Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, Vietjet đạt doanh thu hợp nhất 12.875 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 80 tỉ đồng.
Tiếp đà năm 2021, kết thúc quý I/2022, Vietjet tiếp tục đạt doanh thu hợp nhất toàn quý là 4.522 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 244 tỉ đồng, lần lượt tăng 12% và 98% so với cùng kỳ năm 2021.
Nếu chỉ tính riêng mảng vận tải hàng không, trong ba tháng đầu năm 2022, Vietjet đạt doanh thu 3.340 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021, đạt lợi nhuận sau thuế 40 tỉ đồng.
Sẵn sàng khi thị trường mở cửa
Lí giải về kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2021 và tích cực trong quý I/2022, ông Đinh Việt Phương, Giám đốc điều hành Vietjet, cho biết việc mở cửa hoàn toàn các hoạt động kinh tế trên cả nước, mở cửa giao thương kinh tế quốc tế đã thúc đẩy ngành hàng không khai thác hiệu quả nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa trong nước, quốc tế.
Trong ba tháng đầu năm 2022, Vietjet đã mở lại toàn bộ mạng bay nội địa và nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ; thực hiện 20.000 chuyến bay và vận chuyển hơn 3 triệu lượt khách trên gần 60 đường bay nội địa và quốc tế được khai khác.
Ông Đinh Việt Phương, nhấn mạnh: "Kết quả này cho thấy Vietjet đã phục hồi mạnh sau đại dịch Covid-19".
Tăng cường vận chuyển hàng hóa
Bên cạnh vận chuyển hành khách, Vietjet tiếp tục ghi dấu ấn trong mảng kinh doanh vận chuyển hàng hóa. Tính cả năm 2021, hãng đã vận chuyển hơn 66 nghìn tấn hàng hóa, đạt doanh thu tăng trưởng trên 200% so với cùng kỳ. Ba tháng đầu năm 2022, Vietjet vận chuyển hơn 12,5 nghìn tấn hàng hóa.
Hàng hóa do Vietjet vận chuyển ngày càng đa dạng về cách thức, phong phú loại sản phẩm, bám sát sự phát triển của thị trường logistic. Trong đó, Công ty Swift247 với 67% vốn từ Vietjet đã cho ra mắt sản phẩm SWIFT Mega - dịch vụ vận chuyển đơn hàng tải trọng lớn theo chuyến bay trên nền tảng công nghệ trực tuyến, bên cạnh dịch vụ chuyển phát nhanh siêu hỏa tốc.
Năm 2021, Tạp chí về vận tải hàng không Payload Aisa đã vinh danh Vietjet là Hãng hàng không vận chuyển hàng hoá trong khoang hành lí tốt nhất của năm và Hãng hàng không chi phí thấp có hoạt động vận chuyển hàng hoá tốt nhất năm.
Ngoài ra, năm 2021 cũng ghi nhận 1 năm hoạt động thành công của Trung tâm Khai thác Dịch vụ Mặt đất (VJGS) của Vietjet. VJGS đã phục vụ 25.217 chuyến bay với gần 4,5 triệu lượt khách, vận chuyển 64.031 tấn hàng hóa các loại, doanh thu các dịch vụ phụ trợ đạt 112,43% kế hoạch. Trung tâm đã đạt được bước tiến đáng kể trong kế hoạch chủ động thực hiện dịch vụ mặt đất, nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu chi phí.
Xây dựng hàng không số, hàng không tiêu dùng
Năm 2021, Vietjet đã ra mắt website và App mới với gần 3 triệu thành viên của chương trình khách hàng thân thiết Sky Club. Cùng với đó, Vietjet đang khẩn trương thực hiện các dự án chuyển đổi số để thúc đẩy các dịch vụ gia tăng như cung cấp wireless, mua sắm, logistic, dịch vụ xét nghiệm, y tế, khách sạn.., trên các website, app, tăng cường các dịch vụ mặt đất, dịch vụ đào tạo phi công, nhân lực hàng không, không chỉ phục vụ cho hãng mà còn hướng đến phục vụ cho các hãng hàng không trong khu vực.
Theo ông Đinh Việt Phương, hãng cũng tiếp cận và bắt đầu khai thác dòng tàu bay thân rộng A330 thế hệ mới với công nghệ kiểm soát tiếng ồn, tối ưu hóa chi phí vận hành, và số lượng ghế lên tới 377 ghế, nhiều nhất trong các hãng hàng không tại Việt Nam.
"Những tín hiệu phục hồi của Vietjet trong các tháng đầu năm cho thấy bức tranh sáng sủa của hãng trong năm nay. Vietjet đã trở lại và đang mang tới cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ mới mẻ của một hãng hàng không tiêu dùng, ứng dụng công nghệ với liên tục các chương trình khuyến mãi hấp dẫn trên những chuyến bay tiện nghi, an toàn", Giám đốc điều hành Vietjet khẳng định.