Truyền thông quốc tế dẫn phát biểu trong buổi họp báo tại Geneva của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ WHO chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 hiện nay là "đại dịch toàn cầu".
Tại cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus nêu rõ: "Việc coi sự bùng phát hiện nay của bệnh COVID-19 là đại dịch không làm thay đổi đánh giá của WHO đối với mối đe dọa của virus SARS-CoV-2, không làm thay đổi những gì WHO đang làm và điều các quốc gia nên phải hành động".
Theo định nghĩa của WHO, một căn bệnh chỉ được gọi là đại dịch khi nó là chủng mới và lây lan rộng khắp ra thế giới. Tuy nhiên, hiện chưa có một nghiên cứu hay tiêu chuẩn chính xác nào về khoa học để xác định một căn bệnh có phải đại dịch hay chưa. WHO cũng không cung cấp một tiêu chuẩn về số lượng người chết hay định nghĩa cụ thể nào để công nhận một căn bệnh là đại dịch.
Dẫu vậy theo nhiều chuyên gia, việc WHO công nhận một căn bệnh là đại dịch dựa chủ yếu trên mức độ lây lan hơn là sự nguy hiểm của căn bệnh.
Vào ngày 30/1/2020, WHO đã công nhận Covid-19 là mối nguy hiểm cho sức khỏe toàn cầu nhưng không nói đến đại dịch vì lo ngại sẽ tạo sự lo lắng trong dư luận. Từ đó cho đến nay, WHO đã nhiều lần cảnh báo các quốc gia nên sẵn sàng cho một đại dịch dù chưa công nhận chính thức.
"Việc sử dụng từ đại dịch hiện tại không phù hợp tình hình mà có thể chỉ khiến mọi người sợ hãi", Giám đốc Tedros Adhanom của WHO nói vào cuối tháng 2/2020.
Trong khoảng thời gian đó, nhiều quốc gia như Mỹ đã lên kế hoạch sẵn sàng đối phó Covid-19 như một đại dịch.
Lần cuối cùng WHO công nhận đại dịch là vào năm 2009 cho dịch H1N1 khi chúng lây cho gần ¼ tổng dân số toàn cầu. Vào thời điểm đó, quyết định công nhận đại dịch H1N1 của WHO đã bị chỉ trích là tạo sự lo lắng không cần thiết trong xã hội.
Trước đó dịch Sars năm 2003 đã lan ra 26 quốc gia nhưng không hề được công nhận là đại dịch. Dịch Mers năm 2012 tương tự cũng không được WHO thừa nhận là đại dịch.