Tốt nghiệp xong, cầm tấm bằng trên tay và một chút kinh nghiệm dắt túi từ những năm học giảng đường, bạn sinh viên nào cũng muốn tìm cho mình một công việc thật tương xứng với trình độ, năng lực của bản thân. Họ háo hức săn đón những cơ hội tốt với hi vọng mình sở hữu mức lương ngàn đô mà người khác đây ao ước.
Sinh viên cũng mong gặp được một người sếp tâm lý, đồng nghiệp thân thiện, môi trường chuyên nghiệp... Tuy nhiên, có nhiều thứ diễn ra khiến bản thân không thể nào trụ nổi, điển hình như không có sự định hướng rõ ràng. Điều này dễ thấy ở công ty start up, nơi người sếp có thể cho bạn hàng tá công việc nhưng lại không cho bạn một sự đãi ngộ tử tế.
Mới đây, cô bạn V.P đã chia sẻ câu chuyện của mình trong một group chuyên tìm công việc cho sinh viên và dân văn phòng. Vừa mới ra trường apply được công việc làm trực tiếp với sếp nên V.P vô cùng háo hức. Nhưng đến khi vào cô bạn mới biết được sự đãi ngộ công ty dành cho mình không hề tương xứng.
Được giao chức leader dù mới ra trường, nữ sinh vội vàng xin nghỉ việc. (Ảnh minh họa)
"Mình là sinh viên mới ra trường, tốt nghiệp ngay đợt dịch nên mấy tháng mới tìm được việc. Khó một chỗ là mình tìm việc hơi khác chuyên môn nên không có nhiều công ty cho mình cơ hội học hỏi. Nên khi apply được vào công ty X, mình mừng lắm.
Nhưng đi làm rồi mới phát hiện vấn đề, là trong ban PR không ai khác ngoài mình cả. Mình biết đây là nơi start up nhỏ, nhưng không ngờ nó lại nghiêm trọng như vậy. Lúc phỏng vấn sếp nói mình sẽ làm việc trực tiếp với anh, nên mình ngây thơ tưởng sẽ thực hiện công việc sếp giao thôi.
Ai ngờ là sếp giao cho một kế hoạch siêu lớn do mình làm leader, tự làm plan, tự tìm nhân sự, không biết làm thì tự học, tự hỏi lấy. Kinh nghiệm không bao nhiêu thì làm kế hoạch kiểu gì? Đó là những việc nhân viên mới có người hướng dẫn còn thấy khó, chứ đừng nói là hoàn toàn không có ai như mình.
Sếp giao cho nữ sinh làm chức leader với một bản kế hoạch tự plan, tự tuyển nhân sự và tự bơi trong công việc. (Ảnh minh họa)
Được sếp tin tưởng cho làm leader dù mới ra trường thì thích lắm, nhưng mình biết sức lực đến đâu. Sếp thì luôn nêu cao tinh thần tự học, tinh thần "không có gì không làm được nếu đã muốn làm". Mình thì không đồng ý vì sức người có hạn, con người muốn trưởng thành trong công việc cũng phải từ từ, có thời gian.
Mình bối rối lắm, vì mới đi làm có hơn tháng mà đã chịu trách nhiệm quá nhiều thứ, cái nào cũng phải làm tốt, không làm tốt được thì phải kiếm cái khác trong khi không có người hướng dẫn. Đó là một công ty tốt, tử tế. Nhưng nó vận hành như vậy đấy!
Mình cứ nghĩ đến việc nghỉ quách cho xong, nhưng mình lại sợ bản thân đang hèn nhát, đang thấy khó quá nên đầu hàng bỏ chạy. Mình muốn có người hướng dẫn, có đồng nghiệp kinh nghiệm ngay tại công ty để học hỏi công việc, như vậy có quá đáng quá không? Mình thấy công việc quá sức một cách khủng khiếp, nhưng cố gắng chết đi sống lại để làm một công việc quá sức là cách học việc hả mọi người?".
Sau khi bài viết được đăng tải đã nhận về nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng đây là chiêu bài hay áp dụng của các start-up hiện nay, muốn tuyển leader nhưng chỉ trả lương nhân viên nên mới đưa ra điều kiện vô lý đến vậy. Nếu cứ tiếp tục làm thì đến sớm muộn nữ sinh này cũng bị nhấn chìm trong biển áp lực công việc.
Tuy nhiên, phía lạc quan lại cho rằng người mới đừng nên giới hạn bản thân phải có người hướng dẫn thì mới thành công. Bởi đây là cơ hội để nữ sinh tự chứng tỏ năng lực bản thân, nếu có khả năng tự sàng lọc kinh nghiệm thì chỉ sau 1 năm với chức vụ lớn này, cô bạn sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm đi apply các vị trí khác.
"Em nên bỏ tư tưởng muốn có leader chỉ dẫn thì mới vượt qua được hoản cảnh. Có thể giờ mệt đó nhưng sau 1 năm chịu đựng, anh bảo đảm so với mấy bạn bằng tuổi em sẽ hơn, vì cái gì cũng phải giải quyết. Em nên mình nghĩ mình đang làm leader thì mới suy nghĩ cởi mở bản thân mình có thể", bạn T.A bình luận.
"Có hai khả năng xảy ra khi bạn không có mentor. Thứ nhất là không biết mình sai ở đâu, mông lung làm việc rồi đâm ra stress. Thứ hai là bạn có khả năng tự đúc kết kinh nghiệm, kết quả lên tay nghề cực nhanh nhưng trường hợp này lại khá hiếm. Nói chung mới ra trường thì cơ hội thế này cũng tốt, điều quan trọng là bạn thấy bản thân mình năng lực thế nào thôi chứ cũng không nhất thiết phải ai leader đâu", bạn K.L chia sẻ.
Ở phía ngược lại, bạn A.N khuyên nữ sinh nên sớm bỏ việc: "Ở đây mình thấy rõ sếp bạn quá vô lý và đang lợi dụng sự nỗ lực để ép bạn làm những việc không hợp lý. Mỗi người sẽ có một tốc độ phát triển khác nhau, cần những điều kiện khác nhau. Bạn không hợp với môi trường này thì cứ mạnh dạn xin nghỉ. Mình cảm thấy lúc bạn xin nghỉ sẽ bị sếp dè bỉu, hi vọng bạn không bị ảnh hưởng mà tự ti về bản thân".
Hiện bài viết vẫn nhận được rất nhiều bình luận trái chiều của dân mạng.