Ngọc Anh (27 tuổi) cùng chồng vừa cải tạo căn hộ 119m2 ở Hà Nội để ra ở riêng chuẩn bị đón con đầu lòng. Tổng số tiền tu sửa bao gồm cả nội thất khoảng 900 triệu đồng. Được biết vợ chồng cô đã không cần vay nợ mà trích từ khoản tiết kiệm để “làm mới” nhà.
Cùng gặp Ngọc Anh để hiểu hơn về quá trình cải tạo nhà cũng như quan điểm của cô trong câu chuyện này.
Xin chào Ngọc Anh
Những phần nào trong căn nhà đã được cải tạo lại, và tại sao bạn quyết định sửa chữa những phần đó?
Mình muốn làm mới không gian cũng như trang trí lại theo đúng sở thích gia đình nên đã đập đi gần như toàn bộ cả căn hộ, chỉ trừ lại phòng ngủ phụ là giữ nguyên. Mình sửa lại 1 phòng ngủ tách thành 2 phòng nhỏ hơn là phòng làm việc và phòng em bé, ngăn chia bằng vách thạch cao.
Phòng vệ sinh lớn bổ sung thêm bồn tắm do mình rất thích ngâm bồn thư giãn, đồng thời cũng có bồn để tắm cho các bé chơi. Không gian phòng ăn và hành lang mình phá dỡ toàn bộ trần thạch cao, để lộ kết cấu trần bê tông và hệ thống kỹ thuật nhằm mục đích tạo cho không gian cảm giác cao, thoáng hơn đồng thời cũng là một nét độc đáo cho căn hộ.
Lần cải tạo này, mình hướng đến một phong cách sống tối giản, ít đồ nhưng không gian vẫn phải đảm bảo đầy đủ tiện nghi và phải là nơi mình cảm thấy thư giãn và thoải mái nhất.
Căn nhà xinh xắn sau khi cải tạo
Trong quá trình sửa chữa, bạn có phát sinh thêm chi phí cải tạo không?
Có phát sinh, nhưng chủ yếu do trong quá trình thi công vợ chồng mình đều muốn làm những thứ tốt nhất trong khả năng. Ngân sách lúc đầu đưa ra khá hạn hẹp nên vật liệu lựa chọn cũng là những loại phổ thông vừa phải. Sau đó, khi khả năng tài chính đảm bảo, bọn mình đã lựa chọn những loại vật liệu, thiết bị tốt hơn để đảm bảo khả năng sử dụng lâu dài. Chồng mình là KTS trực tiếp thiết kế và thi công nên những cái đó anh có thể nắm khá rõ và cân đối điều chỉnh ngân sách ngay trong lúc đang thi công dở dang một cách dễ dàng.
Bạn nghĩ sao về chuyện hiện nay nhiều người cho rằng việc chi nhiều tiền để cải tạo nhà là không đáng?
Điều này thật ra bắt nguồn từ sở thích, nhu cầu cũng như trải nghiệm của mỗi người. Đối với mình, được sống trong một căn nhà mà mình cảm thấy thoải mái, vui vẻ và hạnh phúc sẽ mang lại cho mình nhiều năng lượng tích cực cũng như những giá trị vô cùng to lớn. Đây là tiền đề giúp cho mình có thể làm thêm được nhiều thứ khác trong cuộc sống nên mình không cảm thấy việc chi tiền để cải tạo nhà là không đáng. Tuy nhiên chi tiền cho bất cứ cái gì cũng cần hợp lý và cân bằng được giữa nhu cầu và khả năng của mỗi người.
Bên cạnh đó, thời điểm cải tạo mình chuẩn bị có em bé, vợ chồng muốn có không gian sinh hoạt riêng và đầy đủ diện tích để có thể nuôi con theo đúng phương pháp mong muốn nên mới quyết định sửa lại căn hộ để ra ở riêng. Thời điểm chuyển về là lúc mình đang mang thai ở tháng thứ 7.
Theo kinh nghiệm của bản thân, bạn nghĩ rằng mọi người nên cân nhắc những yếu tố nào trước khi quyết định cải tạo nhà?
Đầu tiên chắc chắn là vấn đề tài chính, bạn phải xây dựng được một kế hoạch cụ thể về khả năng tài chính của bạn, ngân sách có thể chi ra tối đa là bao nhiêu cho việc cải tạo nhà cửa.
Tiếp đến là bạn phải nắm chắc được càng rõ càng tốt nhu cầu của bản thân. Tại sao bạn lại muốn sửa nhà, cải tạo để làm gì, các nhu cầu cụ thể cho từng không gian là gì, phong cách bạn thích, màu sắc bạn yêu, thời gian bạn cần là bao giờ,... Bạn càng có đề bài rõ ràng cụ thể, càng dễ hình dung trong đầu căn nhà sau này của bạn sẽ như thế nào, và dễ dàng làm việc trao đổi với các KTS.
Bước nữa là bạn nên tìm đến các KTS, những người có chuyên môn để giúp đỡ bạn hiện thực hóa mong muốn đó. Việc tìm được KTS phù hợp, hiểu mong muốn của bạn sẽ không quá khó nếu bạn thật sự đã có sẵn một đề bài chi tiết cho họ. Đừng tiếc chi phí cho việc thuê KTS bởi thật sự họ sẽ mang lại cho bạn rất nhiều giá trị, không chỉ là bản vẽ thiết kế.
Cuối cùng, bạn cần xác định cải tạo nhà là làm cho bạn, gia đình bạn ở và sử dụng. Mọi ý kiến đóng góp tham khảo của bạn bè, bố mẹ người thân, họ hàng chỉ nên dừng lại ở mức độ tham khảo. Đừng nghe quá nhiều lời khuyên, tham khảo quá nhiều ý kiến, để rồi đến cuối cùng căn nhà của bạn sẽ trở thành một sản phẩm đẽo cày giữa đường, và không có một tính tổng thể thống nhất.
Xin cảm ơn Ngọc Anh vì những chia sẻ!
Ảnh: NVCC