Pháo phản lực tầm xa WM-80 của Armenia
Armenia đã sử dụng pháo phản lực phóng loạt tầm xa duy nhất là WM-80 273mm, được nhập từ Trung Quốc vào thập niên 1990, để tiến công sâu vào mục tiêu sâu trong lãnh thổ Azerbaijan.
Pháo phản lực phóng loạt tầm xa WM-80 do Trung Quốc phát triển, sử dụng đạn 273mm. Đây là loại pháo cấp chiến dịch, chủ yếu được sử dụng để tiêu diệt và chế áp các trận địa pháo binh, cụm xe tăng, xe bọc thép và kho tàng, sân bay, bến cảng, nằm sâu trong tung thâm phòng ngự của đối phương. Toàn bộ hệ thống gồm có xe phóng, xe tiếp đạn, xe trinh sát, xe chỉ huy (cấp tiểu đoàn trở lên)...
Hệ thống phóng tên lửa sử dụng khung gầm xe tải việt dã TA-550 (6×6), cụm ống phóng được lắp đặt trên một mâm xoay ở phía sau xe, bao gồm hai cụm ống phóng (mỗi cụm có 4 ống phóng); trong ống phóng có rãnh xoắn, để tạo cho đạn tốc độ quay ban đầu.
Xe tải việt dã TA-550 có tốc độ di chuyển tối đa 70 km/h, dự trữ hành trình 400 km; tầm bắn tối đa của pháo WM-80 là 120 km, tầm bắn tối thiểu 34 km, xác suất sai số tròn khoảng 50 mét.
Ngoài bắn đạn không điều khiển, hệ thống còn bắn được đạn có điều khiển bằng dẫn đường quán tính kết hợp điều chỉnh sai số bằng hệ thống định vị toàn cầu. Tốc độ bắn của toàn bộ hệ thống là 8 phát/giây, thời gian nạp đạn lại từ 5-8 phút.
Kíp chiến đấu của WM-80 có 3 pháo thủ, trong trường hợp khẩn cấp, một người có thể hoàn thành nhiệm vụ phóng một cách độc lập; nếu cần có thể thực hiện thao tác bắn bằng điều khiển từ xa. Pháo có thể bắn phát một hoặc bắn liên tục hoặc phóng loạt.
Hệ thống WM-80 có mức độ tự động hóa và thông tin hóa nhất định, phương tiện phóng có thể nhận thông tin mục tiêu từ xe chỉ huy và xe trinh sát, đồng thời sử dụng kết quả đo đạc của chính nó, để hoàn thành việc lấy phần tử mục tiêu lên bộ phận ngắm của pháo.
Tuy nhiên do những thiết bị trinh sát, đo đạc của WM-80 đều sử dụng công nghệ cũ, lại không có hệ thống định vị vệ tinh hỗ trợ, nên thời gian triển khai hỏa lực và độ chính xác của toàn hệ thống kém xa so với các hệ thống pháo phản lực thế hệ mới.
Hiện tại, pháo phản lực phóng loạt tầm xa WM-80 vẫn là hỏa lực tầm xa quan trọng nhất của Quân đội Armenia, có nhiệm vụ hỗ trợ và tấn công tầm xa cho Quân đội Armenia.
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt tầm xa của WM-80 của Armenia
Pháo phản lực phóng loạt Polonez
Pháo phản lực phóng loạt Polonez được Azerbaijan nhập từ Belarus. Polonez do Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Belarus và Trung Quốc hợp tác phát triển, dựa trên hệ thống A-200 của Trung Quốc. Xe phóng dùng loại MZKT-7930 8×8 hạng nặng do Belarus tự sản xuất.
Bệ phóng pháo phản lực Polonez, giống như A200 của Trung Quốc, có thiết kế mô-đun và có thể phóng nhiều loại đạn pháo phản lực khác nhau, tùy theo yêu cầu nhiệm vụ. Trong trường hợp bình thường, Polonez sử dụng đạn không điều khiển cỡ 300mm; một hệ thống Polonez có 2 cụm ống phóng, một cụm có 4 ống phóng.
So với hệ thống Tornado do Nga sản xuất, Polonez có số ống phóng bằng 2/3 Tornado (8/12), nhưng bệ phóng Polonez áp dụng thiết kế mô-đun và cụm ống phóng có thể được thay thế toàn bộ, mang lại hiệu quả tấn công cao hơn.
Đạn pháo phản lực không điều khiển Polonez có đường kính 300mm, tầm bắn tối đa 200 km, xa gấp đôi tầm bắn tối đa của pháo Tornado do Nga sản xuất. Một ưu điểm của pháo Polonez có thể bắn đạn có điều khiển bằng bằng quán tính, kết hợp GPS, nên sai số lệch mục tiêu chỉ từ 30 đến 50 mét.
Nếu sử dụng đạn pháo có điều khiển, một hệ thống pháo phản lực Polonez có thể bắn tới 8 mục tiêu có tọa độ khác nhau, nên hiệu quả chiến đấu cao hơn nhiều so với các hệ thống pháo phản lực thông thường, hiệu quả có thể tương đương với tên lửa chiến thuật.
Ngoài bắn hai loạt đạn trên, hệ thống Polonez còn có thể phóng tên lửa chiến thuật M20 do Trung Quốc ủy quyền do Belarus sản xuất; đạn tên lửa M20 có chiều dài 8 m, nặng khoảng 4 tấn, sử dụng đầu đạn nổ nặng 560 kg, tầm bắn thông thường 280 km. Tầm bắn tối đa có thể đạt 400 km và hiệu suất của nó tương đương với tên lửa chiến thuật nổi tiếng Iskander do Nga sản xuất.
Một hệ thống chiến đấu của pháo Polonez bao gồm xe phóng, xe vận chuyển đạn và xe chỉ huy. Hệ thống phóng có thể nhận dữ liệu mục tiêu từ các phương tiện trinh sát khác như máy bay không người lái, radar trinh sát mục tiêu mặt đất và nối với xe chỉ huy thông qua đường liên kết dữ liệu.
Pháo phản lực tầm xa TRG-300
TRG-300 là loại pháo phản lực tầm xa thế hệ mới, được Azerbaijan nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ; đây là hệ thống phóng đạn phản lực bắn đạn 300mm do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển và cải tiến trên cơ sở mẫu pháo phản lực WS-1B nhập từ Trung Quốc.
So với mẫu pháo WS-1B, cải tiến lớn nhất của TRG-300 là sử dụng khung gầm và đạn mới. Khung gầm của xe phóng TRG-300 sử dụng xe tải MAN26.372 6×6 của Đức, trọng lượng khoảng 10 tấn, có cabin được bọc thép hoàn toàn, có thể chống được đạn súng bộ binh và mảnh đạn pháo văng.
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt tầm xa của TRG-300 của Azerbaijan
Tổng trọng lượng chiến đấu (bao gồm cả đạn đã nạp đủ trong 4 ống phóng) khoảng 23 tấn. Bốn bộ cân bằng thủy lực, làm cho bệ phóng rất ổn định khi phóng, dù xe có bị nghiêng.
Hệ thống có thể bắn từng phát hoặc từng loạt (thời gian phóng hết đạn là 6 giây), kíp pháo thủ có thể điều khiển phóng đạn từ ca bin xe, hoặc điều khiển từ xa. Mỗi ống phóng đều có thể kết nối riêng với hệ thống máy tính điều khiển hỏa lực, vì vậy có thể giảm thời gian chuẩn bị chiến đấu và nâng cao mức chính xác.
TRG-300 sử dụng loại đạn phản lực có điều khiển TR-300 có chiều dài 5,25 m, nặng 585 kg, sử dụng động cơ đẩy thuốc phóng rắn tổng hợp cho tầm bắn tối thiểu 30 km, tối đa 120 km, sai số mục tiêu dưới 50 mét.
Hệ thống sử dụng tín hiệu vệ tinh GPS để hiệu chỉnh đường bay của đạn đạn thông qua 4 cánh ở phía trước. Điểm khác biệt duy nhất giữa bệ phóng tên lửa TRG-300 của Azerbaijan mua và phiên bản gốc là sử dụng khung gầm xe KAMAZ 8×8.
Hiện tại, dù là loại pháo phản lực tầm xa WM-80 với hiệu suất tương đối lạc hậu hay thế hệ pháo tầm xa mới Poronaz hay TRG-300, thì những loại pháo phản lực phóng loạt tầm xa có nguồn gốc từ Trung Quốc đều chiếm một vị trí nhất định trong trang bị của Armenia và Azerbaijan.
Nhìn chung, pháo WM-80 của Armenia vẫn ở trình độ của thế kỷ trước, trong khi Azerbaijan đang tích cực mua các loại pháo phản lực tầm xa mới từ các quốc gia khác nhau, nên pháo phản lực tầm xa của Azerbaijan vượt xa Armenia về khả năng tự động hóa, thông tin hóa và cự ly tấn công.
Về cơ bản, nếu dùng đạn có điều khiển, các loại pháo phản lực tầm xa của Azerbaijan tương đương với các bệ phóng tên lửa chiến thuật hiện nay; ngoài ra còn có thể phóng tên lửa chiến thuật, nên cho phép Quân đội Azerbaijan có thể tấn công chính xác các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Armenia.
Azerbaijan phá hủy pháo phản lực Grad của Armenia