Với ngân hàng ACB và Tập đoàn Hưng Thịnh, fintech hay proptech đang là đối thủ hay đối tác?

Quỳnh Như | 21-11-2020 - 09:22 AM

(Tổ Quốc) - Theo Chủ tịch ngân hàng ACB – Trần Hùng Huy, trước đây các startup về fintech là đối thủ của các ngân hàng, nhưng nay đã chuyển sang làm đối tác. Còn Chủ tịch Hưng Thịnh - Nguyễn Đình Trung cho rằng, người Việt sẽ khó hòa nhập vào những mô hình kinh doanh BĐS mới và doanh nghiệp này đang tự xây một nền tảng bán hàng C2C cho riêng mình.

Phong trào khởi nghiệp đang ngày càng lan rộng tại Việt Nam, đơn cử như bất chấp Covid-19 vẫn có rất nhiều startup ra đời trong năm 2020, trong đó có không ít startup ở lĩnh vực tài chính công nghệ - fintech và bất động sản – proptech; bởi đây là 2 lĩnh vực có thị trường tiềm năng nhất và được các nhà đầu tư hoan nghênh nhất.

Vậy đứng trước làn sóng này, các lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản – ngân hàng nghĩ gì? Với họ, lực lượng mới này là đối thủ hay đối tác? Cơ hội hợp tác của proptech hay fintech với ngân hàng hay công ty bất động sản là bao nhiêu phần trăm?

Theo ông Nguyễn Đình Trung – Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Hưng Thịnh, bất động sản là ngành mang tính bảo thủ khá cao. Lý do là bởi người Việt Nam có quan điểm rất an toàn về tài sản của họ, nên sẽ rất khó để thuyết phục họ hòa nhập vào những mô hình kinh doanh mới, ví dụ như các startup về proptech.

Ngoài ra, hiện tại, các doanh nghiệp bất động sản truyền thống cũng tham gia lĩnh vực prop-tech khá nhiều, đa số là chuyển đổi từ offline sang online và theo ông Trung thì đây vẫn là mô hình đơn giản. Khi kinh doanh truyền thống tức chúng ta mua bán những vật chất hiện hữu, còn kinh doanh online lại khác biệt, nó giống như chúng ta đổ một thứ chất lỏng vào môi trường online và chất lỏng này sẽ lấp đầy mọi ngóc ngách. Do đó doanh nghiệp phải chú ý rất kỹ khi tham gia môi trường này.

Hiện Hưng Thịnh đang ấp ủ một nền tảng giao dịch C2C, nhằm giúp tất cả mọi người có thể kiếm tiền từ bất động sản. Câu hỏi của doanh nghiệp này rất rõ ràng: "làm sao để mọi người hưởng lợi?" chứ không phải "làm sao để chúng ta hưởng lợi?". Dù làm gì, Hưng Thịnh cũng sẽ bán sát theo 3 ưu tiên trong kinh doanh: công ty thắng, khách hàng thắng, đối tác thắng và cán bộ nhân viên thắng.

Ông Nguyễn Đình Trung còn cho rằng, giữa ngân hàng, fintech và ngành bất động sản cần có sự liên kết để dòng tiền có thể thường xuyên lưu thông, quay trở lại với các doanh nghiệp bất động sản nhanh hơn. Cũng như nên có nhiều công nghệ bán hàng để giúp mọi người cùng tham gia hoạt động ở phạm vi rộng hơn và sâu hơn trong lĩnh vực bất động sản, kể cả fintech.

Với ngân hàng ACB và Tập đoàn Hưng Thịnh, fintech hay proptech đang là đối thủ hay đối tác? - Ảnh 1.

Các diễn giả đang tham gia thảo luận trong hội thảo ở FPT Techday 2020.

Phần mình, ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT ACB chia sẻ: Trong 3 năm qua, ngân hàng đã kết hợp chặt chẽ với các công ty fintech. Vấn đề ở chỗ có nhiều công ty fintech khởi nghiệp tại Singapore do hành lang pháp lý của họ cởi mở hơn với fintech. Trong khi đó, tại Việt Nam, khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) chỉ mới hình thành và vẫn đang được thảo luận chỉnh sửa. Các ngân hàng và các công ty fintech đều trông đợi pháp lý sớm hoàn thiện.

"Trước đây ngân hàng với fintech đứng ở vai trò đối đầu nhưng thời thế thay đổi, câu chuyện hiện nay là hợp tác nhiều hơn", ông Trần Hùng Huy khẳng định.

Đây là xu thế tất yếu của thị trường, mặc dù các ngân hàng tại Việt Nam đã chuyển mình rất nhanh, nhưng sự thay đổi của công nghệ và thói quen của người tiêu dùng thay đổi còn nhanh hơn; nên không có cách nào khác, các ngân hàng buộc phải bắt tay với các fintech.

Cách đây hai năm, ngành ngân hàng chỉ mới quan tâm đến các ứng dụng, go online..., nhưng hiện nay, việc một ngân hàng có một ứng dụng không còn là lợi thế cạnh tranh mà chỉ là một cánh cửa để các ngân hàng bước vào cuộc đua mới với AI, Big Data... Cuối cùng, điều quan trọng nhất là ngân hàng phải thấu hiểu hành vi của khách hàng. Hành vi đang thay đổi từng ngày khi họ tiếp xúc với mạng xã hội, với ứng dụng gọi xe, đặt đồ ăn nhanh, mua sắm trực tuyến...

Do đó, trong môi trường công nghệ, ngành ngân hàng cũng phải tập trung vào thị hiếu của khách hàng. Từ đó ngân hàng mới có thể ứng dụng công nghệ để làm sao giúp khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng một cách đơn giản nhất, thông suốt, thuận tiện và không giới hạn.

Ước mơ trong tương lai của vị Chủ tịch này và ACB là có thể liên kết được hết với tất cả các ứng dụng của các doanh nghiệp, nhằm cung cấp tất cả sản phẩm của mình cho khách hàng, mở rộng hệ sinh thái của ACB để tạo nên sự liên thông giữa các sản phẩm tài chính và phi tài chính.

Hiện tại, ACB đang tập trung phát triển các dịch vụ nội bộ cho khách hàng, đó là nguyên do họ ít khi xuất hiện trên các diễn đàn khu vực trong trong nước so với trước đây. "Để phát triển lớn mạnh, trước khi đi quảng bá ra bên ngoài, ACB phải đáp ứng tốt khách hàng nội bộ", Chủ tịch ngân hàng ACB tiết lộ.

Với ngân hàng ACB và Tập đoàn Hưng Thịnh, fintech hay proptech đang là đối thủ hay đối tác? - Ảnh 2.

Ông Trần Thanh Hải – cựu Founder và CEO của be Group

Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của fintech, ông Trần Thanh Hải – cựu Founder và CEO của be Group, cho biết: Ở góc độ đối trọng, các ngân hàng hiện nay cũng đã chuyển mình mạnh mẽ với việc xây dựng những bộ phận chuyên về fintech. Các startup công nghệ có khả năng đi rất nhanh nhưng ngân hàng vẫn có những thế mạnh đặc thù liên quan pháp lý, nguồn lực. Đây vẫn sẽ là thế mạnh giúp ngân hàng thích ứng và chuyển đổi nhanh chóng.

"Ngân hàng nào có thể thích ứng nhanh, xây dựng sản phẩm liên tục trong một cơ chế linh hoạt sẽ là ngân hàng có thể đi nhanh hơn trên hành trình ứng dụng fintech", ông Trần Thanh Hải nêu quan điểm.

Trong Covid-19, mảng công nghệ tại Việt Nam đang tiến nhanh rất nhanh. Và đây sẽ là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, khi các doanh nghiệp đang tập trung xây dựng tất cả sản phẩm công nghệ đáp ứng nhu cầu khách hàng đồng thời mở rộng cơ hội cho các nhà khởi nghiệp ở Việt Nam. Sắp tới, khi có những dòng tiền lớn đầu tư vào công nghệ mới, các sản phẩm công nghệ của Việt Nam sẽ sớm đưa ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên cá nhân ông Hải cũng đánh giá, các doanh nghiệp Việt thời gian trước chỉ tập trung vào phát triển sản phẩm, song lại quên chuẩn bị đối phó với các trường hợp khủng hoảng, trong đó Covid-19 là một ví dụ điển hình.

Sau khi nghe 3 đồng nghiệp của mình trình bày, theo ông Marcin Miller - Phó Tổng giám đốc Công ty tư vấn McKinsey Việt Nam cũng góp lời: sẽ có những bước tiến mới và đa dạng trong lĩnh vực fintech như chúng ta thấy với ví điện tử. Bài toán quan trọng ở đây là làm sao để phát triển bền vững nhất.

Hiện đã có rất nhiều công ty đã nhảy vào thị trường fintech nói chung và ví điện tử nói riêng. Riêng về phương diện thanh toán điện tử, vấn đề là mô hình nào mới là mô hình bền vững. Còn chắc chắn các ngân hàng hiện hữu sẽ phát triển thêm các bộ phận, các hoạt động, các mảng dịch vụ mới trên thế mạnh nền tảng.

Mặt khác, khung pháp lý mới cần phải được hình thành và áp dụng. Chính những ngân hàng lớn sẽ là đơn vị dẫn dắt sự chuyển đổi. Ông Marcin Miller nhấn mạnh, các ngân hàng phải có một bộ giá trị rất vững vàng để sẵn sàng ứng dụng fintech hiệu quả, rộng rãi và thiết lập một văn hóa mới giúp thích ứng với công nghệ tốt hơn.

Còn theo quan sát của chúng tôi, các startup và các tập đoàn lớn là đối tác hay đối thủ tùy thuộc phải rất nhiều thứ. Nếu startup ra sản phẩm trước và đã có những thành công nhất định trên thị trường, thì các Tập đoàn lớn như các ngân hàng hàng đầu Việt Nam sẵn sàng hợp tác, như ví Momo; nhưng VinGroup không hợp tác với Momo mà tự ra ví riêng là VinID.

Còn nếu cùng 1 sản phẩm, các doanh nghiệp lớn và startup bắt đầu phát triển một lúc hoặc người trước người sau, tất nhiên là đối thủ cạnh tranh. Tiếp theo, chuyện thắng bại cũng sẽ phụ thuộc vào nhiều thứ, bởi ai cũng có lợi thế riêng của mình, tập đoàn lớn có mối quan hệ và nguồn lực mạnh nhưng họ lại thiếu linh hoạt và cứ không phải đi thuê sẽ tìm được team công nghệ tốt; ngược lại, các startup thường mạnh về công nghệ cũng như giỏi xoay xở với những chuyển động của thị trường, nhưng lại thiếu nguồn lực.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM