Đối với các tín đồ điện ảnh thì cái tên Avatar 2 sắp ra rạp là một trong những tin vui đang được đón chờ nhất dịp cuối năm. Avatar 1 siêu bom tấn từng làm mưa làm gió vào năm 2009 của đạo diễn James Cameron khi vượt qua cả kỷ lục phòng vé mà bộ phim kinh điển Titanic nắm giữ suốt 12 năm.
Cụ thể bộ phim này đã phá vỡ kỷ lục phòng vé suốt thời gian trình chiếu và trở thành phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại ở Mỹ, Canada và nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới, Avatar cũng đã được đề cử 9 giải Oscar ở nhiều hạng mục khác nhau.
Thành công của bộ phim thì đạo diễn Cameron đã ký hợp đồng với hãng 20th Century Fox để sản xuất các phần tiếp theo, dự kiến sẽ có 4 phần lần lượt là Avatar 2, 3, 4 và 5 và sẽ được công chiếu lần lượt vào Giáng sinh năm 2022, 2024, 2026 và 2028.
Trailer Avatar 2 đã xuất hiện vào ngày 9/5 trên Youtube.
Hơn 1 thập kỷ trôi qua, tưởng chừng sức nóng của bộ phim đã ít nhiều hạ nhiệt thì mới đây thông tin siêu bom tấn Avatar 1 trở lại các rạp trên khắp thế giới từ ngày 23/9 với phiên bản nâng cấp về mặt hình ảnh, âm thanh đã tạo nên một cơn sốt mới - dù với nhiều người đến rạp chỉ là để "xem lại".
Bởi lẽ, đây là một phiên bản nâng cấp, hoàn thiện hơn cả về hình ảnh lẫn âm thanh với hình ảnh được tinh chỉnh ở chất lượng 4K sắc sảo, điều mà 13 năm trước công nghệ chưa thể đạt được. Có 4 phiên bản ứng với các công nghệ đỉnh cao hiện đại nhất là 3D, IMAX, 4DX và Stadium.
Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn độc giả hiểu rõ hơn về các công nghệ này, sự khác biệt giữa chúng và so với phiên bản cũ, hãy cùng tìm hiểu trước khi hồi hộp đón chờ phần 2 của Avatar vào Giáng sinh năm nay nhé!
1. Công nghệ IMAX
Theo nội dung một bài viết trên website của FPTshop, IMAX (viết tắt của cụm từ Image MAXimum) hiện là công nghệ chiếu phim chất lượng bậc nhất hiện nay với chuẩn sản xuất và trình chiếu phim do công ty IMAX – Canada phát minh.
Nếu như một bộ phim thông thường sẽ được quay ở định dạng phim 35-mm và hình ảnh với độ phân giải 6K (chiều ngang), thì công nghệ IMAX lại sử dụng định dạng phim lên tới 70-mm với độ phân giải tới 18K (cao nhất hiện nay).
Phim 6K có chuẩn khung hình là 6.144x3.160 pixels, độ phân giải cho chuẩn hình ảnh này là 19Mpx. Trong khi đó, độ phân giải 18K sẽ có chuẩn khung hình là 18.688 x 14.000 pixels, độ phân giải là 260Mpx. Như vậy, có thể thấy độ phân giải của một bộ phim ở chất lượng 18K sẽ cao gấp hơn 10 lần so với một bộ phim chiếu ở chất lượng 6K.
Hình ảnh được nâng cấp (bên phải) sống động và chân thực hơn hình ảnh gốc năm 2009 (bên trái). Ảnh: Youtube
Để nâng cấp chất lượng trình chiếu (lại) của Avatar phần 1 (đã quay và chiếu từ năm 2009), thì các rạp sẽ sử dụng máy chiếu IMAX thay vì máy chiếu thông thường. Máy chiếu này sẽ mở rộng để phủ kín toàn bộ màn hình, điều này cho phép người xem có thể nhìn thấy nhiều hình ảnh hơn bình thường khoảng 40% với độ nét.
Ngoài ra, tốc độ quay các khung hình của máy chiếu cũng tăng lên từ 24 khung hình/giây (truyền thống) lên 48 hình/giây nhằm tăng sự mượt mà cho hình ảnh, từ đó tăng hiệu quả thị giác cho người xem.
Như vậy, một bộ phim được chiếu lại bởi công nghệ IMAX như Avatar sẽ có hình ảnh sắc nét với hình ảnh mượt mà hơn hẳn phiên bản phim trình chiếu năm 2009 và điều đó chắc hẳn sẽ làm hài lòng những người xem khó tính nhất.
2. Công nghệ 3D
Khi lần đầu ra mắt năm 2009, công nghệ 3D của Avatar 1 đóng vai trò như "người tiên phong" dẫn dắt lối chơi, tạo ra xu hướng trải nghiệm phim 3D trên toàn thế giới.
Thật ra, đạo diễn Cameron đã từng ấp ủ ý tưởng sử dụng công nghệ 3D từ hơn một thập kỷ trước đó. Điều đó dẫn tới sự ra đời của hệ thống camera hợp nhất 3D lập thể nặng tới 250 kg. Đây là chiếc camera tinh vi nhất lúc bấy giờ với kích thước to bằng một chiếc tủ lạnh, hệ thống máy quay 3D đóng vai trò như một chiếc 'kim khâu' những cảnh diễn xuất thật và những cảnh kỹ xảo được tạo bởi máy tính lại với nhau.
Máy quay 3D đóng vai trò như 'chiếc kim khâu' giúp những cảnh quay thực và ảo trở nên mượt mà hơn. Ảnh: Vnreview
Thế nhưng công nghệ 3D của Avatar 1 trong các suất chiếu đang diễn ra được nâng lên một tầm cao mới. Theo báo Anninhthudo, đạo diễn James Cameron đã giải thích với nhật báo The New York Times rằng định dạng 3D sẽ được chiếu ở tốc độ khung hình cao 4K HDR (tốc độ 48 hình/giây) để tạo nên sự mượt mà cho từng cảnh phim.
Cũng cần giải thích thêm rằng, số hình trên giây chính là số hình ảnh chuyển động liên tiếp được ghi lại và phát ra trên đơn vị giây, nói ngắn gọn là tốc độ khung hình (fps - frames per second).
Như vậy 24 hình/giây chính là 24 hình ảnh chuyển động liên tiếp được ghi lại và phát ra trên một giây, đây cũng là con số tối thiểu để đảm bảo hình ảnh chuyển động như thật. Còn 48 hình/giây chính là 48 hình ảnh liên tiếp được ghi lại và phát ra mỗi giây.
Mặc dù các hình ảnh này đều tĩnh nhưng khi được sắp xếp và chuyển động liên tục trong thời gian ngắn thì hình ảnh sẽ bắt đầu 'chuyển động' (do mắt người rất nhạy cảm với các chuyển động) và làm chúng ta có cảm giác các hình ảnh đang chuyển động như thật.
Để dễ hình dung hơn, bạn có thể liên tưởng đến cách làm phim hoạt hình đơn giản và thủ công nhất là Flipbook, trong đó các hình ảnh tĩnh sẽ được vẽ ra trên giấy, các hành động được vẽ nối tiếp nhau và khi lật Flipbook bằng tay càng nhanh thì hình ảnh chuyển động càng giống thật.
Nếu mỗi giây bạn lật được 24 tờ giấy (tương ứng với 24 khung hình) thì hình ảnh sẽ được mắt ghi lại như một chuyển động thật (do hiện tượng lưu ảnh của mắt khiến các hình ảnh nối tiếp nhau như ngoài đời thực).
Và tất nhiên nếu bạn nhanh tay hơn khi lật được 48 tờ giấy mỗi giây thì hình ảnh sẽ chuyển động càng mượt mà và chân thực.
Xem video:
Như vậy công nghệ 3D cũng khá giống IMAX khi tăng sự mượt mà và chân thực cho bộ phim nhưng ngoài ra còn có vai trò quan trọng hơn là gắn kết các cảnh quay thực và những cảnh quay ảo được tạo bởi máy tính lại với nhau.
3. Công nghệ 4DX
Bên cạnh trải nghiệm về thị giác với những công nghệ đồ họa đỉnh cao thì các trải nghiệm khác sẽ được hoàn thiện bởi công nghệ 4DX - là định dạng phim 4D phát triển bởi CJ 4DPlex, một công ty con của chuỗi rạp chiếu phim CJ CGV.
Theo bài viết trên trang web của chính CGV, công nghệ này cho phép tăng cường các hiệu ứng chuyển động thực tế bên ngoài cho bộ phim 3D (thậm chí cả 2D truyền thống), khán giả sẽ có được những cảm xúc như thật với hệ thống rung lắc và hiệu ứng môi trường như không khí và nước, mùi hương...
Công nghệ 4DX sẽ mang lại cho khán giả trải nghiệm hoàn hảo nhất về cảm xúc. Ảnh: CGV
Điều này sẽ giúp người xem như đang có mặt tại từng khung hình để trải nghiệm cảm giác của chính các nhân vật trong phim. Để tạo được hiệu ứng cảm xúc như nhập vai này thì công nghệ 4DX sẽ mang đến cho khán giả hai loại hiệu ứng:
Hiệu ứng ghế chuyển động đa chiều (Ghế 4D - bao gồm 3 kiểu chuyển động cơ bản: Xoay, rung lắc và nâng) và hiệu ứng môi trường tương tác xung quanh (hơn 20 hiệu ứng khác nhau tác động đến xúc giác, thính giác, khứu giác...).
Ghế 4D với 7 hiệu ứng tác động đến tất cả giác quan của người xem. Ảnh: Celluloid Junkie
Cụ thể sẽ có các hiệu ứng như rung lắc (do ghế 4D mang lại), phun nước, thổi gió (cũng được cài đặt trên ghế), mùi hương, ánh sáng (như hiệu ứng tia chớp được lắp đặt ngay bên trên trần khán phòng), hiệu ứng bong bóng hay hiệu ứng sương mù để tạo cảm giác kì ảo về không gian.
Như vậy nếu công nghệ 3D và IMAX tập trung vào trải nghiệm thị giác thì công nghệ 4DX sẽ là mảnh ghép hoàn thiện cho sự trải nghiệm hoàn hảo nhất với tất cả các giác quan của người xem.
4. Công nghệ Starium
Rạp chiếu phim công nghệ Starium sẽ là lựa chọn hoàn hảo để thưởng thức siêu bom tấn Avatar. Ảnh: CGV
Đây là công nghệ do chính CGV (Hàn Quốc) sáng tạo ra để những trải nghiệm của khán giả vượt xa cả giới hạn chân thực. Những khiếm khuyết của các bộ phim 3D như ánh sáng bị tối, nhòe đều sẽ được khắc phục với công nghệ chiếu Starium laser.
Không những thế, việc đeo kính 3D để trải nghiệm bộ phim còn khiến một nửa ánh sáng bị lọc đi làm cho chất lượng hình ảnh bị giảm đi đáng kể, chính vì thế những công nghệ máy chiếu tân tiến nhất hiện nay sẽ giúp loại bỏ nhược điểm này.
Cụ thể hệ thống máy chiếu laser RGB CHRISTIE thế hệ mới nhất như Công nghệ laser RGB sẽ giúp cung cấp độ sáng, độ tương phản, độ phân giải và mật độ điểm ảnh cực cao, từ đó làm cho hình ảnh trở nên sống động và sắc sảo, chân thực nhất có thể (theo trang chủ của CGV).
Những mảng tối, nhòe đã trở nên chân thực hơn ở phiên bản nâng cấp. Ảnh: Youtube
Màn hình uốn cong cao cấp và có kích thước khổng lồ giúp bao phủ toàn bộ khu vực tiếp nhận hình ảnh từ máy chiếu sẽ cùng phối hợp nhịp nhàng với sơ đồ ghế ngồi để mang lại góc nhìn tối ưu nhất cho tất cả vị trí trong phòng chiếu.
Ngoài ra, trải nghiệm thính giác cũng là điều không thể thiếu được bên cạnh các trải nghiệm trên, phần âm thanh của bộ phim chiếu lại lần này đã được phối lại với hiệu ứng 9.1 để tăng chất lượng trải nghiệm thính giác cho người xem.
Bên cạnh đó, hệ thống âm thanh Dolby Atmos dạng vòm sống động còn giúp người xem nghe được nhiều tầng âm thanh và từ nhiều phía khác nhau như thể đang có mặt tại chính bối cảnh của bộ phim.
Có thể nói Starium là mảnh ghép cuối cùng giúp xóa đi những khuyết điểm của một bộ phim 3D và mang tất cả các công nghệ nêu trên trở nên hoàn hảo nhất.
Hãy cùng đón chờ siêu bom tấn Avatar 2 sắp ra mắt vào tháng 12 này mang tên: 'Avatar: The Way of Water' để có thể trải nghiệm những công nghệ làm phim tân tiến nhất hiện nay mà theo đạo diễn Cameron: 'Tôi cam đoan khán giả sẽ không biết câu chuyện lần này rẽ theo hướng nào'.