CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, VNM) cho biết đã tăng vốn đầu tư tại Lao-Jagro từ 25,4 triệu USD lên 66,4 triệu USD, mục tiêu hoàn thiện trang trại 4.000 con bò sữa hữu cơ (organic) thứ nhất và đầu tư trang trại bò sữa công nghệ cao qui mô 4.000 con cao sản (HF) thứ hai.
Tháng 7/2018, Vinamilk công bố nắm giữ 51% vốn tại Lao-Jagro với mục tiêu phát triển dự án Tổ hợp trang trại bò sữa organic tại Lào. Hiện, Lao-Jagro do bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk làm Chủ tịch HĐQT. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án được khởi công vào cuối tháng 5/2019 với tổng vốn đầu tư vào mức 120 triệu USD, trên quy mô 5.000 ha với tổng đàn 24.000 con bò. Giai đoạn 2 có diện tích lên đến 15.000 - 20.000 ha với tổng số đàn bò dự kiến 100.000 con. Tổng mức đầu tư cho cả hai giai đoạn dự kiến là 500 triệu USD.
Là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành sữa nội địa, trong bối cảnh thị trường tăng trưởng chậm lại, Vinamilk xác định để gia tăng hiệu quả kinh doanh, tạo thêm giá trị cho cổ đông Công ty cần phải tự chủ vùng nguyên liệu. Theo đó, song song với việc phát triển thị phần nước ngoài, Vinamilk cũng chú trọng đầu tư ở rộng vùng nguyên liệu, chủ yếu thông qua các thương vụ M&A. Đơn cử, cùng việc sở hữu 75% cổ phần của GTNFoods – có quyền chi phối tại Sữa Mộc Châu với đàn bò 25.000 con tại cao nguyên Mộc Châu, vùng nguyên liệu của Vinamilk tính đến cuối năm 2019 bao gồm tổng đàn 30.000 con bò tại 12 trang trại chuẩn Global Gap.
Dự kiến trong 2020, Vinamilk cũng sẽ hoàn thiện và có thêm Trang trại Bò sữa Quảng Ngãi đi vào hoạt động trong quý 2, đồng thời một Trung tâm Cấy truyền phôi sẽ đi vào hoạt động cuối tháng 3/2020 nhằm phục vụ nhu cầu chọn lọc cung cấp nguồn gen ưu tú vượt trội với tổng mức đầu tư là 25 tỷ đồng. Vinamilk dự kiến sẽ khởi công xây dựng thêm các trang trại bò sữa tại Đồng Nai, Cần Thơ và Lào.
Công ty cũng thu mua sữa tươi nguyên liệu từ hộ nông dân thông qua 83 trạm trung chuyển, với tổng đàn bò trong dân hơn 100.000 con, sản lượng mỗi ngày đạt 600 tấn sữa.
Cùng lợi thế về hệ thống phân phối, năm 2020 được người cầm cương Vinamilk xác định là năm tăng tốc khi chuyển giao vào một thập kỷ mới, đồng thời là năm thứ 4 của giai đoạn chiến lược 2017-2021.
Năm 2020, Vinamilk đặt mục tiêu kinh doanh với doanh thu ít nhất là 62.000 tỷ đồng (tăng 10% khi hợp nhất GTNFoods) và tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu tối thiểu 20%, tương đương mức lãi 12.400 tỷ đồng (giảm 3%).