Xung đột Karabakh: Những việc ông Biden cần làm "ngay và luôn" khi đứng đầu nước Mỹ?

DK | 17-11-2020 - 19:24 PM

(Tổ Quốc) - Nhà phân tích Siranush Ghazanchyan cho rằng nếu muốn giúp đỡ Armenia, một số việc ông Biden sẽ cần phải làm ngay khi trở thành Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2021.

Từ hành động ủng hộ "công lý" của người Armenia

Tháng 10/2019, Armenpress dẫn nguồn tuyên bố của Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thông qua mạng xã hội Twitter phản ứng trước việc Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết công nhận Cuộc diệt chủng người Armenia (H.Res.296) như sau :

"Tôi hoan nghênh việc thông qua H Res 296 nhằm công nhận và lên án Cuộc diệt chủng Armenia năm 1915-1923. Bằng cách thừa nhận tội ác diệt chủng này, chúng tôi tôn vinh ký ức của các nạn nhân của nó và thề rằng: (điều này sẽ) không bao giờ (xảy ra) nữa".

Xung đột Karabakh: Những việc ông Biden cần làm ngay và luôn khi đứng đầu nước Mỹ? - Ảnh 1.

Dòng Twett của ông Biden vào tháng 10/2019.

Tuyên bố của ông Biden được đưa ra chỉ ít tháng sau thông báo rằng ông sẽ tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2020. H.Res.296 được thông qua vào ngày 29/10/2019 để xác định các chính sách sau của Mỹ:

1. Bác bỏ việc phủ nhận Cuộc diệt chủng người Armenia.

2. Chính thức liên tục công nhận và ghi nhớ tội ác này của chính phủ Mỹ.

3. Hỗ trợ việc giáo dục về Cuộc diệt chủng người Armenia để giúp ngăn chặn các hành động tàn bạo thời hiện đại.

Ngày 24/4/2020, Chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ Kamala Harris đưa ra tuyên bố chiến dịch có tựa đề "Sự hỗ trợ của Joe Biden cho người dân Armenia":

"Tôi đứng… cùng với tất cả người Armenia và cộng đồng người Mỹ gốc Armenia, những người đã đóng góp rất nhiều cho quốc gia của chúng ta, để tưởng nhớ và tôn vinh các nạn nhân của Cuộc diệt chủng người Armenia'.

"Cuộc diệt chủng người Armenia" là vụ trục xuất và thảm sát bằng hàng trăm nghìn đến hơn 1,2 triệu người Armenia trong thời kỳ từ năm 1915 đến 1923 trên lãnh thổ Đế quốc Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq...).

Đến nay, hàng chục quốc gia đã chính thức công nhận đây là một vụ diệt chủng. Tuy nhiên chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ luôn bác bỏ việc mô tả các sự kiện này là diệt chủng.

Xung đột Karabakh: Những việc ông Biden cần làm ngay và luôn khi đứng đầu nước Mỹ? - Ảnh 3.

Một bản đồ miêu tả các địa điểm diễn ra Cuộc diệt chủng người Armenia (Nguồn: Usf.edu).

Tới lên án cả Armenia, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột Karabakh

Theo al-Monitor, vào ngày 13/10/2020, trong chiến dịch tranh cử của mình, ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ trích cả Azerbaijan lẫn Armenia cũng như Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc xung đột Nagorno-Karabakh.

Ông Biden có quan điểm (được cho là trái ngược hoàn toàn với Tổng thống Mỹ Donald Trump) lên án vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột, đồng thời kêu gọi chính quyền Mỹ gây áp lực buộc Azerbaijan ngừng các hành động quân sự:

"Chính quyền (của ông) Trump phải nói với Azerbaijan rằng những nỗ lực nhằm áp đặt một giải pháp quân sự cho cuộc xung đột này sẽ không được dung thứ".

Xung đột Karabakh: Những việc ông Biden cần làm ngay và luôn khi đứng đầu nước Mỹ? - Ảnh 4.

Lính Mỹ trong một hoạt động huấn luyện tại Yerevan, Armenia vào năm 2019 (Nguồn: Euro-sd.com).

Ông Biden cũng cho rằng chính phủ Mỹ nên nói thẳng với phía Armenia rằng họ nên tiếp tục đàm phán về tình trạng của khu vực Nagorno-Karabakh đang tranh chấp.

"Cần phải nói rõ với Armenia rằng các khu vực xung quanh Nagorno-Karabakh không thể bị chiếm đóng vô thời hạn và các cuộc đàm phán về một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột phải bắt đầu ngay sau khi lệnh ngừng bắn được tiến hành".

Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ lịch sử và ngôn ngữ với Azerbaijan và ủng hộ Baku về mặt quân sự trong cuộc xung đột. Ông Biden cũng đã nhấn mạnh vấn đề này trong tuyên bố:

"Việc Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp vũ khí cho Azerbaijan và những lời hùng biện khích lệ một giải pháp quân sự là (việc làm) vô trách nhiệm".

Xung đột Karabakh: Những việc ông Biden cần làm ngay và luôn khi đứng đầu nước Mỹ? - Ảnh 6.

Một cuộc tuần hành nhằm vận động công nhận Cuộc thảm sát người Armenia (1915-1923) của cộng đồng người Mỹ gốc Armenia với cờ Mỹ, cờ Armenia và cờ của Cộng hòa Artsakh tự xưng tại Hollywood tháng 4/2019 (Nguồn: AFP).

Những việc ông Biden cần làm "ngay và luôn" với Armenia và Karabakh khi trở thành Tổng thống Mỹ?

Cần nhấn mạnh rằng chính quyền Mỹ dưới thời ông Obama và ông Biden đã hỗ trợ nhân đạo cho cả Armenia lẫn Cộng hòa Artsakh tự xưng, kêu gọi bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia, bao gồm cả việc mở cửa biên giới và nối lại thương mại.

Trong thời kỳ ông Biden ở cương vị Phó Tổng thống Mỹ, Washington là đối tác đầy đủ trong tiến trình hòa bình của Nhóm Minsk thuộc OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu) bao gồm Mỹ,Nga và Pháp nhằm chấm dứt xung đột Nagorno-Karabakh.

Xung đột Karabakh: Những việc ông Biden cần làm ngay và luôn khi đứng đầu nước Mỹ? - Ảnh 7.

Theo The Hill, trái ngược hoàn toàn với các tuyên bố của ông Biden về cuộc xung đột ở Karabakh, sự im lặng của ông Trump đã ảnh hưởng lớn tới quyết định của cộng đồng người Mỹ gốc Armenia (khoảng 1,5 triệu người) trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.

Theo một bài viết được đăng tải trên Public Radio of Armenia, nhà phân tích Siranush Ghazanchyan cho rằng nếu ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2021, ông sẽ thực hiện những việc dưới đây:

1. Chính quyền tương lai của ông Biden sẽ chính thức công nhận Cuộc diệt chủng người Armenia.

2. Tăng cường quan hệ đối tác Mỹ - Armenia, ủng hộ việc viện trợ nhân đạo để cải thiện cuộc sống của người dân và các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế Armenia.

3. Tiếp tục hỗ trợ nhân đạo và hoạt động gỡ mìn và vật liệu nổ của Mỹ ở Nagorno-Karabakh - điều mà Tổng thống Trump đã cố gắng chấm dứt.

4. Thúc đẩy nền hòa bình lâu dài trong khu vực thông qua việc tăng cường sự can dự của Mỹ trong việc giải quyết xung đột Nagorno-Karabakh (như ông đã từng làm dưới thời Obama), bao gồm cả việc tìm kiếm thêm các quan sát viên quốc tế để giám sát lệnh ngừng bắn.

5. Xem xét việc hỗ trợ an ninh của Mỹ cho Azerbaijan để đảm bảo nó không được sử dụng cho mục đích tấn công.

Xung đột Nagorno-Karabakh 2020 là một loạt các hoạt động quân sự của các lực lượng vũ trang của Azerbaijan và Cộng hòa Artsakh tự xưng cùng với Armenia tại Nagorno-Karabakh và các khu vực xung quanh kể từ ngày 27/9/2020.

Cuộc xung đột tạm thời "đóng băng" sau ngày 10/11/2020, ở thời điểm thỏa thuận ngừng bắn được Nga, Armenia và Azerbaijan công bố và lực lượng gìn giữ hòa bình Nga được triển khai tại Nagorno-Karabakh.

Xung đột Karabakh: Những việc ông Biden cần làm ngay và luôn khi đứng đầu nước Mỹ? - Ảnh 10.

Viện trợ quân sự của Mỹ cho Azerbaijan theo từng năm (Nguồn: Security Assistance Monitor/ Eurasianet).


CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM