Trong khoảng thời gian từ tháng 8/2022 đến 12/9/2022, bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận hơn 400 ca mắc và 6 ca tử vong có nhiễm virus Adeno. Đây là con số gia tăng đột biến khiến các chuyên gia y tế rung lên hồi chuông cảnh báo.
Vậy làm thế nào để nhận biết dấu hiệu của bệnh do virus Adeno? Làm gì để bảo vệ con trẻ? Hãy cùng BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, giải mã 'tất tần tật' về virus Adeno trong buổi tọa đàm của chương trình Chuyện khó có bác sĩ với chủ đề "Nhận biết và phòng ngừa virus Adeno".
Dưới đây là một số nội dung chính của chương trình:
Vì sao gia tăng số ca bệnh do virus Adeno?
Hỏi: Virus Adeno là loại virus gì? Virus Adeno có thể gây ra các bệnh lý như thế nào?
Đáp: Virus Adeno là loại virus quen thuộc, lây qua đường hô hấp, thường trú ở hầu họng của người bệnh. Virus Adeno có thể gây bệnh quanh năm, tùy theo thời tiết và độ miễn dịch cộng đồng. Virus Adeno thường gây ra bệnh về đường hô hấp kèm đau mắt đỏ.
Hỏi: Virus Adeno lây truyền qua những con đường nào?
Đáp: Virus Adeno thường lây truyền qua đường giọt bắn khi nói chuyện hoặc tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh. Ngoài ra, virus Adeno cũng có thể gây bệnh gián tiếp khi người bệnh ho, virus bám vào bàn tay hoặc bám vào các bề mặt phẳng, người khác chạm vào sễ có nguy cơ bị nhiễm bệnh.
Hỏi: Vì sao trong thời gian gần đây lại có sự gia tăng đột biến số ca bệnh do virus Adeno? Điều này có phải là bất thường hay không?
Đáp: Do gần đây có nhiều trẻ mắc bệnh đường hô hấp trên và các bệnh viện có chiến dịch tìm hiểu nguyên nhân mắc viêm hô hấp, viêm phổi. Sau khi thực hiện xét nghiệm, chúng ta phát hiện ra trẻ nhiễm bệnh do virus Adeno. Việc trẻ mắc bệnh đường hô hấp do nhiễm virus Adeno hay do các loại virus khác đều không ảnh hưởng đến phương pháp điều trị bệnh.
Hỏi: Nhiều người cho rằng việc bùng phát bệnh do virus Adeno có liên quan tới COVID-19. Xin bác sĩ giải đáp thông tin này.
Đáp: Bác sĩ Khanh cho biết, việc bùng phát bệnh do virus Adeno gây ra hoàn toàn không liên quan đến COVID-19 mà có thể liên quan đến khoảng thời gian giãn cách trước đó. Việc giãn cách khiến trẻ em không thể hòa nhập với cộng đồng, điều này gây ảnh hưởng tới hệ miễn dịch của trẻ đối với các loại virus bao gồm cả virus Adeno. Do đó, khi trẻ tái hòa nhập với cộng đồng với ‘lỗ hổng’ miễn dịch khiến số ca mắc tăng cao.
Hỏi: Virus Adeno nguy hiểm tới mức nào? Những trẻ nào có nguy cơ chuyển nặng nếu nhiễm virus này?
Đáp: Virus Adeno là loại virus phổ biến dễ lây lan, thường trú trong họng của những người bị cảm nhẹ, những người bị viêm hô hấp. Số ca mắc virus Adeno tăng cao sẽ gây quá tải và khó khăn cho việc chăm sóc, điều trị bệnh. Ngoài ra, số ca mắc tăng cao cũng có thể gây ra tình trạng bội nhiễm cho cả những trẻ không mắc virus Adeno vào viện khám.
Những trẻ mắc virus Adeno vào viện khám cũng có nguy cơ cao mắc thêm các bệnh khác, làm tăng nguy cơ trở nặng. Những trẻ bị tim bẩm sinh, hen suyễn, mắc bệnh phổi mạn tính,... cũng là nhóm có nguy cơ trở nặng khi nhiễm virus Adeno.
Nhận biết bệnh do virus Adeno
Hỏi: Vậy khi nhiễm virus Adeno, trẻ có thể có những dấu hiệu gì? Dấu hiệu nào cảnh báo nguy hiểm cần nhập viện?
Đáp: Dấu hiệu nhận biết trẻ nhiễm bệnh virus Adeno như sốt; ho; sổ mũi; đau mắt đỏ.
Dấu hiệu cảnh báo trẻ cần nhập viện thường là dấu hiệu của viêm đường hô hấp dưới như thở lõm, sốt cao trên 48 tiếng không dứt.
Hỏi: Trên mạng xã hội các phụ huynh đang mách nhau rằng khi thấy con khò khè, ho hắng thì nên đưa con đi làm xét nghiệm để ‘tìm’ virus Adeno. Điều này có cần thiết không thưa BS?
Đáp: Việc cho con xét nghiệm để ‘tìm’ virus Adeno hoàn toàn không cần thiết. Cha mẹ chỉ cần cho trẻ đi khám để xác định xem trẻ nhiễm bệnh do virus hay vi khuẩn gây ra để có phương pháp điều trị hợp lý.
Điều cha mẹ cần làm là theo dõi các triệu chứng của trẻ như sốt cao không dứt, đếm nhịp thở, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và tiến hành bù nước cho trẻ để trẻ mau khỏi bệnh. Ngoài ra, khi cha mẹ thấy trẻ có dấu hiệu viêm đường hô hấp dưới hoặc sốt cao trên 48 tiếng, cha mẹ cần cho trẻ nhập viện để thăm khám và theo dõi bệnh.
Hỏi: Các triệu chứng của bệnh do virus Adeno có thể kéo dài trong bao lâu là bình thường?
Đáp: Tùy theo cơ địa của từng người mà thời gian nhiễm bệnh do virus Adeno có thể kéo dài 3 - 7 ngày. Tuy nhiên, người nhiễm bệnh do virus Adeno có thể bị bội nhiễm và bệnh có thể kéo dài đến 2 - 3 tuần.
Dự phòng và điều trị bệnh do virus Adeno
Hỏi: Phụ huynh có nên tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị bệnh cho trẻ hay không? Điều này có gây nguy hại gì đến sức khỏe của trẻ hay không?
Đáp: Cha mẹ không nên tự ý mua thuốc để điều trị bệnh cho trẻ. Bởi vì, các loại thuốc để điều trị triệu chứng cần phải uống đúng theo lứa tuổi; thuốc hạ sốt cần uống đủ liều cho từng độ tuổi khác nhau.
Đối với thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh không có tác dụng trong điều trị bệnh do virus và virus Adeno gây ra. Ngược lại, thuốc kháng sinh còn khiến trẻ mệt mỏi hơn hoặc thậm chí gây ra tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ, khiến việc điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn. Do đó, thuốc kháng sinh cần uống đúng theo chỉ định của bác sĩ và cha mẹ không nên tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ.
Hỏi: Làm thế nào để chủ động phòng tránh bệnh do virus Adeno, đặc biệt khi virus này có thể tồn tại ở những người không mang triệu chứng?
Đáp: Việc phòng ngừa bệnh do virus Adeno gây ra tương đối khó. Tuy nhiên, chúng ta có thể áp dụng một số phương pháp sau để phòng ngừa bệnh:
- Người lớn chủ động phòng tránh bệnh cho trẻ em. Ví dụ như sau khi về nhà hoặc sau khi chạm vào các đồ vật, người lớn cần rửa tay với xà phòng, thay quần áo sạch rồi mới ôm hôn trẻ để tránh virus bám trên người lây cho trẻ.
- Nếu nhận thấy bản thân có các triệu chứng như ho, sổ mũi, cần đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc trực tiếp với trẻ con để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
- Cha mẹ cần vệ sinh nhà cửa thường xuyên.
- Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên cho trẻ cách ly ở nhà để hạn chế nguy cơ lây nhiễm sang những trẻ khác.
- Cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen rửa tay đúng cách.
- Cần cho trẻ ăn đủ chất, uống đủ nước, nghỉ ngơi đầy đủ để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Hỏi: Virus Adeno có thể gặp ở những trẻ sơ sinh. Vậy nhỏ tuổi như vậy, cách phòng tránh có khác gì với trẻ lớn tuổi hơn? Người lớn cần làm gì để phòng tránh lây nhiễm cho con?
Đáp: Trẻ sơ sinh nhiễm virus Adeno thường tương đối nặng. Vì vậy, để phòng tránh bệnh ở trẻ sơ sinh, cha mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với càng ít người càng tốt và người lớn cần chủ động bảo vệ trẻ bằng cách rửa tay với xà phòng, thay quần áo sạch trước khi chăm sóc trẻ.
Hỏi: Virus Adeno có vắc xin phòng bệnh chưa?
Đáp: Hiện chúng ta vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh do virus Adeno gây ra.
Hỏi: Khi trẻ bị nhiễm virus Adeno, cần chăm sóc như thế nào?
Đáp: Phương pháp chăm sóc trẻ nhiễm virus Adeno giống với phương pháp chăm sóc trẻ bị viêm hô hấp trên do virus. Cụ thể, chúng ta cần điều trị triệu chứng ở trẻ.
- Giảm tình trạng ngạt mũi ở trẻ để trẻ dễ dàng ăn uống và nghỉ ngơi hơn.
- Bổ sung đủ nước cho trẻ.
- Sử dụng thuốc ho để giảm ho.
- Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi, giảm tình trạng sổ mũi.
- Nếu trẻ sốt cao không dứt, cần cho trẻ đi khám để loại trừ sốt xuất huyết.
- Đếm nhịp thở của trẻ, quan sát tình trạng thở lõm ở trẻ.
Thông thường trẻ mắc bệnh do virus Adeno gây ra thường khỏi sau 3 - 7 ngày. Tuy nhiên, trẻ vẫn có khả năng trở nặng nhưng tỷ lệ trẻ trở nặng tương đối ít.
Hỏi: Điều quan trọng nhất để phòng tránh biến chứng nguy hiểm trong khi điều trị bệnh do virus Adeno là gì?
Đáp: Để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm, cha mẹ cần chú ý quan sát các triệu chứng như thở lõm, sốt cao không dứt ở trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cần bổ sung đủ nước để làm loãng đờm, tránh cho đường thở bị tắc, tạo điều kiện thuận lợi cho virus lan xuống phổi.