Kiệt tác
Trong bài viết trên 19fortyfive, nhà phân tích Maya Carlin đã gọi tiêm kích F-15I của Israel (quân đội số 1 Trung Đông) là một 'kiệt tác'.
Theo đó, mẫu tiêm kích hai chỗ ngồi này là một biến thể của mẫu F-15E Strike Eagle do Mỹ chế tạo. Tuy nhiên, nó trở nên khác biệt nhờ những cải tiến độc đáo do Không quân Israel (IAF) tiến hành.
Các máy bay chiến đấu F-15I Ra’am của Israel. Ảnh: Creative Commons.
F-15I Ra’am (Tiếng sét) được đưa vào biên chế Israel năm 1998. Hãng chế tạo máy bay McDonnell Douglas (giờ là Boeing) đã cho ra đời mẫu máy bay này để đáp ứng nhu cầu và các yêu cầu kỹ thuật của Israel.
Mẫu Eagle nguyên bản của Mỹ được chế tạo để giữ vai trò tiêm kích không-đối-không đơn thuần. Tuy nhiên, phiên bản của Israel tích hợp nhiều vũ khí tiên tiến hơn, các hệ thống điện tử, tác chiến điện tử và thông tin liên lạc mạnh mẽ hơn.
Mặc dù các loại máy bay mới hơn và hiện đại hơn đã được Không quân Israel bổ sung vào kho vũ khí trong những năm gần đây nhưng F-15I vẫn là 'máy bay chiến lược' của họ.
Tại sao là F-15I?
Nhu cầu của Israel về một loại phương tiện tấn công tầm xa có khả năng xác định và tiêu diệt các mục tiêu đe dọa biên giới đã trở nên rõ ràng hơn sau Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Tên lửa đạn đạo Scud của Iraq đã tấn công nhà nước Do Thái, làm nổi cộm một vấn đề, đó là mạng lưới phòng không yếu kém của Israel. Để khắc phục sự bất cập này, Không quân Israel đã đặt mua 25 máy bay chiến đấu mới vào năm 1995.
Biến thể của F-15 Eagle được Israel triển khai lần đầu tiên trong chiến dịch năm 1978 nhằm vào các phần tử khủng bố ở miền nam Lebanon.
'Đại bàng' đã trở thành một công cụ đắc lực để Israel chống lại các tiêm kích MiG (do Liên Xô sản xuất) của Syria và đóng góp cho sự thành công trên khía cạnh chiến thuật của Israel trong Chiến tranh Lebanon.
F-15I vẫn giữ vai trò là máy bay chiến lược của Không quân Israel.
Theo Thiếu tướng Không quân Israel Moshe Marom-Melnik, mọi máy bay của phía đối địch tham gia tấn công lực lượng Israel ở Lebanon đều bị bắn hạ một cách có hệ thống.
"Chúng tôi đã có 1 ngày trên thực địa, bắn hạ gần như mọi thứ đang bay. Tiêm kích MiG-21 và MiG-23, giữ vai trò xương sống của Không quân Syria, đã bị nghiền nát. Theo như những gì phi đội của chúng tôi trải nghiệm, cuộc chiến đó giống như một buổi tập bắn" - Ông Moshe Marom-Melnik cho hay.
Do được cải tiến trực tiếp từ Strike Eagle, F-15I có bề ngoài rất giống với 'người tiền nhiệm' của nó. Tuy nhiên, Thunder được trang bị một số hệ thống do Israel thiết kế trong nước, bao gồm radar APG-70 với khả năng lập bàn đồ địa hình. Tính năng này cung cấp hình ảnh sắc nét, cho phép phi công xác định vị trí của các mục tiêu, bất chấp điều kiện thời tiết.
F-15I còn được lắp đặt máy tính trung tâm do Israel sản xuất, màn hình Elbit và mũ bay DASH. 'Thunder' trang bị pháo tự động M61A1 20mm và có thể mang theo khối lượng nhiên liệu - đạn dược lên tới hơn 8.000kg.
Dù đúng là những sửa đổi độc đáo của Không quân Israel đã đưa F-15I trở thành 'con quái vật' ngày nay, tuy nhiên, cũng phải ghi nhận rằng các đặc tính ban đầu của Eagle đã hỗ trợ Israel trong các sứ mệnh của họ.
Tốc độ, độ ổn định và phạm vi hoạt động của F-15E cho phép 'người kế nhiệm' của nó trở thành một nhà vô địch về trinh sát chiến thuật. Không quân Israel thường xuyên sử dụng F-15I trong các cuộc xung đột ở khu vực biên giới Israel với nước ngoài như Syria, Lebanon, Gaza.
Quan trọng nhất, năng lực tấn công Iran và các cơ sở hạt nhân của họ vẫn là ưu tiên đối với nhà nước Do Thái. Khả năng mang nhiều vũ khí hơn bất cứ máy bay chiến đấu nào khác khiến Thunder trở thành một phương tiện chiến đấu vô cùng quan trọng trong kho vũ khí của Israel.
Thành tích của F-15I trong lịch sử chiến tranh của Israel và tiềm năng nâng cấp đáng kể của nó đã chứng tỏ lý do tại sao nó được mệnh danh là máy bay giữ vai trò chiến lược cao nhất của Israel.
Không chắc Israel sẽ cho 'nghỉ hưu' các chiến binh vô địch của mình trong tương lai gần, ngay cả khi họ đang vận hành một phiên bản rất đặc biệt của tiêm kích tàng hình F-35.