Ngày 21/9, chia sẻ trên Tri thức trực tuyến, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho biết, đã tiếp nhận đơn của một số người tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng. Theo cảnh sát, có khoảng 5 người đã gửi đơn tố cáo bà Hằng, trong số này có nghệ sĩ Hoài Linh và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.
Nguồn trên nêu, trong đơn, người tố cáo cho rằng họ bị bà Hằng vu khống, làm nhục và đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM xử lý trường hợp này. "Vụ việc đang được xác minh, làm rõ. Do tình hình dịch nên cảnh sát chưa làm việc được với các nghệ sĩ và người bị tố cáo", nguồn tin từ Công an TP.HCM nói với Tri thức trực tuyến.
Nhiều tháng qua, bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty Đại Nam) nổi tiếng trên mạng xã hội, mỗi lần bà livestream thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Chủ đề mà bà Hằng hướng tới là việc "minh bạch" trong vấn đề thiện nguyện của các nghệ sĩ, thông tin mà bà đưa ra trước công chúng có nhiều bình luận trái chiều.
Chia sẻ với PV về vấn đề livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cách làm này đang ngày càng gây rủi ro cao hơn trong việc sử dụng hình ảnh, thông tin khi phát sóng trực tiếp.
Theo luật sư, phải khẳng định bà Phương Hằng có quyền tự do ngôn luận và pháp luật Việt Nam bảo vệ quyền tự do ngôn luận của công dân, nhưng đây không phải là một quyền tuyệt đối và các phát ngôn dựa trên chủ kiến cá nhân, thông tin chưa kiểm chứng rất dễ vượt qua lằn ranh xâm hại tới quyền và lợi ích của người khác.
"Bà Phương Hằng là một doanh nhân thành đạt, có trình độ, có kiến thức và đã mạnh dạn livestream phát ngôn", luật sư Giáp nói.
Tuy nhiên, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa nhấn mạnh rằng, mọi người dù ở tầng lớp nào trong xã hội cũng đều phải thượng tôn pháp luật, nếu sai thì bà Nguyễn Phương Hằng chắc chắn đối mặt với hình thức xử lý nghiêm khắc sau những tố cáo.
Luật sư Giáp nói thêm, nếu chủ một tài khoản thực hiện livestream không cẩn trọng với nội dung mình đưa ra thì người cảm thấy bị xúc phạm nhân phẩm, hạ thấp danh dự, uy tín hoặc vu khống trong buổi phát livestream đó hoàn toàn có quyền khởi kiện.
"Theo công an thông tin ban đầu về những người gửi đơn tố cáo, tôi đánh giá rất cao cách làm của Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, họ là người của công chúng, được nhiều khán giả mến mộ, việc tố cáo người mà họ cho rằng đã bịa đặt, nói xấu mình như vậy cũng chính là cách bảo vệ uy tín, danh dự trước công chúng", luật sư nhận xét.
Ông trích dẫn thêm, căn cứ Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân và quy định tại Điều 584, từ Điều 589 đến Điều 592 Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thì cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu đính chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại.