Stephen Yao là một cư dân sống ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Mỗi năm, ông phải đi nước ngoài hơn 20 lần để mua bất động sản cho các khách hàng giàu có. Địa điểm mà giới thượng lưu Trung Quốc lựa chọn thường là những điểm du lịch nổi tiếng như Kyoto (Nhật Bản), Bangkok và Pattaya (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia),…
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến công việc kinh doanh của Yao đột ngột chững lại. Lần cuối ông đi du lịch nước ngoài là vào tháng 3/2020, do biên giới đóng cửa. Nhân viên môi giới 46 tuổi và các khách hàng trung niên của mình đành phải bỏ mặc các bất động sản ở nước ngoài, hoặc cho thuê với giá rẻ mạt.
Kể cả khi Trung Quốc duy trì nghiêm ngặt các hạn chế đi lại, Yao vẫn hướng về một cuộc sống trong mơ: du lịch tự do, đầu tư toàn cầu và nghỉ hưu ở nước ngoài. Đây là khát khao phổ biến của tầng lớp trung lưu Trung Quốc sinh ra trong thập niên 70.
"Thế hệ 6X-7X vẫn hy vọng rằng cuộc sống sẽ trở lại như thời kỳ trước đại dịch, được đi du lịch và đầu tư khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, thế hệ trẻ không còn mặn mà với điều này", Yao cho biết.
Cùng lúc đó, tầng lớp giàu có trẻ tuổi ở Trung Quốc muốn tập trung đầu tư vào tài sản ngay tại quê nhà.
Già thích mua nhà cho an toàn, trẻ đam mê đầu tư cho bản thân
Jay Li – một thanh niên U30 đang kinh doanh thương mại điện tử - đã bỏ ra 3 triệu NDT (10,8 tỷ VNĐ) chỉ để trang trí căn hộ 90m2 của mình ở Quảng Châu.
"Những căn hộ cao cấp có thiết kế đẹp hoặc BST nghệ thuật hiện đại thú vị và xứng đáng để bỏ tiền ra tích lũy hơn", anh nhận định.
"Mua một căn hộ rộng 30m2 ở các nước Đông Nam Á với giá khoảng 500.000-800.000 NDT (1,8-2,8 tỷ VNĐ) không phải là một ý tưởng hấp dẫn với tôi".
Theo Yao, thế hệ Millenials và Gen Z ở Trung Quốc đang kiếm tiền bằng cách đầu tư vào các lĩnh vực thương mại điện tử, trò chơi và giải trí trực tuyến trong nước. Ngoài ra, thái độ tiêu dùng của giới nhà giàu cũng có sự khác nhau qua từng thế hệ.
Thế hệ Millenials vẫn thích đi du lịch nước ngoài nếu các hạn chế đi lại được dỡ bỏ. Tuy nhiên, họ không còn ham muốn mua bất động sản hay sống ở nước ngoài.
"Thế hệ 7X-8X đã hưởng lợi từ toàn cầu hóa. Điều này thúc đẩy họ đa dạng hóa các khoản đầu tư nhằm đảm bảo an toàn tài chính của mình", Yao nói.
"Thế nhưng, thế hệ trẻ giàu có ngày nay không còn suy nghĩ này nữa. Họ muốn tập trung hơn vào tiêu dùng và đầu tư trong nước, tin rằng khối tài sản của mình sẽ an toàn và dễ kiểm soát hơn ở quê hương".
Quan điểm mà Yao đưa ra từng được đề cập trong Sách trắng về Tầng lớp Trung lưu mới" do Wu Xiaobo Channel – một trong những công ty truyền thông độc lập hàng đầu Trung Quốc – công bố.
Báo cáo kết luận rằng tầng lớp trung lưu trên 40 tuổi ở Trung Quốc chủ yếu phân bổ tài sản trên khắp thế giới. Họ quan tâm đến vấn đề nhập cư, chăm sóc y tế, nghỉ hưu và bảo toàn của cải.
Trong khi đó, tầng lớp trung lưu trong độ tuổi 20-30 ở quốc gia này lại tập trung hơn vào các vấn đề như giáo dục, cơ hội nghề nghiệp, thăng tiến của cải và muốn đầu tư tài sản ở trong nước.
Theo cuốn Sách trắng này, thu nhập trung bình hàng năm của một hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu giàu có là 600.000 NDT (2,1 tỷ VNĐ). Tài sản ròng trung bình của một hộ gia đình là 4,96 triệu NDT (16,8 tỷ VNĐ). Trong đó, các khối bất động sản chiếm trung bình 56% tổng số của cải.
Hơn 60% dân số thuộc tầng lớp trung lưu giàu có ở Trung Quốc hoạt động chủ yếu trong 4 lĩnh vực: internet, sản xuất, tài chính và bất động sản. Khoảng 29% không đủ tiền để đặt cọc mua nhà; hoặc nếu đủ tiền, họ cũng phải gánh khoản nợ trung bình lên tới 1,47 triệu NDT (5,2 tỷ VNĐ).
Trong đó, 19% làm thêm nghề tay trái và 41% dự định sẽ kinh doanh riêng hoặc làm freelance trong tương lai.
Các thương hiệu nội địa Trung Quốc kiếm bộn tiền nhờ Gen Z
Belle Liang - người điều hành Hainan Wakesurf Paradise tại tỉnh Hải Nam – cho biết, việc thế hệ trẻ giàu có Trung Quốc tập trung vào tiêu dùng nội địa đã giúp tình hình kinh doanh khởi sắc hơn.
"Hơn 50 CLB lướt sóng mới được thành lập ở khu vực Tam Á và Vạn Ninh kể từ tháng 7/2021", cô nói.
"Họ bị thu hút bởi sự gia tăng của làn sóng tiêu dùng nội địa mới, nên sẵn sàng bỏ tiền để đi học lướt sóng hay trượt tuyệt – những thú vui được nhiều ngôi sao giải trí và KOL lăng xê trên truyền hình và MXH trong vài năm qua".
"Trong quá khứ, thế hệ 8X thích khoe khoang về những quốc gia mà họ từng đi. Ngày nay, Gen Z chỉ quan tâm tới các CLB lướt sóng hay những khu trượt tuyết mà mình từng lui tới".
Liang tiết lộ, du khách sẽ phải trả khoảng 10.000-30.000 NDT (36-108 triệu VNĐ) cho mỗi chuyến đi này.
Theo Báo cáo Thái độ Tiêu dùng Gen Z năm 2020 của CBNData, Trung Quốc có khoảng 260 triệu người đang thuộc Gen Z. Tổng mức chi tiêu của đối tượng này là 4.000 tỷ NDT (14,4 triệu tỷ VNĐ), chiếm 13% tổng chi tiêu của các hộ gia đình toàn quốc.
Không chỉ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho thị trường trong nước, thế hệ trẻ giàu có tại Trung Quốc cũng ưa thích các thương hiệu địa phương hơn những thế hệ đi trước.
Li Binyue là Giám đốc một nền tảng mua sắm trực tuyến có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông. Cô cho biết, số thành viên đã tăng hơn 3 triệu người so với đợt dịch Covid-19 đầu tiên cách đây 2 năm. Phần lớn đều là phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu đang sinh sống tại các đô thị loại 1 và loại 2 ở Trung Quốc.
"Ngày trước, mọi người vẫn ưa chuộng đồ nước ngoài hơn. Giờ đây, khoảng cách về sở thích của người dùng đối với các thương hiệu trong và ngoài nước ngày càng thu hẹp", cô nhận xét.
"Càng trẻ, người tiêu dùng càng đam mê các thương hiệu nội địa thời thượng. Trong khi đó, những người thuộc U30-40 như tôi từng phải bay sang Hong Kong hay Nhật Bản để mua hầu hết các nhu yếu phẩm hàng ngày như phấn rơm, bàn chải, dầu gội, vitamin,…"
"Giờ đây, tôi chuyển sang dùng các sản phẩm tầm trung và cao cấp trong nước. Chất lượng không hề tệ chút nào".
(Theo SCMP)