Truyền thông quốc tế đưa tin, vợ chồng Harry - Meghan Markle sẽ tới New York vào ngày 18/7 tới đây, chuyến đi đánh dấu sự trở lại công khai của cặp đôi kể từ khi họ tham dự đại lễ Bạch Kim hồi tháng 6 vừa qua.
Chuyến thăm diễn ra khi Hoàng tử Harry sẽ có bài phát biểu quan trọng ở cuộc họp không chính thức của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhân Ngày Quốc tế Nelson Mandela. Meghan Markle sẽ tháp tùng chồng trong sự kiện này. Theo báo cáo, bài phát biểu của hoàng tử sẽ xoay quanh các tác động của biến đổi khí hậu và nạn đói trên thế giới.
Đây là vấn đề được Harry quan tâm và nỗ lực tuyên truyền trong suốt thời gian qua. "Phái bộ Nam Phi đã xác nhận sự tham dự của Công tước và nữ Công tước trong lễ kỷ niệm vào thứ Hai tới", phát ngôn viên Liên Hợp Quốc chia sẻ với tờ Daily Mail.
Vào tháng 9 năm ngoái, vợ chồng Harry - Meghan Markle từng có chuyến thăm 3 ngày tới New York. Vào thời điểm đó, cặp đôi cũng dành thời gian đến thăm trụ sở Liên Hợp Quốc và có cuộc gặp với Phó Tổng thư ký nhưng không tham gia phát biểu tại hội trường.
Mối liên hệ đặc biệt
Ít ai biết rằng, nhà Sussex có mối liên hệ khá gần gũi với huyền thoại Nelson Mandela khi vị lãnh tụ này từng có nhiều cuộc gặp gỡ thân tình với một số thành viên hoàng gia. Vào tháng 3/1997, cố Công nương Diana đã tới Nam Phi và gặp mặt cựu Tổng thống Nelson Mandela.
Vào thời điểm đó, Vương phi xứ Wales là người tiên phong trong công cuộc chống lại căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Công nương Diana đã cùng Tổng Thống Nelson Mandela kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng thế giới trong các chương trình phòng ngừa HIV dành cho Nam Phi vì nơi đây đã chứng kiến hàng triệu người bị nhiễm bệnh.
Đáng tiếc thay, 5 tháng sau cuộc gặp gỡ ấy, Công nương Diana đã qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi ở Paris, Pháp, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho hàng triệu người. Dù sự ra đi của bà mang đến nỗi mất mát quá lớn nhưng di sản về cuộc chiến chống lại HIV/AIDS vẫn được Hoàng tử Harry tiếp nối và phát triển cho đến ngày nay.
Lúc đương thời, cựu Tổng Thống Nelson Mandela và Nữ hoàng Anh đã có nhiều lần gặp gỡ và giao lưu với nhau. Cả hai giữ mối quan hệ tốt đẹp vì họ đều là những người yêu chuộng hòa bình và hết lòng vì dân, vì nước.
Hoàng tử Harry đã có chuyến thăm tới Nam Phi vào năm 2008. Anh đã đến thăm phòng giam trên đảo Robben, nơi ông Mandela từng bị giam giữ trong quá khứ. Vào năm 2019, khi trở lại quốc gia này, Harry cùng vợ Meghan đã có cơ hội gặp gỡ Zamaswazi Dlamini-Mandela, cháu gái cố Tổng thống Mandela và Andrew Mlangeni, từng là bạn tù của ông.
Bên cạnh đó, cặp đôi hoàng gia dành thời gian trò chuyện với bà Graça Machel, phu nhân cố Tổng thống Mandela. Đôi bên giao lưu cởi mở và thân tình, phu nhân đã bày tỏ sự xúc động khi nói với nhà Sussex rằng: "Thật tuyệt vời khi được gặp hai vị. Tôi tin chắc chúng ta sẽ làm việc cùng nhau trong tương lai. Tôi có thể cảm nhận được điều đó".
Nelson Mandela (1918 - 2013) sinh ra tại một ngôi làng nhỏ ở phía đông Nam Phi. Sau khi tốt nghiệp Đại học Fort Hare và Đại học Witwatersrand chuyên ngành Luật, ông Mandela đã tham gia Đại hội Dân tộc Phi (ANC) vào năm 1943.
Kể từ đó, ông đã miệt mài đấu tranh và trở thành biểu tượng mạnh mẽ của phong trào chống phân biệt chủng tộc. Vào năm 1994, ông trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi.
Bằng sức mạnh của lòng vị tha và tinh thần hòa giải, ông đã hàn gắn hố sâu mâu thuẫn sắc tộc, mở ra kỷ nguyên mới cho Nam Phi sau hàng chục năm xung đột. Ông Mandela giành giải Nobel Hòa bình năm 1993 cùng cựu Tổng thống F.W.de Klerk.
Liên Hợp Quốc chọn 18/7 là ngày Quốc tế Nelson Mandela từ năm 2009. Theo trang web của tổ chức, người dân thế giới được khuyến khích kỷ niệm ngày này bằng cách tạo ra sự khác biệt trong cộng đồng của họ.
"Tất cả mọi người đều có khả năng và trách nhiệm thay đổi để thế giới trở nên tốt đẹp hơn! Ngày Mandela chính là dịp để tất cả cùng hành động và truyền cảm hứng tạo ra sự thay đổi", website của Liên Hợp Quốc ghi rõ.
Nguồn: Daily Mail, Mirror