao thông kết nối tất cả các miền đất nước, kể cả đường bộ, đường không và đường biển, thành lập lực lượng vũ trang chung.
Hai bên tiến hành trao đổi tù binh, thành lập tiểu ban điều tra tội phạm, truy bắt nghi phạm, trao đổi dữ liệu về người bị truy nã và dẫn độ tội phạm. Các lực lượng nước ngoài, lính đánh thuê phải rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ Libya, kể cả trên đất liền và trên biển, trong vòng tối đa 90 ngày kể từ ngày ký thỏa thuận, dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc.
Các lực lượng bảo về các cơ sở dầu khí ở miền Đông và miền Tây, Đại diện của Công ty Dầu khí Quốc gia, hợp tác đề xuất các biện pháp đảm bảo an toàn để khởi động lại việc khai thác, vận chuyển và xuất khẩu dầu khí.
Hai bên cũng thỏa thuận sẽ nối lại đàm phán tại Tunisia vào tháng 11/2020 tới để giải quyết các vấn đề cụ thể, tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột.
Quyền Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về Libya, đồng thời là trưởng Phái đoàn LHQ tại Libya (UNSMIL) Stephanie Williams tuyên bố, coi đây là "một bước ngoặt quan trọng trên con đường dẫn đến hòa bình và ổn định ở Libya".
Cộng đồng quốc tế gồm Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Liên đoàn Ả Rập (AL), Liên minh châu Phi (AU), các nước Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và nhiều nước khác đã hoan nghênh việc ký kết thỏa thuận ngừng bắn giữa GNA và LNA, coi đây là một bước cơ bản để nối lại đối thoại chính trị nhằm khôi phục lại hòa bình và ổn định cho Libya. Người dân Libya vui mừng và tỏ hy vọng thỏa thuận này sẽ góp phần chấm dứt xung đột và tình trạng chia cắt đất nước. Tuy nhiên, tất cả đều cho rằng còn rất nhiều việc cần phải làm để các bên hoàn thành nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận.
Các nhà quan sát chính trị tỏ lo ngại rằng, trước đây các thỏa thuận đều bị phá vỡ, thì liệu thỏa thuận này có được các bên ký kết thực hiện một cách nghiêm túc hay không? Điều hết sức nguy hiểm là các tổ chức khủng bố, các chiến binh Hồi giáo hoạt động tại Libya đang tìm cách phá hoại thỏa thuận.
Dấu hiệu chuyển biến tích cực của tình hình Libya
Tình hình Libya đang có những chuyển biến tích cực. Chính phủ GNA của Thủ tướng F. Al-Sarraj và quân đội LNA của tướng K. Haftar đã sơ bộ thống nhất với nhau về một lịch trình tổ chức bầu cử trong vòng 18 tháng và sẽ thỏa thuận thời hạn chính thức để tiến hành cuộc bầu cử này tại cuộc gặp Tunisia tháng 11 tới. Hai bên cũng nhất trí cần thiết phải phi quân sự hóa thành phố chiến lược Sirte.
Thủ tướng F. Al-Sarraj cũng tuyên bố "sẵn sàng bàn giao quyền lực của mình cho cơ quan hành pháp sau khi Ủy ban Đối thoại Libya kết thúc công việc của mình và thỏa thuận thành lập một chính phủ mới.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, hai nước chính can dự vào cuộc xung đột đã nhất trí ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn và tiến trình chính trị ở Libya trong các cuộc gặp gần đây giữa hai bên ở Ankara.
Hãng hàng không quốc gia Afriqiyah Airways của Libya, có trụ sở tại Tripoli đã nối lại các chuyến bay thường kỳ giữa Thủ đô Tripoli và Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Libya.
Giải pháp cho cuộc xung đột còn rất nhiều khó khăn
Thoả thuận ngừng bắn ngày 23/10/2020 chỉ là bước đầu trên con đường đi đến giải quyết toàn diện cho cuộc xung đột hết sức phức tạp kéo dài một thập kỷ nay.
Chiến trường Libya tạm lắng tiếng súng, nhưng tình hình có thể bùng nổ bất cứ lúc nào do mâu thuẫn giữa LNA của tướng K. Haftar và chính phủ GNA của Thủ tướng F. Al-Sarraj hết sức sâu sắc. Hơn nữa, cuộc xung đột lại được quốc tế hóa với sự can dự của nhiều nước, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar ủng hộ mạnh mẽ về tài chính, vũ khí cho GNA của Thủ tướng F. Al-Sarraj, trong khi đó, Ai Cập, Nga, UAE lại đứng về phía LNA của tướng K. Haftar. Thậm chí một số nước này còn đưa quân và lính đánh thuê sang giúp các bên tham chiến.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người ủng hộ mạnh mẽ Chính phủ của Thủ tướng F. Al-Sarraj nói, thỏa thuận ngừng bắn đạt được ở cấp thấp, một bên đại diện cho tướng nghỉ hưu K. Haftar, và bên kia là tư lệnh quân đội của thành phố Misrata, đại diện cho GNA, không phải ở cấp cao nhất, nên "độ tin cậy của nó rất yếu nên khả năng thỏa thuận này được thực hiện là thấp. Thỏa thuận này kéo dài được bao lâu, thời gian sẽ trả lời."
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn quan ngại về số phận của thỏa thuận an ninh Ankara ký với chính quyền GNA tháng 12/2019, bởi vì một trong những điều khoản của thỏa thuận Geneva quy định "đình chỉ các thỏa thuận quân sự mà các bên tham gia xung đột ở Libya đã ký kết." Trong 5 năm qua, với vai trò cường quốc khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ đã can dự sâu vào cuộc xung đột Libya, chắc chắn sẽ không chấp nhận bất cứ sự dàn xếp nào không có sự tham gia của họ.
Ankara cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn ở Libya không phù hợp với nguyện vọng của Thổ Nhĩ Kỳ, vì nó không bao gồm việc loại trừ tướng K. Haftar khỏi chính trường Libya trong tương lai và điều này khiến UAE, Ai Cập và Pháp là những đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện mạnh mẽ tại Libya.
Một vấn đề lớn khác là liệu tất cả các lực lượng nước ngoài tham gia vào cuộc xung đột ở Libya sẽ rút hết hay không? Làm thế nào để thực hiện được đòi hỏi này? Liệu các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và hàng nghìn lính đánh thuê của họ đưa từ Syria sang, liệu hơn một nghìn lính đánh thuê "Wagner" của Nga, lính đánh thuê của UAE và Ai Cập có rút khỏi Libya trong vòng 90 ngày theo thỏa thuận? Đã chi nhiều tiền của và công sức vào cuộc xung đột, các nước này không dễ gì nhanh chóng từ bỏ lợi ích của mình tại Libya.
Trong bối cảnh đó, một trong những vấn đề được cho là sẽ bùng phát sau khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết là nguồn lợi thu từ dầu mỏ sẽ được chia sẻ như thế nào, ai sẽ kiểm soát và bảo vệ các mỏ dầu và cảng dầu vẫn còn là một ẩn số. Ngân hàng trung ương vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ GNA trong khi các bên đã thỏa thuận chuyển nguồn thu từ dầu mỏ của Libya bị phong tỏa từ 10 năm nay ở nước ngoài vào ngân hàng này. Trong khi đó, tướng K. Haftar hiện nay lại đang nắm hầu hết các mỏ dầu ở phía Đông vẫn chưa có ý kiến gì về vấn đề này.
Đạt được thỏa thuận ngừng bắn, nhưng chưa thấy triển vọng nào cho việc giải quyết những nguyên nhân chính gây ra cuộc tranh giành quyền lực tại Libya. Vấn đề lớn nhất ở đây là làm thế nào để có thể tổ chức được bầu cử ở một nước có nhiều bộ tộc cai trị, khi có khoảng 90 bộ tộc đang tranh giành quyền lực lẫn nhau?
Về phần mình, người phát ngôn quân đội thuộc chính phủ GNA, Đại tá Mohammed Kununu không tin vào khả năng thực hiện các thỏa thuận hòa bình với tướng K. Haftar. Ông nói: "Những đảm bảo của các thỏa thuận là gì? Làm thế nào để có thể tin vào lời nói của một người đã ra lệnh tấn công thủ đô Tripoli? Trước đây nhiều thỏa thuận đã bị vi phạm."
Cuối cùng và hết sức quan trọng, vấn đề then chốt là không có bất cứ một cơ chế nào giám sát, buộc các bên ký kết phải thực hiện thỏa thuận. Điều này có thể dẫn đến khả năng thỏa thuận dễ bị phá vỡ.
Cuộc xung đột Libya, một trong những cuộc xung đột khu vực kéo dài và phức tạp nhất trên thế giới hiện nay liệu có giải quyết được hay không, sớm hay muộn phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí của các bên liên quan, các cuộc đàm phán sắp tới tại Tunisia về việc chia sẻ quyền lực giữa GNA và LNA, giữa các bộ tộc và phe phái chính trị, tôn giáo tại Libya.
Bất cứ một giải pháp nào cũng cần phải tính tới lợi ích của tất cả các bên liên quan kể cả trong nước cũng như ngoài nước. Vấn đề cấp bách hàng đầu hiện nay là thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn trên toàn lãnh thổ Libya phải được thực hiện nghiêm túc.