Khi nhìn vào nền thể thao điện tử (Esports) tại Việt Nam, ta có thể thấy ngành này phát triển muộn hơn so với nước ngoài. Bằng chứng là những thuật ngữ ở trời Tây như gamer, streamer đã dần trở nên quen thuộc tại thập kỉ 2000 - 2010 thì tại Việt Nam lại hết sức lạ lẫm và mơ hồ. Thậm chí, nhiều người còn chưa bao giờ nghe tới những khái niệm trên.
Khái niệm streamer tại Việt Nam vào thời điểm thập kỉ 2000 - 2010 vẫn còn rất mơ hồ
Để lý giải cho nguyên do này, có lẽ là bởi tại thời điểm đó, Việt Nam ta vẫn chưa có một cái nhìn thoáng hơn về game online hay những thứ liên quan tới chúng. Nhiều người chỉ coi trò chơi điện tử là công cụ để giải trí đơn thuần, không thể nào mà "kiếm ra tiền" hay thành công chỉ bằng cách cắm mặt vào máy tính được.
Thêm vào đó, công nghệ thông tin chưa phát triển mạnh mẽ như hiện tại cũng là một lý do. Hạn chế này cũng là rào cản khi tiếp xúc với những điều mới mẻ ở ngoài "biển lớn".
Dù cập bến muộn nhưng "có còn hơn không", khái niệm streamer hay game thủ cuối cùng cũng được biết đến tại Việt Nam vào khoảng đầu những năm 2010. Tuy lúc ấy, chỉ có số ít người dám dấn thân vào con đường này, nhưng nhờ vào sự thành công của những streamer, game thủ thế hệ đầu như Chim Sẻ Đi Nắng, ViruSs, PewPew... mà nghề nghiệp trên dần được nhiều người biết tới.
Sự thành công của những Chim Sẻ Đi Nắng, PewPew hay ViruSs đã truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo
Sự thành công của những người đi trước đã truyền cảm hứng lại cho những thế hệ tiếp theo. Dần dần, streamer/ game thủ đã trở thành một nghề được công nhận tại Việt Nam. Họ được trả lương, nhận được những đãi ngộ không khác gì so với những ngành nghề lao động khác.
Thêm vào đó, cộng đồng game thủ/ streamer đang càng ngày có sức ảnh hưởng to lớn đến giới trẻ Việt Nam trong thời điểm hiện nay. Họ đã có rất nhiều đóng góp tốt cho xã hội. Ví dụ như cộng đồng game thủ đã kêu gọi ủng hộ cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Hay khi Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc kêu gọi đóng góp chống đại dịch thì các streamer cùng fan của họ cũng đã đáp lại, đồng lòng chung tay góp sức.
Cũng chính nhờ vào sức ảnh hưởng như vậy, kèm với thời điểm bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, lại càng có nhiều bạn trẻ tham gia vào con đường streamer/ game thủ. Điều này hứa hẹn cho sự bùng nổ lớn của lĩnh vực này tại Việt Nam.
Mặc dù nhiều streamer/ game thủ là thế, tuy nhiên tại Việt Nam trong thời gian dài vẫn chưa có một sân khấu giải thưởng đúng nghĩa dành cho họ. Nhìn xa ra thế giới, những giải như The Game Awards, Esports Awards đều mang tinh thần tôn vinh những streamer/ game thủ có đóng góp to lớn trong suốt 1 năm. Với môi trường làm việc năng động như Việt Nam, việc xuất hiện những giải này là điều rất cần thiết.
Nắm bắt được tinh thần trên, BTC WeChoice Awards 2020 đã có thêm hạng mục mới là Game thủ/ Streamer của năm. Hạng mục này để dành cho các game thủ, tuyển thủ thi đấu và cống hiến xuất sắc tại đấu trường Esports trong lẫn ngoài nước. Ngoài ra, đây cũng là nơi vinh danh những streamer có lượt xem và sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng mạng không chỉ Việt Nam mà còn ở tầm cỡ thế giới.
Có thể nói, sự kiện WeChoice Awards 2020 cũng là một trong số ít tiên phong vinh danh những game thủ/ streamer kể trên. Tuy vậy, nhìn lại lịch sử WeChoice Awards cũng đã có nhiều gương mặt Esports được công nhận.
Cụ thể, vào năm 2017 Esports Việt Nam cũng được sự kiện này tôn vinh tại hạng mục Nhân Vật Truyền Cảm Hứng. Đội tuyển LMHT Young Generation cùng hành trình kỳ diệu tại giải đấu CKTG 2017 đã lọt vào top 10 ở hạng mục trên. Vào năm 2019, nhờ thành tích khủng mà Team Flash đã lọt vào top đề cử Nhân Vật Truyền Cảm Hứng.
Đội tuyển LMHT Young Generation lọt vào top 10 Nhân Vật Truyền Cảm Hứng tại WeChoice Awards 2017
Team Flash cũng lọt top đề cử ở hạng mục Nhân Vật Truyền Cảm Hứng tại WeChoice Awards 2019
Theo đó, vào tối 22/1, tại trung tâm Triển lãm & Hội nghị Sài Gòn - SECC, đêm Gala WeChoice Awards 2020 với thông điệp Diệu kỳ Việt Nam đã chính thức được diễn ra. Người chiến thắng tại hạng mục Game thủ/ Streamer của năm là Nam Blue - nam streamer PUBG Mobile nổi tiếng được nhiều người mến mộ.
Chưa hết, niềm tự hào của Esports Việt Nam - SofM cũng là nhân vật truyền cảm hứng được vinh danh tại đây.
Nam Blue vinh dự được xướng tên tại hạng mục Game thủ/ Streamer của năm tại WeChoice Awards 2020
Mẹ của SofM nhận giải thay vì game thủ này đang thi đấu ở Trung Quốc
Đây mới chỉ là bước đầu để tôn vinh những đóng góp không ngừng nghỉ của những streamer, game thủ nước nhà. Rất có thể vào thời gian sắp tới, WeChoice Awards sẽ tiếp tục giữ lại hạng mục này, thậm chí còn mở rộng thêm.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, đây có lẽ là sự kiện hiếm hoi mà những người làm về lĩnh vực livestream được xướng tên vì cống hiến của mình cho nền Esports Việt Nam.
WeChoice Awards - Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Diệu Kỳ Việt Nam.
Sự diệu kỳ của Việt Nam trong năm 2020 không chỉ đến từ những con số về nền kinh tế tăng trưởng, sự rộng lớn hay quyền lực. Sự diệu kỳ ấy đến từ mỗi con người của một đất nước nhỏ bé, từ những người đứng đầu cho đến những người dân lao động bình thường, từ những y bác sĩ cho đến những người công an, từ những người cha, người mẹ, người con.
Đêm Gala vinh danh & trao giải WeChoice Awards 2020 sẽ diễn ra vào ngày 22/01/2021, phát sóng trực tiếp trên Kenh14.vn, ứng dụng Lotus và đa nền tảng khác.
Tất cả các thông tin về WeChoice Awards 2020 xem tại wechoice.vn