Thanh toán “không tiền mặt” đã và đang trở thành lựa chọn ưu tiên của người dân Việt Nam và chiếm thị phần lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) của quốc gia.
Theo dự báo của Robocash Group, tập đoàn tài chính chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính ở khu vực châu Á và châu Âu, Việt Nam sắp trở thành một trung tâm Fintech mới của Đông Nam Á với lượng đối tượng người tiêu dùng lớn.
Thống kê năm 2022 của tập đoàn cho thấy, cứ mỗi giây, người Việt Nam sử dụng ít nhất một dịch vụ Fintech. Nhu cầu về các dịch vụ kỹ thuật số, gồm giao dịch, thanh toán và ví của người Việt Nam là rất đáng chú ý.
Việt Nam - Điểm sáng về phát triển Fintech tại Đông Nam Á
Báo cáo của Tập đoàn Robocash cho biết, Việt Nam có nhiều yếu tố trở thành một trong những thị trường fintech hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Thứ nhất, dân số đông đảo và là đối tượng tiềm năng của Fintech. Theo đó, Việt Nam có dân số gần cán mốc 100 triệu người và độ tuổi trung bình là 32,5 tuổi (cũng là thời điểm người tiêu dùng năng động nhất).
Người dân có quyền truy cập rộng rãi vào công nghệ (mức độ thâm nhập của Internet là 73%, 98% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh) và có sự phát triển tài chính khá ổn định (thu nhập trung bình hàng năm là 3.600 USD, tương đương với Indonesia và Philippines).
“Đây là những yếu tố tạo ra một thị phần màu mỡ để tăng tốc phát triển Fintech”, chủ tịch một công ty tư vấn nhận định.
Thứ hai, Việt Nam đang bứt phá trong cuộc đua trở thành nền kinh tế không tiền mặt hàng đầu khu vực. Cụ thể, sau đại dịch, tỷ lệ chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã tăng lên 95%, một trong những tỷ lệ cao nhất ở Đông Nam Á.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho hay, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 85,6% về số lượng và tăng 31,39% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 89,36% và 40,55%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 116,1% và 92,3%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 182,5% và 210,6%; giao dịch qua POS tăng tương ứng 53,57% và 48,78%; giao dịch qua ATM tăng tương ứng 13,28% và 14,04%.
Thứ ba, thực tế cho thấy, thị trường Fintech Việt Nam chưa bão hòa so với các nước lân cận. Điều này đúng cho cả nhu cầu (chỉ 27% người trưởng thành sử dụng trang web/ứng dụng di động cho các dịch vụ ngân hàng, đầu tư hoặc bảo hiểm hàng tháng) và nguồn cung - số lượng công ty fintech trong nước vào tháng 9/2022 ước tính chỉ có 188.
Con số này ít hơn nhiều hơn ở các nước láng giềng như Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines hay Thái Lan, thu hút sự chú ý ngày càng tăng của các nhà đầu tư. Xét về các thương vụ tài trợ cho Fintech trong ASEAN+6, Việt Nam đứng ở vị trí thứ ba (sau Singapore và Indonesia), theo báo cáo của UOB và Hiệp hội Fintech Singapore công bố vào giữa tháng 11/2021.
Robocash Group dự báo, năm 2024, thị trường Fintech Việt Nam sẽ chạm mốc 18 tỷ USD (tăng gấp 4 so với mức 4,5 tỷ USD năm 2016). Ước tính, 93% vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam được dành cho mảng ví điện tử và thanh toán điện tử.
Có thể nói rằng, Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để phát triển lĩnh vực Fintech dựa trên những lợi thế về quy mô dân số và nguồn nhân lực am hiểu công nghệ thông tin.
Tập đoàn Thái Lan chọn đặt trung tâm công nghệ để phát triển phần mềm
Dưới làn sóng bùng nổ của công nghệ tài chính Fintech, nhiều tập đoàn trên toàn cầu đã có những chiến lược đầu tư công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm cho khách hàng, đồng thời tham gia vào cuộc đua thị phần ở Việt Nam - một trong những thị trường năng động nhất Châu Á.
Mới đây nhất là sự góp mặt của KBTG (KASIKORN Business-Technology Group), một công ty công nghệ đứng sau sự thành công của “đại gia” ngân hàng số Thái Lan Kbank.
Tập đoàn công nghệ Thái Lan này vừa thành lập Trung tâm công nghệ thứ 3 tại Châu Á đặt tại Việt Nam và thông báo sẽ thu hút hơn 500 nhân sự trong vòng ba năm tới để đưa KBTG trở thành công ty hàng đầu ngành công nghệ tại khu vực. Với bước đi này, KBTG muốn có mặt trong nhóm 20 ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2027.
Với mục tiêu này, KBTG Việt Nam đặt văn phòng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã thông báo tuyển 200 nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong năm 2023 và trong 3 năm tới, sẽ tăng lên con số 500.
Dựa vào ưu thế vận hành nền tảng ngân hàng số tại Thái Lan, nguồn nhân lực chất lượng cao của KBTG ở Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam, công ty công nghệ này đặt kế hoạch tiến sâu vào các hoạt động kinh doanh công nghệ tại Việt Nam, bao gồm AI, blockchain, chuỗi cung ứng và phương pháp mã hóa. Từ đó, cung cấp trải nghiệm tài chính cho khách hàng tại Thái Lan, Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực.
Tại Thái Lan, KBank đứng trong top 3 ngân hàng lớn nhất xét về mặt tổng tài sản. Cuối tháng 5 vừa qua, với phương án được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, Ngân hàng Kasikorn - KBank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã tăng vốn điều lệ từ 80 triệu USD lên 285 triệu USD, tức tăng hơn 2,5 lần. Ứng dụng ngân hàng số K PLUS của KBank cũng đặt mục tiêu có được 1,3 triệu người dùng Việt Nam đến cuối năm nay.
Việc đặt chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh và văn phòng thứ 2 vừa khai trương tại Hà Nội, cũng là cách thức công ty công nghệ của KBank là KBTG Việt Nam tiếp cận các tài năng công nghệ tiềm năng và tạo điều kiện để nhân viên được làm việc ở nhiều thành phố khác nhau.