Một "chu kỳ" mới đang tái diễn ở Nagorno-Karabakh?
Ông Hamlet, một cựu binh từng tham chiến trong Chiến tranh Nagorno-Karabakh (1988-1994) năm nay đã 59 tuổi than thở khi đang ở một trung tâm hỗ trợ người di tản Armenia tại ngoại ô thủ đô Yerevan:
"Thật tốt khi hiện tại đang có một lệnh ngừng bắn, nhưng không còn Shushi nữa. Shushi giờ đã trở thành đống đổ nát và mọi người đã rời đi. Họ đã di tản khắp Armenia và tôi không biết họ ở đâu".
Thị trấn chiến lược Shushi (phía Azerbaijan gọi là Shusha) thất thủ khiến Armenia phải nhanh chóng ký thỏa thuận ngừng bắn hôm 10/11 sau 6 tuần xung đột.
Hướng tiến công của lực lượng Azerbaijan vào thị trấn Shushi/Shusha.
Tuy nhiên mặc dù Shushi có ý nghĩa lịch sử đối với cả người Armenia lẫn Azerbaijan, đa phần dân số của thị trấn trước chiến tranh vào những năm 1990 là người Azerbaijan.
Với chiến thắng của phía Armenia vào thời điểm đó, người Azerbaijan đã phải bỏ chạy và người Armenia trở thành cộng đồng cư dân duy nhất ở Shushi. Nhưng nay thì việc quân Azerbaijan tái chiếm thị trấn đã thúc đẩy một một vòng xoáy mới của chu kỳ di tản ở Nagorno-Karabakh.
Sau khi Shushi thất thủ, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã ký một lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian, trao lại cho Baku quyền kiểm soát hầu hết các lãnh thổ Azerbaijan mà người Armenia đã nắm giữ kể từ lệnh ngừng bắn năm 1994.
Điều này đồng nghĩa với chỉ với một nét bút, hàng ngàn người Armenia đã mất nhà cửa. Thỏa thuận là một cú sốc đối với người Armenia và những người biểu tình đã đổ ra đường phố Yerevan để lên án thủ tướng, gọi ông là kẻ phản bội và bán nước.
Cảnh quay được lực lượng Azerbaijan ghi lại tại Shusha/Shushi và được họ đặt là "Shusha Drift". Drift là một kỹ năng biểu diễn bằng cách điều khiển các bánh xe trượt trên đường.
Những người Armenia vui mừng vì thỏa thuận ngừng bắn?
Tuy nhiên, tại một nơi trú ẩn ở phần bên kia thủ đô, rõ ràng "cơn thịnh nộ" không xảy ra. Những lời buộc tội ông Pashinyan không giúp ích gì cho những người vừa mất tất cả.
Một số người đổ lỗi cho "người Thổ" (chủ yếu là do Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Quân đội Azerbaijan trong cuộc chiến), nhưng nhìn chung, tâm lý cam chịu và mệt mỏi đã chi phối họ.
Garik Yeganyan, một người Armenia 48 tuổi kết luận: "Lỗi là ở chiến tranh. Vì chiến tranh, chúng tôi đã mất tất cả".
Yeganyan phải chạy trốn xuyên rừng khỏi ngôi làng của mình gần Hadrut khi nơi này bị phía Azerbaijan không kích. Nhà của anh ta hiện nằm trong sự kiểm soát của phía Azerbaijan, rất có thể là vẫn trong tình trạng tốt.
"Rất nhiều thanh niên của chúng tôi đã chết, rất nhiều người bị thương. Ít nhất với lệnh ngừng bắn, việc giết chóc đã dừng lại. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy vô vọng vì chúng tôi sẽ không thể trở về nhà của mình".
Hasmik một người phụ nữ Armenia 51 tuổi đến từ khu vực Martuni, với cả 2 con trai của bà đều đã tham chiến về phía Cộng hòa Arsatkh tự xưng (1 người đã bị thương) tỏ ra đồng cảm với Yeganyan.
Tôi không phải là một chính trị gia, tôi chỉ vui mừng khi các con trai của tôi còn sống trở về nhà. Đó là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của một người mẹ".
Giao tranh và thương vong trong xung đột Nagorno-Karabakh nhìn từ phía lực lượng Armenia.
Tâm lý sốc và sợ hãi vẫn bao trùm?
Trong những ngày này, cảm giác mất lòng tin đã tràn ngập khắp Armenia. Ý nghĩ rằng rất nhiều đất đai có thể đã bị mất sau gần 30 năm chiếm thế thượng phong là không thể chấp nhận và gây sốc cho nhiều người Armenia.
Truyền thông Nga đã công bố một bản đồ cho thấy các khu vực hiện do Cộng hòa Artsakh tự xưng quản lý sẽ bị phân chia như thế nào và các địa điểm nơi lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ đóng quân.
Tuy nhiên bản đồ thiếu các chi tiết quan trọng về những ngôi làng nào sẽ còn thuộc quyền kiểm soát của người Armenia.
Các công việc hậu xung đột ở Nagorno-Karabakh dường như vẫn đang trôi chảy và có vẻ như ngay cả các nhà chức trách cũng không có cái nhìn rõ ràng về nơi chính xác các giới tuyến mới sẽ được vẽ. Và đối với một số người di tản, sự mơ hồ này lại là một tia hy vọng.
"Tôi quá sợ hãi và không dám quay lại. Tôi không biết có bọn Azeris (người Azerbaijan) trong làng của tôi không, nhưng chúng ở khắp các khu vực xung quanh", Jana Khachatryan, một người di tản từ khu vực Martuni giải thích.
"Nhưng nếu có gì đó thay đổi, tôi sẽ trở lại".
Một nhóm lính Azerbaijan nướng thịt bên cạnh một chốt gác của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga và các đoàn xe của người tị nạn Armenia trở về Nagorno-Karabakh (Nguồn: RT).
Tại nơi trú ẩn ở ngoại ô Yerevan, tình trạng hỗn loạn cũng khiến các tình nguyện viên lo lắng. Luca Keushguerian, một tình nguyện viên người Mỹ gốc Armenia, giải thích:
"Đó (việc người di tản không có khả năng quay trở lại) là giả thuyết mà chúng tôi chưa bao giờ nghĩ là có thể xảy ra.
Chúng tôi biết rằng họ sẽ ở đây trong một thời gian khá dài, nhưng chúng tôi chưa bao giờ tính đến khả năng một số người trong số những người này sẽ không bao giờ có thể rời đi".
Luca và cha của anh ấy là Vahe đã quản lý một mạng lưới các nhà trú ẩn cùng với các tổ chức từ thiện khác để hỗ trợ hàng chục nghìn người đã chạy sang Armenia.
Thực tế là những người di tản này không phải là người tị nạn, vì mặc dù họ đã vượt qua biên giới quốc tế, nhưng hầu hết đều có hộ chiếu Armenia.
Với việc chính phủ Armenia trở nên "quá tải", không rõ các tổ chức từ thiện có đủ nguồn lực để xử lý cuộc khủng hoảng di cư kéo dài này hay không.
Sự biến động hiện tại ở Armenia lặp lại những gì đã diễn ra ở Azerbaijan sau khi nước này thua trận ở Nagorno-Karabakh vào những năm 1990.
Đây là một "bóng ma" đã đè nặng lên khoảng 600.000 người Azerbaijan di cư và chính họ trở thành một cộng đồng bị gạt ra bên lề ở ngay trên chính đất nước của họ.
Irina Safarian, một người Armenia 28 tuổi, đã mất nhà ở Hadrut khi quân Azerbaijan giành quyền kiểm soát thị trấn buồn bã bình luận: "Đây là một cuộc chơi lớn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ có thường dân là người đau khổ trong trò chơi này".
Khoảng 4.000 người Armenia di tản đã trở về các đô thị do Cộng hòa Artsakh tự xưng kiểm soát và được sự bảo vệ của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở Nagorno-Karabakh.