Sự việc vợ chồng đại gia Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng "lò vôi", Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam, tỉnh Bình Dương) tố cáo "lương y" Võ Hoàng Yên, vẫn chưa ngã ngũ. Đôi bên có nhiều chia sẻ trái ngược nhau với báo giới trong nước.
Khi sự việc mới được loan tin cho báo chí, ông Huỳnh Uy Dũng nói trên Tuổi trẻ online, vợ chồng ông gửi đơn tới Công an TP.HCM để tố cáo ông Võ Hoàng Yên (còn được gọi là "thần y" hay "lương y" Võ Hoàng Yên) vì cho rằng ông Yên đã lừa đảo vợ chồng ông Dũng, "ăn chặn" tiền từ thiện, tiền xây chùa.
Về khoản tiền từ thiện, theo bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Dũng "lò vôi"), đây là số tiền bà đã chuyển cho ông Võ Hoàng Yên để ông Yên đi cứu trợ bà con miền Trung trong đợt lũ lụt năm 2020.
Theo thuật lại của chuyên trang Công an TP.HCM (báo Công an nhân dân), bà Hằng nói mình phát hiện có việc ông Yên "ăn chặn" tiền ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt ở 2 huyện Tiên Phước (xã Tiến Hiệp và xã Tiến Ngọc) và huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) vào tháng 11/2020.
Cũng theo nguồn trên, ông Võ Hoàng Yên sau đó lý giải, số tiền hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt miền Trung mà bà Hằng nói có chênh lệch là sơ sót báo cáo. Ông Yên cho biết nình đã đi 3 đợt cứu trợ và tổng số tiền là hơn 7 tỷ đồng, có chính quyền địa phương xác nhận. "Nói tôi trục lợi tiền lũ lụt tội cho tôi lắm! Nếu như người dân ở huyện Tiên Phước và huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) mà biết chuyện sẽ cảm thấy cảm động và thương tôi vô cùng", chuyên trang Công an TP.HCM (báo Công an nhân dân) ghi nhận lời ông Yên.
Vào đầu tháng 3/2021, theo báo điện tử Dân Việt, phóng viên tờ này đã liên lạc với ông Trầm Quế Hương (Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Ông Hương xác nhận với báo Dân Việt, Lương y Võ Hoàng Yên thật sự có về Tiên Phước hỗ trợ cho người dân (như tặng tôn và quà), ngoài ra còn có khám chữa bệnh miễn phí cho người dân ở đây.
Khi đó, một lãnh đạo khác của huyện Tiên Phước nói với PV báo Dân Việt, ngày 10/11/2020 đoàn từ thiện của ông Võ Hoàng Yên có mặt ở xã Tiên Ngọc và Tiên Hiệp (huyện Tiên Phước), trao 250 suất quà và tiền mặt, mỗi suất là 1.000.000 đồng, cộng 50m2 tôn. Chiều 10/11/2020, Lương y Võ Hoàng Yên tiếp tục trao 700 suất quà tiền mặt, mỗi suất 500.000 đồng tại xã Tiên Hiệp và Tiên Ngọc.
Ngày hôm nay (20/3), phóng viên Đông Anh/báo điện tử Dân Việt cho hay, ông Võ Hoàng Yên đã gửi PV một số văn bản, chứng từ, xác nhận việc ông Yên đã dùng tiền tài trợ từ các mạnh thường quân để phân phát, từ thiện cho đồng bào 2 xã Tiên Hiệp, Tiên Ngọc (huyện Tiên Phước) và huyện Bắc Trà My (đều thuộc tỉnh Quảng Nam).
Báo Dân Việt đăng tải hình ảnh giấy xác nhận mua hàng và thanh toán của Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Fortuna (địa chỉ 702A, Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM), có dấu đỏ và chữ ký của Phó Giám đốc Hoàng Minh Chiến.
Giấy này nêu: "Ngày 17/11/2020, Công ty Fortuna đã bán cho ông Võ Hoàng Yên 25.000 mét tôn lợp, với trị giá 2.450.000.000 VNĐ (hai tỷ bốn trăm năm mươi triệu đồng), tiền vận chuyển 133.000.000 VNĐ (một trăm ba mươi ba triệu đồng). Tổng giá trị tiền hàng và tiền vận chuyển 2.583.000.000 VNĐ (hai tỷ năm trăm tám mươi ba triệu đồng)".
Giấy viết, ông Võ Hoàng Yên đã hoàn tất việc thanh toán.
Phóng viên Đông Anh của báo điện tử Dân Việt đã nêu ra điểm bất hợp lý về thời gian trong giấy xác nhận trên và thời điểm ông Võ Hoàng Yên đi cứu trợ tôn cho người dân. Cụ thể, giấy nêu, Công ty này bán cho ông Yên tôn vào ngày 17/11/2020, nhưng thời gian ông Yên đi cứu trợ ở người dân 2 huyện Tiên Phước và Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam từ ngày 10 – 11/11/2020 - trước thời điểm mua tôn của Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Fortuna.
Cũng theo nguồn trên, số lượng tôn phân phát cho người dân huyện Tiên Phước (xã Tiên Hiệp, xã Tiên Ngọc) là 26.000 mét. Tổng số lượng tôn phân phát cho người dân huyện Bắc Trà My là 14.928 m2.
Trả lời báo Dân Việt, ông Nguyên Hữu Trung (Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bắc Trà My) cho biết: "Tôn mà ông Võ Hoàng Yên cứu trợ mỏng quá, chất lượng lại kém, để một thời gian là gỉ sét hết. Cho thì người dân nhận thôi, chứ rất ít người dân dùng tôn cứu trợ trên để lợp nhà. Có lợp, người dân chỉ lợp bếp, chuồng gà, chồng heo…, chứ không ai dám dùng tôn cứu trợ để lợp nhà chính".
(Tổng hợp)