Vượt 7.000 km, tiêm kích Ấn Độ áp sát biên giới Trung Quốc: Tái diễn kịch bản tấn công ở Libya?

DK | 28-07-2020 - 19:24 PM

(Tổ Quốc) - 5 tiêm kích Rafale hiện đang vượt quãng đường 7.000 km từ Pháp tới Căn cứ Ambala của Ấn Độ. Điều đáng chú ý là căn cứ không quân này nằm cách biên giới Trung Quốc khoảng 200 km.

Vượt 7.000 km, tiêm kích Rafale trực chỉ "điểm nóng" Trung - Ấn?

Mới đây, trang Twitter của Đại sứ quán Ấn Độ tại Pháp đã chia sẻ các đoạn phim về ít nhất 3 chiếc Rafale cất cánh với bình luận: "Tiêm kích Rafale xuất kích bởi các phi công có tầm cỡ thế giới. Đây là biểu tượng của nấc thang mới trong hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Pháp".

Theo The Indian Times, các tiêm kích nói trên xuất phát từ căn cứ không quân Merignac ở miền nam nước Pháp, vượt hành trình 7.000 km (tiếp nhiên liệu trên không và "nghỉ chân" duy nhất tại một sân bay của UAE) trước khi về tới Ấn Độ vào ngày 29/7.

Cũng theo tờ báo Ấn Độ, các tiêm kích đang hướng đến Căn cứ không quân Ambala ở bang Punjab, nằm cách biên giới Ấn Độ với Trung Quốc và Pakistan vào khoảng 200 km

Các tiêm kích nói trên nằm trong tổng số 5 chiếc được Dassault Aviation chuyển giao cho Không quân Ấn Độ (IAF) theo hợp đồng 36 chiếc trị giá 8,7 tỷ USD được New Delhi và Paris thống nhất vào năm 2016.

Theo hợp đồng, New Delhi dự kiến nhận toàn bộ 36 tiêm kích này trước năm 2022. Nhà sản xuất Dassault Aviation được cho là đã tăng tốc chuyển giao tiêm kích theo yêu cầu của Ấn Độ sau khi căng thẳng biên giới với Trung Quốc trở nên xấu đi vào tháng 4/2020.

Cảnh quay 3 chiếc tiêm kích Rafale cất cánh từ Pháp hôm 27/7 (Nguồn: Đại sứ quán Ấn Độ tại Pháp).

Từ giả thuyết Rafale "luồn sâu đánh hiểm" ở miền tây Libya

Vào ngày 4/7/2020, các tiêm kích "không xác định" đã tiến hành một cuộc tập kích vào căn cứ không quân al-Watiya ở miền tây Libya.

Theo phát ngôn viên của lực lượng Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA), Đại tá Mohamed Gnounou, các tổ hợp phòng không MIM-23 Hawk và Hệ thống tác chiến điện tử KORAL phòng thủ căn cứ đã bị "máy bay nước ngoài" phá hủy hoặc hư hỏng.

Sau thời điểm vụ tập kích diễn ra, có tới 3 giả thuyết về cách thức mà "ai đó" đã tiến hành cuộc tập kích được đưa ra như sau:

Giả thuyết 1: Mirage 2000 của Không quân UAE cất cánh từ căn cứ không quân Sidi Barrani của Ai Cập đã vượt biển Địa Trung Hải hoặc miền đông Libya để không kích al-Watiya.

Giả thuyết 2: Rafale và Mirage 2000 của Không quân Pháp (đang tham gia hoạt động chống khủng bố) từ Chad và Nigeria đã bí mật thâm nhập qua biên giới Libya để tấn công al-Watiya từ hướng nam hoặc đông nam.

Giả thuyết 3: Các tiêm kích MiG-29 và cường kích Su-24 cất cánh từ căn cứ al-Jufra hoặc miền đông Libya đã tham gia cuộc tập kích.

Vượt 7.000 km, tiêm kích Ấn Độ áp sát biên giới TQ: Tái diễn kịch bản tấn công ở Libya? - Ảnh 2.

Việc GNA tiến hành tấn công về phía tây nam căn cứ al-Watiya sau vụ tập kích cho thấy nhiều khả năng "máy bay nước ngoài" đã vượt qua khu vực này mà không bị phát hiện trong vụ tập kích hôm 4/7.

Theo một bài viết được đăng tải trên tờ The Arab Weekly vào ngày 6/7 (hai ngày sau vụ tập kích), nhà phân tích người Tunisia Jemai Guesmi căn cứ vào một nguồn tin quân sự ở Libya cho biết nhiều khả năng các tiêm kích Rafale của Pháp hoặc Ai Cập đã tiến hành vụ việc.

Giả thuyết này được củng cố bằng lập luận rằng đường chim bay từ al-Watiya tới Sidi Barrani là hơn 1.300 km. Với hành trình nói trên, các tiêm kích nhiều khả năng sẽ phải được tiếp nhiên liệu trên không và khó tránh khỏi các radar trên các tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải.

Hiện tại vẫn chưa thể loại trừ giả thuyết MiG-29 hoặc Su-24 xuất kích từ al-Jufra hoặc miền đông Libya tiến hành tập kích.

Tuy nhiên căn cứ vào các hình ảnh tiêm kích và vũ khí Nga được Bộ tư lệnh Châu Phi của Quân đội Mỹ (AFRICOM) liên tiếp công bố, các máy bay phản lực nói trên khó có thể "qua mặt" sự giám sát chặt chẽ của người Mỹ và "luồn sâu đánh hiểm" trong vụ tập kích al-Watiya.

Vượt 7.000 km, tiêm kích Ấn Độ áp sát biên giới TQ: Tái diễn kịch bản tấn công ở Libya? - Ảnh 3.

Không ảnh được AFRICOM công bố về 2 chiếc Su-24 Fencer cùng hàng loạt khí tài "gốc Nga" tại căn cứ al-Khadim, Libya (Nguồn: Lầu Năm Góc).

Tới giả thuyết Rafale Ấn Độ đụng độ tiêm kích Trung Quốc

Theo phát biểu của một quan chức Ấn Độ, việc IAF ở hữu Rafale không những tăng cường sức mạnh không chiến mà với việc phi công và các đơn vị mặt đất được đào tạo toàn diện về máy bay, cái gọi là "chiều sâu chiến lược" của Ấn Độ cũng sẽ được cải thiện.

"Biến thể" tiêm kích Rafale mới được bàn giao IAF được nhà sản xuất nâng cấp theo yêu cầu từ phía Ấn Độ và có khả năng tấn công bằng tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn (BVR).

Cùng với đơn hàng 36 chiếc tiêm kích, IAF cũng đã quyết định mua các tên lửa tấn công chính xác không đối đất (AASM) Hammer và hỗ trợ hậu cần từ Pháp.

Vượt 7.000 km, tiêm kích Ấn Độ áp sát biên giới TQ: Tái diễn kịch bản tấn công ở Libya? - Ảnh 5.

Tiêm kích Chengdu (Thành Đô) J-20 của PLAAF được cho là đối thủ trong tương lai của Dassault Rafale.

Vào ngày 22/7/2020, cựu sĩ quan IAF Amit Ranjan Giri đăng tải bài phân tích trên tờ Financial Express của Ấn Độ cho rằng đối thủ chính của Rafale trong Không quân Quân giải phóng Trung Quốc (PLAAF) sẽ là các tiêm kích hiện đại J-20 và J-31 (nếu các nguyên mẫu được sản xuất).

Cả hai loại tiêm kích này được truyền thông Trung Quốc đánh giá cao và được coi là tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 nhằm chống lại những chiếc Rafale thế hệ 4 của New Delhi.

Cựu sĩ quan IAF nhấn mạnh rằng tên lửa hành trình SCALP và tên lửa không đối không Meteor của Rafale Ấn Độ có các "tính năng ưu việt" và được đánh giá là tốt nhất trong các loại tên lửa BVR trên thế giới, đem lại ưu thế nhất định khi so với tên lửa PL-15 trên các tiêm kích Trung Quốc.

Ông Amit Ranjan Giri khẳng định: "Rafale đã chứng minh chính mình trong các cuộc xung đột hiện đại ở Libya, Iraq và Syria.

Ngược lại, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc vẫn chỉ "hiện đại trên giấy". Trong chiến tranh, chiến thắng cuối cùng đến từ các yếu tố hoàn toàn khác.

Việc khai thác hiệu quả khí tài là phần quan trọng trong một loạt các nỗ lực đem lại thắng lợi".

Các tiêm kích J-20, J-16 và J-10C trong một cuộc tập trận (Nguồn: Nhân dân nhật báo Trung Quốc).

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM