VinFast liên tục tặng quà khách hàng cũ: Chiêu marketing cực kỳ lợi hại để thu hút khách hàng mới

PV | 08-12-2020 - 10:49 AM

(Tổ Quốc) - “Có lẽ tới đây các giáo trình marketing sẽ phải được bổ sung bởi nếu chỉ dùng các lý thuyết hiện nay thì khó có thể giải thích hết cách làm khác biệt của VinFast” - chuyên gia marketing Lê Thọ Phú nhận định về “bom tấn” mới nhất mà hãng xe Việt vừa tung ra.

VinFast vừa tiếp tục khiến thị trường "choáng váng" với gói quà tặng tri ân khách hàng cũ với tổng giá trị lên tới 600 tỷ đồng. Động thái này được đánh giá là đi ngược lại cách làm truyền thống của các hãng xe mỗi dịp cuối năm.

Luôn nhớ tới khách hàng cũ – trải nghiệm chỉ có ở hãng xe Việt

"Phát…mệt vì nhận quà" là lời "than phiền" của anh Đặng Linh (Đống Đa, Hà Nội), một chủ xe VinFast, khi biết tin hãng xe Việt thông báo chi 600 tỷ đồng "bao" 30.000 khách hàng cũ đi nghỉ tại hệ thống Vinpearl.

Mua xe được hơn 1 năm, anh Linh đã 2 lần "phải" đi nghỉ theo cách ai-cũng-muốn như vậy. Lần đầu là hồi tháng 9/2019, không lâu sau khi anh chuyển sang sử dụng VinFast, với gói nghỉ dưỡng 50 triệu đồng. Tính cả lần thứ 2 này, chỉ riêng tiền du lịch, anh Linh đã được hãng "bao" tới gần 80 triệu đồng, chưa kể hàng loạt ưu đãi khác mà anh đã hưởng suốt hơn 1 năm qua: miễn phí gửi xe tại Vinhomes, Vincom, quà tặng tri ân 120 triệu đồng…

"Tôi mua ô tô lần đầu năm 2006. Hơn chục năm trải nghiệm với đủ các dòng xe Nhật, Hàn, tôi chưa từng một lần được tặng quà, chưa nói gì đến quà khủng như VinFast", anh Đặng Linh nhớ lại.

Gần như bị bỏ quên sau khi mua xe cũng là cảm giác mà anh Hải Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội), một fan lâu năm của xe Hàn, từng trải qua. Anh Hà cho biết, thỉnh thoảng anh cũng nhận được tin nhắn của hãng, nhưng chỉ là các tin nhắc đi bảo dưỡng, còn tặng quà là điều không tưởng. Bởi thế, việc "bị" VinFast "ép" nhận quà cả chục triệu đồng dù đã mua xe hơn nửa năm khiến anh khá sốc.

"Năm vừa rồi kinh tế khó khăn nên nhà tôi định cắt hẳn khoản du lịch. Món quà của VinFast đến rất đúng lúc. Quả thật, VinFast chưa từng làm tôi thất vọng", anh Hải Hà hồ hởi.

Những ngày qua, các diễn đàn về ô tô ngập tràn lời khen về chính sách hậu mãi "khác người" của VinFast. Ngay cả những người không đi xe của hãng xe này cũng phải trầm trồ, thậm chí… ghen tị về những đặc quyền mà các VinFaster liên tục được hưởng.

Cụ thể, mỗi chủ xe Fadil được tặng một kỳ nghỉ 3 ngày 2 đêm tại Vinpearl trị giá 13 triệu đồng. Với thời gian nghỉ dưỡng tương tự, khách hàng sở hữu xe Lux A2.0 hoặc SA2.0 được nhận gói quà tặng lên tới 26 triệu đồng. Đặc biệt, combo quà tri ân ăn-nghỉ-vui chơi không giới hạn dành cho các chủ nhân của siêu phẩm VinFast President có trị giá lên tới 330 triệu đồng. Ước tính có khoảng 30.000 khách hàng đang sở hữu ô tô VinFast nhận được quà, với tổng trị giá hơn 600 tỷ đồng.

VinFast dẫn dắt thị trường theo hướng đi mới

Nhìn lại loạt chính sách mà "vua ưu đãi" VinFast đã triển khai thời gian qua, chuyên gia marketing Lê Thọ Phú cho rằng luôn có bóng dáng của khách hàng cũ, từ quà tặng tri ân, bảo hành 5 năm đến tặng voucher nghỉ dưỡng. Trong đó, "bom tấn" 600 tỷ tri ân khách cũ trong thời điểm "hãng xe mới là thượng đế" theo thông lệ cuối năm khiến ngay cả những khách hàng khó tính nhất cũng phải "rung rinh".

"Có thể nói, VinFast đã rất thành công khi vừa tôn vinh các khách hàng cũ lại vừa khơi gợi được mong muốn của khách hàng mới, khiến họ muốn được sở hữu xe VinFast để được hưởng các đặc quyền đó", ông Phú phân tích.

Đi sâu bình luận, vị chuyên gia lâu năm trong ngành ô tô cho biết phần lớn các doanh nghiệp đều tập trung thu hút khách hàng mới (Customer Acquisition) thay vì giữ chân khách hàng cũ (Customer Retention), bởi đây là cách làm nhanh và hiệu quả để tăng doanh thu.

Bậc thầy về marketing Doug Hall, tác giả cuốn "Meaningful Marketing", cũng chỉ ra rằng đối với sự tăng trưởng lợi nhuận nhanh chóng của công ty, khách hàng mới quan trọng gấp 2,8 lần so với khách hàng cũ. Bởi thế, rất ít doanh nghiệp sẵn sàng đổ tiền vào "người cũ" như VinFast.

"Các giáo trình marketing nên chăng bổ sung trường hợp của VinFast như một case-study (trường hợp điển hình) về mô hình kinh doanh lấy khách hàng làm trung tâm theo kiểu mới", chuyên gia Lê Thọ Phú phân tích.

Từ một góc nhìn khác, TS. Vinh Hạnh (Đại học Kinh tế Quốc dân) lấy ví dụ về một hãng xe lớn của Nhật Bản, vào thị trường Việt Nam đã hơn 20 năm nhưng dịp kỷ niệm cũng chỉ tặng khách hàng món quà khá khiêm tốn trị giá dưới 2 triệu đồng và chỉ áp dụng cho khách hàng mới. TS. Hạnh cho rằng với thị trường ô tô, việc áp dụng các chính sách hậu mãi hào phóng cho khách hàng cũ là điều hiếm thấy.

"Ô tô không phải sản phẩm có vòng đời ngắn mà người dùng có thể thay đổi thường xuyên. Cách làm ‘ngược đời’ của VinFast vì thế là một sự đột phá", vị chuyên gia marketing nhận định.

Thực tế, hiệu ứng lan tỏa mà VinFast tạo ra cho thị trường Việt thời gian qua là không nhỏ. Các "độc chiêu" mà VinFast triển khai dù được đánh giá là "dễ thấy, khó làm" nhưng đã góp phần kích hoạt những thay đổi tích cực của thị trường. Một số chính sách mà VinFast tiên phong đưa ra như bảo hành 5 năm, tặng phí trước bạ… đã được nhiều hãng xe ngoại học theo.

"Kể từ khi có sự góp mặt của VinFast, khách hàng đã được hưởng nhiều quyền lợi và được tôn trọng hơn. Rõ ràng VinFast đang dẫn dắt thị trường theo hướng đi mới lành mạnh hơn", chuyên gia Lê Thọ Phú đánh giá.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Techcombank và hành trình gần 1 thập kỷ cùng giải chạy biểu trưng thành phố

Đồng hành với Giải Marathon Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh Techcombank từ những mùa đầu tiên, Techcombank không ngừng lan tỏa tinh thần "Bước Chạy Vì Một Việt Nam Vượt Trội", cổ vũ ý chí kiên định, tinh thần bền bỉ, hướng đến mục tiêu kiến tạo lối sống khỏe trong cộng đồng.