Theo nhà phân tích Alex Hollings trên trang tin Sandboxx, trong những ngày tàn của Thế chiến II, ngành hàng không quân sự thế giới trải qua một bước ngoặt. Tương lai của chiến tranh trên bầu trời thay đổi đến mức trong tâm trí nhiều người, dường như bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.
Vào đầu Thế chiến II, một số đơn vị của Không quân Hoàng gia Anh vẫn đang vận hành máy bay 2 tầng cánh, nhưng tới cuối Thế chiến, các máy bay chiến đấu phản lực đã gào thét trên bầu trời, xông pha các trận không chiến lớn vì tương lai của châu Âu.
Khi công nghệ tiên tiến, máy bay được trang bị các loại pháo mạnh mẽ hơn, nhưng nhìn chung, không chiến vẫn chỉ là những cuộc bắn giết tầm gần, rất khác với các cuộc giao tranh bằng tên lửa tầm xa ngày nay.
‘Hết sức điên rồ’
Tuy nhiên, niềm tin mãnh liệt rằng chiến tranh đường không đang biến đổi đã thúc đẩy chính phủ một số nước theo đuổi những ý tưởng không chiến độc đáo, thậm chí có vẻ ‘hết sức điên rồ’. Một trong những chương trình như vậy là Northrop XP-79, hay thường được gọi là ‘Flying Ram’.
XP-79 là thiết kế do chính John K. (Jack) Northrop lên ý tưởng và là một trong số các nền tảng do Northrop phát triển để tận dụng thiết kế cánh bay. Đây là mẫu thiết kế cánh mà Northrop Grumman đang tiếp tục cải tiến và nâng cấp cho tới ngày nay, đáng chú ý nhất là mẫu B-2 Spirit đang phục vụ trong Không quân Mỹ, và sắp tới là B-21 Raider.
XP-79 có kích cỡ nhỏ hơn nhiều so với 2 mẫu máy bay B-2 và B-21, thân máy bay chỉ được chế tạo đủ lớn để một phi công có thể nằm sấp, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng đầu tiên của mẫu máy bay này so với thiết kế cánh bay phổ biến như chúng ta biết ngày nay.
Northrop và nhóm của ông tin rằng các phi công sẽ có thể chịu được lực G lớn hơn nếu họ ở tư thế nằm, và do XP-79 được thiết kế để sử dụng động cơ phản lực nên sự thay đổi này có vẻ khôn ngoan. Northrop từng sử dụng cách bố trí buồng lái như vậy trên một mẫu máy bay thử nghiệm khác cách đó vài năm, gọi là MX-334.
Phi công điều khiển máy bay trong tư thế nằm sấp, cho phép phi công chịu được lực G lớn hơn. Nguồn: Sandboxx
Ban đầu Northrop lên phương án thiết kế để sử dụng động cơ tên lửa ‘roto jet’ nhưng các vấn đề về phát sinh đã thúc đẩy họ chuyển sang sử dụng động cơ phản lực kép Westinghouse 19B (J30) để thay thế. Sau khi chuyển sang các động cơ phản lực mới, tên gọi của máy bay chuyển sang thành XP-79B.
Điều bất thường
Điều bất thường nhất về XP-79 không phải là mẫu động cơ độc đáo của nó, cũng không phải là tư thế của phi công, mà nằm ở cách nó được lập trình để giao tranh với máy bay của đối phương. Kết cấu liền khối bằng magie hạng nặng khiến chiếc máy bay trở nên đặc biệt mạnh mẽ. Northrop không có ý định để XP-79 bắn hạ máy bay ném bom của đối phương, ông muốn nó đâm trực diện vào chúng.
Thay vì dựa vào pháo hạng nặng và các loại đạn hạng nặng, XP-79 sẽ va chạm với các máy bay khác, sử dụng đôi cánh mạnh mẽ của nó để xé toạc cánh hoặc thân của những chiếc máy bay ném bom đối phương đang tiếp cận.
Ban đầu, XP-79 được lên kế hoạch sử dụng một động cơ tên lửa "rotojet" XCALR-2000A-1 có lực đẩy 9 kN do hãng Aerojet cung cấp. Nguồn: Wiki
Kế hoạch cho XP-79 khá đơn giản: Nó được thiết kế để hoạt động như một mẫu máy bay đánh chặn có thể giao tranh một cách nhanh chóng và hiệu quả với một đội máy bay ném bom đối phương đang tiếp cận. Phi công sẽ dựa vào động cơ phản lực trên máy bay để thực hiện một chuỗi cơ động tốc độ cao xuyên qua đội hình máy bay ném bom, hạ gục các máy bay này bằng cách đâm và ‘xé nát’ chúng.
XP-79 không được trang bị vũ khí tấn công nào khác (mặc dù từng có kế hoạch lắp đặt đại bác). Thay vào đó, nó sẽ sử dụng các cạnh được gia cố đặc biệt ở mỗi bên cánh để ‘cắt’ xuyên khung máy bay đối phương. Buồng lái bằng kính bọc thép được đặt giữa hai cửa hút phản lực cỡ lớn nhằm bảo vệ phi công trong những vụ va chạm tốc độ cao trên không trung.
Chiếc máy bay này có tốc độ tối đa 880km/h, trần bay 12.200m nhưng than ôi, nó ‘quá kỳ lạ để tồn tại’.
Bên trong buồng lái của XP-79. Nguồn: History.net
Chuyến bay đầu tiên và cuối cùng
Chiếc XP-79B chạy bằng động cơ phản lực chỉ bay lên bầu trời một lần duy nhất, với phi công thử nghiệm Harry Crosby nằm trong khoang buồng lái dị thường. Tuy nhiên, trong khi thực hiện một vòng quay chậm, máy bay bị mất điều khiển không rõ lý do. Phần mũi rơi xuống và máy bay tiếp tục bị quay theo chiều dọc.
Phi công thử nghiệm Harry Crosby cố gắng cứu máy bay nhưng đã thiệt mạng khi máy bay đâm xuống đất. Ngay sau đó đề án bị hủy bỏ.
Sau cái chết của Hitler và các cuộc tấn công bằng bom nguyên tử vào Nhật Bản, nhu cầu về một mẫu máy bay đánh chặn chạy bằng động cơ phản lực có thể cắt xuyên máy bay ném bom của đối phương đã không còn là nhu cầu cấp bách. Cho tới hiện nay, và cả trong tương lai nữa, khó có thể có mẫu máy bay ném bom nào tương tự như XP-79 cất cánh trở lại.