Xung đột Karabakh: Vì sao Azerbaijan quyết tâm tấn công, "vuốt mặt không nể mũi" Nga?

Hoài Giang | 15-12-2020 - 19:51 PM

(Tổ Quốc) - Giao tranh tại khu vực Hadrut cuối tuần qua là vụ đụng độ đầu tiên sau hơn 1 tháng Armenia và Azerbaijan đồng ý ngừng bắn với trung gian của Nga. Nhưng vì sao 2 phía lại nổ súng?

Mới đây, báo điện tử Vzglyad (Vz.ru) của Nga đăng tải bài phân tích nhan đề: "Российским миротворцам в Карабахе пришлось показать свою силу" (tạm dịch: Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở Karabakh đã phải thể hiện sức mạnh của họ) của tác giả Evgeny Krutikov.

Nhằm đem lại cho độc giả một phân tích về diễn biến và kết quả của cuộc đụng độ tại khu vực Hadrut của Nagorno-Karabakh trong những ngày vừa qua, chúng tôi xin lược dịch bài viết.

Lần đầu tiên quân Nga phải can thiệp vào xung đột Karabakh

Hành động của lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nagorno-Karabakh liên quan tới giao tranh ở khu vực Shusha và Hadrut đánh dấu lần đầu tiên họ phải can thiệp vào cuộc đối đầu giữa Quân đội Azerbaijan và lực lượng Armenia.

Tạ ơn Chúa rằng lính Nga đã không phải sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ này, hóa ra chỉ cần sự xuất hiện của một số lượng lớn lính gìn giữ hòa bình trong khu vực giao tranh là đủ khiến cả 2 phe phải "nhìn xuống chân".

Vậy lý do của cuộc đụng độ sau hơn 1 tháng thỏa thuận ngừng bắn được thực thi là gì?

Xung đột Karabakh: Vì sao Azerbaijan quyết tâm tấn công, vuốt mặt không nể mũi Nga? - Ảnh 1.

Một bản đồ tương đối chính xác về những phần đất ở Nagorno-Karabakh hiện doa 2 phía kiểm soát.

Trong quá trình tấn công của phía Azerbaijan về hướng Lachin và Shusha, họ đã nhanh chóng tiến tới các mục tiêu chính và bỏ qua các vị trí ít quan trọng của phía Armenia.

Toàn bộ lực lượng phòng thủ của phía Armenia phía nam dãy núi nhiều cây cối của vùng Hadrut đã tạo thành các khu "da báo" hoặc "mũi lồi" nằm sâu trong hậu phương của quân Azerbaijan.

Cả Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan lẫn Quân đội Armenia đều cho rằng nhóm quân ở đây cùng lực lượng còn lại bị bao vây hoàn toàn là lý do chính cho việc ký kết thỏa thuận ngừng bắn đêm 9 rạng 10/11.

Kể từ sau khi thỏa thuận được thực thi, đại bộ phận lực lượng Armenia tại đây đã rút lui nhưng dân thường vẫn ở lại.

Có một tuyến đường để tiếp cận khu vực này từ Lisagor-Kirsavan, nhưng sau khi việc chuyển giao vùng Lachin cho phía Azerbaijan, khu vực này đã bị cô lập khỏi Stepanakert và Armenia.

Trong khu rừng gần các làng Khtsaberd và Hin Tagher, lực lượng Cộng hòa Artsakh tự xưng đồn trú quyết không rời bỏ vị trí của họ chủ yếu là vì tại chính khu vực này, họ đã chống trả quyết liệt các mũi tấn công của Azerbaijan, khiến đối phương phải "đi vòng" về hướng Shusha.

Họ tiếp tục trấn giữ Hin Tager và Khtsaberd hoang vắng, cũng như các cao điểm chiến lược xung quanh Khtsaberd, Núi Dizapayt và tu viện Kataro.

Đoạn phóng sự của Civilnet.am ghi lại nhóm quân tại Hadrut trước khi bị phía Azerbaijan tấn công.

Azerbaijan hành động

Hiện phía Azerbaijan đã thông báo rằng họ đang tiến hành một "hoạt động chống khủng bố" xung quanh Khtsaberd và Hin Tagher.

Đặc nhiệm Azerbaijan đã cố gắng tiến vào các ngôi làng, nhưng vấp phải sự kháng cự bất ngờ. Kết quả của cuộc đụng độ, ít nhất hai quân nhân Azerbaijan đã thiệt mạng và 6 tay súng Armenia bị thương.

Nhưng lực lượng không ngang bằng. Chính quyền địa phương báo cáo rằng quân Azerbaijan đã tiến vào Hin Tagher vào ngày 12/12, và Khtsaberd đã bị bao vây hoàn toàn vào thời điểm nhóm lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đầu tiên tiếp cận.

Ban đầu, lính gìn giữ hòa bình đã tiếp cận khu vực trong một nhóm nhỏ cơ động và lực lượng chính xuất hiện ở đó vào sáng 13/12 giờ địa phương.

Đến tối 13/12, tình hình trong khu vực hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng gìn giữ hòa bình, và đặc nhiệm Azerbaijan đã rời khỏi Hin Tagher.

Một đoạn phim "tự sướng" của đặc nhiệm Azerbaijan khi kiểm soát một cao điểm của phía Armenia được cho là ghi lại ở khu vực Hadrut trong giao tranh 12-13/12.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đưa ra lời giải thích về việc lính Nga không hiện diện trong khu vực như sau:

"Đâu là lý do của sự chậm trễ - thực tế là lực lượng gìn giữ hòa bình không có mặt tại thời điểm xảy ra vụ tấn công.

Đây là vấn đề cần thảo luận riêng và phân tích kỹ lưỡng, nhưng lúc này điều quan trọng nhất là lực lượng gìn giữ hòa bình đã tiến vào khu vực với lực lượng khá đáng kể, nên loại trừ khả năng tiến thêm của quân Azerbaijan.

Tất nhiên, Lực lượng Phòng vệ (Cộng hòa Artsakh tự xưng) cũng có mặt, nhưng sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình mang lại niềm tin rằng tình thế ổn định sẽ được duy trì ở đó".

Xung đột Karabakh: Vì sao Azerbaijan quyết tâm tấn công, vuốt mặt không nể mũi Nga? - Ảnh 4.

Hôm 13/12, Sputnik dẫn tuyên bố của Tướng Rustam Muradov, Tư lệnh lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại Karabakh, cho biết tình hình tại khu vực các làng Khtsaberd và Hin Tagher đã trở lại bình thường sau các vụ đụng độ.

Điểm sơ hở trong thỏa thuận ngừng bắn ở Karabakh?

Thực tế là thỏa thuận ngừng bắn có một mâu thuẫn tương đối nghiêm trọng.

Những khu vực về hành chính là một phần của Khu vực tự trị Nagorno-Karabakh (NKAO) dưới thời Liên Xô được cho là thuộc về người Armenia. Nhưng mặt khác tồn tại một giới tuyến được các bên được công nhận vào thời điểm ngừng bắn vào rạng sáng 10/11.

Đó là lý do tại sao người Azerbaijan vẫn đang kiểm soát Shusha dù đô thị này về hành chính thuộc NKAO. Ngoài Shusha, một phần đáng kể của vùng Hadrut, một phần của vùng Martuni và cả một khu vực nhỏ ở phía bắc của vùng Mardakert vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Baku.

Nói cách khác, giới tuyến ngừng bắn lúc nửa đêm ngày 10/11 không trùng với ranh giới hành chính của NKAO trước đây và mâu thuẫn này dường như không thể cứu vãn.

Khu vực Hin Tagher-Khtsaberd nằm sâu trong hậu phương của quân Azerbaijan đã biến thành một vùng đất với tình trạng không xác định, mà quyết định của Baku chỉ đơn giản là "bóp chết" nó khi không ai nhận ra.

Xung đột Karabakh: Vì sao Azerbaijan quyết tâm tấn công, vuốt mặt không nể mũi Nga? - Ảnh 5.

Hình minh họa.

Hành vi này là bình thường đối với bên thắng cuộc, thường là nỗ lực "sắp xếp" giới tuyến và được cho là "chiến lợi phẩm". Nhưng hành vi này có thể được Nga coi là nỗ lực phá vỡ các thỏa thuận ngừng bắn.

Nhưng có một vấn đề phức tạp hơn nhiều. Sau khi một đơn vị gìn giữ hòa bình Nga xâm nhập Khtsaberd và Hin Tagher, Bộ Quốc phòng Nga đã cập nhật bản đồ vị trí các chốt gìn giữ hòa bình và khu vực họ phụ trách.

Điều này có nghĩa là gì? Trên quan điểm ngoại giao, khu vực trách nhiệm của lực lượng gìn giữ hòa bình không phải là cái gì đó cố định trong 5 năm tới, mà có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh.

Rõ ràng là thỏa thuận ngừng bắn đã được ký một cách vội vã. Tiền lệ đầu tiên xảy ra xung quanh tu viện Dadivank, nơi không nằm trong khu vực trách nhiệm của lực lượng gìn giữ hòa bình, nhưng sau khi đàm phán, binh lính Nga vẫn tiến vào đó.

Xung đột Karabakh: Vì sao Azerbaijan quyết tâm tấn công, vuốt mặt không nể mũi Nga? - Ảnh 7.

Cho tới ngày 14/11, bản đồ khu vực hoạt động của lực lượng Nga ở Nagorno-Karabakh một lần nữa sửa đổi, và lần này Hin Tagher-Khtsaberd bị loại bỏ.

Kết luận

Rõ ràng là Azerbaijan vẫn muốn nhiều hơn và giới tuyến hiện tại xét đến cùng vẫn chưa phù hợp với mong muốn của Baku. Mong muốn này cũng là điều dễ hiểu.

Mặt khác, vẫn chưa thể phân định rõ ràng trên thực địa và bản đồ về giới tuyến Nagorno-Karabakh.

Khu vực giới tuyến nơi lực lượng Nga chịu trách nhiệm sẽ nhiều lần phải "di dời", từ đó sẽ tạo ra những tình huống đòi hỏi sự can thiệp của họ.

Điều này chỉ có thể được giải quyết thông qua một cuộc đối thoại, nhưng nhiều khả năng Baku sẽ tiếp tục sử dụng những mâu thuẫn trong thỏa thuận ngừng bắn này để cải thiện các vị trí của mình.

Hiện tại và trong tương lai, đây là khó khăn chính đối với lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.

Ngoài ra, họ cũng bị hạn chế về sức mạnh và nguồn lực. Việc "phân tán" thêm lực lượng ở các cứ điểm mới trong các khu vực tách biệt và khó tiếp cận, vốn trước đó không được lên kế hoạch hoàn toàn bất lợi cho hoạt động gìn giữ hòa bình.

Và Baku gần như chắc chắn sẽ không đồng ý với việc tăng số lượng lính gìn giữ hòa bình Nga ở Karabakh.

Cảnh quay từ một máy bay không người lái (UAV) của phía Armenia vào ngày 28/10 cho thấy lính Azerbaijan rút lui dưới làn đạn súng cối trên một ngọn đồi phía bắc thị trấn Khtsaberd.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM