Lượng nhập khẩu lúa mì từ Mỹ tăng đột biến
Số liệu thống kê sơ bộ do Tổng cục Hải quan công bố vào tháng 9 cho thấy, Mỹ là thị trường lớn thứ 3 cung cấp lúa mì cho Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay với sản lượng tăng kỷ lục.
Tính riêng trong tháng 8, lượng nhập khẩu lúa mì từ Mỹ vào Việt Nam đạt 87.046 tấn với kim ngạch hơn 31,7 triệu USD, tăng đột biến 13.860% về lượng và 13.356% về giá trị so với tháng 7/2023 (Sản lượng: 628 tấn, kim ngạch: 237.533 USD).
Tính lũy kế 8 tháng đầu năm thì sản lượng nhập khẩu lúa mì từ thị trường này vào Việt Nam đạt 259.291 tấn, với kim ngạch hơn 102,24 triệu USD, tăng 100,6% về lượng và tăng 75,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng lưu ý, giá nhập khẩu lúa mì đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022, mức bình quân trong 8 tháng đầu năm 2023 là 394 USD/tấn, giảm 16%. Tháng 8 cũng là tháng ghi nhận giá nhập khẩu lúa mì thấp nhất kể từ đầu năm.
Trong khi đó, sau khoảng thời gian gián đoạn nhập khẩu lúa mì từ Nga, hãng tin Sputnik ngày 3/10 dẫn lời bà Elena Tyurina, giám đốc bộ phận phân tích của Liên minh ngũ cốc Nga (RGU) cho biết, Nga đang gia tăng trở lại sản lượng xuất khẩu lúa mì sang Việt Nam.
Sau khi Việt Nam loại bỏ cỏ kế đồng ra khỏi danh mục kiểm dịch thực vật thì lượng xuất khẩu lúa mì từ Nga sang Việt Nam đã tăng hơn 6 lần, lên 71.500 tấn. Tuy nhiên, mức này vẫn chưa cho phép Nga khôi phục lại vị thế trên thị trường lúa mì Việt Nam như trước.
Trong phiên họp Nga-Việt của Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) vào năm ngoái, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Sergei Levin đánh giá Việt Nam là thị trường vô cùng hứa hẹn đối với nhiều loại lương thực, đồng thời bày tỏ mong muốn gia tăng xuất khẩu lúa mì sang Việt Nam.
"Chúng tôi quan tâm đến việc mở rộng nguồn cung, và nhận thấy tiềm năng to lớn trong việc cung cấp sang Việt Nam, chủ yếu là tăng nguồn cung ngũ cốc, vì lúa mì là mặt hàng lớn nhất trong thành phần nhập khẩu ngũ cốc của Việt Nam, trong khi chúng tôi chưa cung cấp đúng khả năng" – Ông Levin cho hay.
Sức cạnh tranh của lúa mì Mỹ trên thị trường Việt
Theo "Báo cáo Thông tin cơ bản về Việt Nam" do Hiệp hội Lúa mì Mỹ (USW) cung cấp cho World Grain, "Việt Nam là thị trường nhập khẩu lúa mì có tốc độ phát triển nhanh chóng do tầng lớp trung lưu đang bùng nổ, mong muốn tiêu thụ nhiều thực phẩm làm từ lúa mì có chất lượng tốt hơn".
USW cho biết, lúa mì từ Mỹ "đã xâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam, giành được thị phần đáng kể trong các sản phẩm truyền thống vốn xưa nay được chế biến từ bột mì Australia, đồng thời thống trị các phân khúc mà lúa mì Mỹ có lợi thế rõ ràng, ví dụ như bánh quy, bánh ngọt, bánh mì ổ".
Trong giai đoạn 2020-2021, các lô hàng từ Mỹ đã chiếm 20% thị trường lúa mì để sản xuất bột mì (milling wheat) ở Việt Nam, bất chấp Australia ghi nhận vụ thu hoạch kỷ lục.
"Tổng lượng lúa mì nhập khẩu của Việt Nam có sự khác biệt trong thập kỷ qua do so với các nước trong khu vực, các nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam có sự chuyển đổi tự do hơn giữa lúa mì và ngô", USW cho hay, "Tuy nhiên, lượng tiêu thụ lúa mì để sản xuất bột mì ổn định hơn nhiều khi tăng liên tục trong thập kỷ qua".
Trước đó, sau các cuộc đàm phán song phương, vào ngày 30/12/2021, chính phủ Việt Nam đã chính thức loại bỏ thuế nhập khẩu 3% đối với lúa mì Mỹ. Lô hàng lúa mì Mỹ đầu tiên không bị áp thuế, với hơn 68.350 tấn lúa mì trồng ở tây bắc Thái Bình Dương và các vùng bình nguyên bắc Mỹ, đã cập cảng TP. Hồ Chí Minh ngày 6/2/2022.
Tham tán phụ trách nông nghiệp Robert Hanson (Đại sứ quán Mỹ) cho biết, với việc thuế nhập khẩu giảm xuống 0% thì ngay trong chuyến tàu chở lúa mì Mỹ lần này, Việt Nam đã tiết kiệm được gần 1 triệu USD.
"Chúng tôi cảm ơn chính phủ Việt Nam đã chấm dứt thuế quan, điều này sẽ giữ cho chi phí lương thực phù hợp và giúp lúa mì Mỹ cạnh tranh hơn trên thị trường mới nổi của Việt Nam" – ông Hanson nói.
Ông Vince Peterson, Chủ tịch Hiệp hội Lúa mì Mỹ (USW) cho biết, Sở Nông nghiệp Ngoại quốc đã nỗ lực loại bỏ rào cản cho mặt hàng lúa mì Mỹ tại Việt Nam.
Tháng 7/2020, Việt Nam đã giảm thuế nhập cảng lúa mì của Mỹ từ 5% xuống 3%. Các cuộc đàm phán sau đó được tiếp tục cho đến khi Việt Nam công bố quyết định cuối cùng về việc miễn thuế cho lúa mì nhập khẩu từ Mỹ.