Đối với Eilynn Lew, người sáng lập công ty thiết bị phòng tắm Eilumina, đầu năm thường là khoảng thời gian bận rộn. Cô có nhiều triển lãm thương mại ở châu Âu cần tham dự và các thỏa thuận kinh doanh cần ký kết, sau đó vội vàng sản xuất và vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc. Tuy nhiên, năm nay, cô “đóng đô” tại Singapore, không chắc liệu cô có thể hoàn thành các đơn hàng của mình hay không vì các nhà máy Trung Quốc đều không hoạt động.
Kịch bản tồi tệ nhất với Lew là sản lượng của nhà máy không thể theo kịp nhu cầu và cô ấy sẽ mất doanh thu và phải bỏ ra tới 80.000 đô la Singapore (58.600 đô la Mỹ) trong tổng chi phí mỗi tháng. “Chúng tôi chỉ có thể chờ xem, chúng tôi không thể làm gì nhiều.”, Lew nói.
Trên khắp khu vực, nỗi lo về sự gián đoạn thương mại và chuỗi cung ứng đang gia tăng. Nhà phân tích Nonarit Bisonyabut của Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan cho biết, nếu nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, Thái Lan sẽ không thể bán nhiều máy tính và linh kiện điện tử, sản phẩm hóa học, cao su và nhựa cho một trong những đối tác thương mại lớn nhất của mình.
Ở New Zealand, các chuyến hàng tôm hùm và tôm càng sống cũng như việc xuất khẩu gỗ bị tạm ngừng, còn công dân thì buộc phải về nhà.
Trung Quốc là một gã khổng lồ, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) gần 14 nghìn tỷ đô la Mỹ trong năm 2018 - chiếm khoảng 1/5 GDP toàn cầu tính theo ngang giá sức mua, theo Ngân hàng Thế giới và 68 triệu người Trung Quốc đi du lịch quốc tế năm ngoái. Các quốc gia còn lại đang chuẩn bị chịu một “cú đấm” cực mạnh lên ngành du lịch, dịch vụ và sản xuất. Thị trường chứng khoán đã bị ảnh hưởng.
Đọc thêm tác động kinh tế của virus corona tại đây
Chuyên gia kinh tế của Đại học Quốc gia Úc, Warwick Mckibbin, ước tính tác động toàn cầu từ đợt bùng phát này sẽ gấp ba đến bốn lần so với 40 tỷ USD của SARS vào năm 2003 – khi GDP của Trung Quốc chỉ bằng 9% GDP toàn cầu. Các nền kinh tế cũng có đường cơ sở thấp hơn bây giờ, vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã là một lực cản đối với tăng trưởng toàn cầu.
Trong một báo cáo hồi tháng 1, các nhà nghiên cứu của Maybank Kim Eng cho biết Singapore và Thái Lan có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong ASEAN vì họ phụ thuộc nhiều vào thương mại và du lịch Trung Quốc, trong khi đó thì Malaysia và Việt Nam có thể sẽ chịu một tác động nhỏ hơn, với Indonesia và Philippines ít bị ảnh hưởng nhất.
Ngân hàng DBS của Singapore cho biết trong một lưu ý nghiên cứu vào thứ Sáu rằng họ đang hạ mức dự báo GDP thực tế năm 2020 từ mức 1,4% xuống còn 0,9%.
RẮC RỐI ĐỐI VỚI DU LỊCH
Sự bùng phát của virus corona là một đám mây đen xuất hiện trên bầu trời ngành du lịch toàn cầu, vì Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới về du lịch nước ngoài.
Trung Quốc là thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất của Thái Lan; khoảng 11 triệu người Trung Quốc đã đến thăm đất nước này vào năm ngoái, tạo ra doanh thu 550 tỷ baht (17,6 tỷ USD).
Giám đốc Cơ quan Du lịch Thái Lan (TAT) ông Yuthasak Supasorn cho biết từ nay đến tháng 4, Thái Lan sẽ chứng kiến lượng khách du lịch Trung Quốc giảm 80% và mất khoảng 95 tỷ baht doanh thu du lịch. Ông hy vọng Trung Quốc sẽ dỡ bỏ lệnh đình chỉ trong vòng ba tháng, nhưng nghĩ rằng sẽ mất thêm vài tháng nữa để các doanh nghiệp phục hồi.
Ongart Saejang, một công ty lữ hành tại Phuket, cho biết vẫn còn một số du khách Trung Quốc bị mắc kẹt trên đảo vì Thai Airways và Thai AirAsia đã tạm dừng hoặc giảm các chuyến bay đến một số thành phố của Trung Quốc cho đến cuối tháng này. Nếu không có khách du lịch, công việc của khoảng 2.000 hướng dẫn viên nói tiếng Trung trên đảo sẽ đứng trước rủi ro lớn, ông nói.
Tại Úc, Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg đã cảnh báo rằng virus này sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế. Ông nói rằng virus đã gây thiệt hại cho ngành du lịch 1 tỷ đô la Úc (668 triệu đô la Mỹ) mỗi tháng và “phá hủy” các ngành công nghiệp khác, ảnh hưởng đến số lượng sinh viên quốc tế và kinh doanh xuất khẩu thủy sản.
Tại Nhật Bản, nơi một phần ba số khách du lịch nội địa đến từ Trung Quốc và chiếm gần 40% chi tiêu du lịch, một chuyên gia kinh tế dự báo ảnh hưởng lên nền kinh tế nước này là gần 200 tỷ yên (1,85 tỷ USD).
Tại Singapore, chính quyền cho biết số lượng khách du lịch Trung Quốc đã giảm 80% kể từ khi Trung Quốc áp đặt các hạn chế đối với du lịch nước ngoài. Chính quyền thành phố đang chuẩn bị một gói tài chính để đối phó với tác động của virus lên nền kinh tế và đã công bố một loạt các biện pháp cho ngành du lịch, bao gồm miễn lệ phí giấy phép cho khách sạn, đại lý du lịch và hướng dẫn viên du lịch.
Ghi chú nghiên cứu của DBS cho biết cứ trong 3 tháng diễn ra lệnh cấm du lịch, Singapore dự kiến sẽ bị giảm khoảng 1 triệu khách du lịch hoặc khoảng 1 tỷ đô la Singapore doanh thu du lịch.
ĐIỂM TỚI HẠN?
Tuy nhiên, giữa những lo lắng, một số nhà phân tích cho rằng dịch bệnh sẽ chỉ có tác động ngắn hạn đối với các nền kinh tế châu Á. Nhà phân tích người Thái Lan Nonarit cho biết ông dự kiến tình hình sẽ được kiểm soát trong sáu tháng. Mặc dù virus này dễ lây lan hơn so với SARS, nhưng có nguy cơ tử vong thấp hơn và chính phủ Trung Quốc chia sẻ nhiều thông tin hơn so với trong cuộc khủng hoảng SARS.
Aksornsri Phanishsarn, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Thammasat, cho biết thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung được ký vào tháng trước - tạo tiền đề cho mối quan hệ suôn sẻ hơn giữa hai siêu cường quốc- sẽ giảm thiểu tác động của vụ dịch.
Jareeporn Jarukornsakul, giám đốc điều hành của nhà phát triển bất động sản công nghiệp WHA Group, chỉ ra rằng các thỏa thuận cơ sở hạ tầng và việc di dời các công ty Trung Quốc sang Thái Lan là các dự án dài hạn sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của dịch bệnh.
Tuy nhiên, Ngân hàng Thái Lan đã cắt giảm lãi suất chính sách xuống mức thấp kỷ lục, với việc thống đốc ngân hàng trung ương phải viện dẫn một “ý thức khẩn cấp”.
Maybank Kim Eng hy vọng rằng Singapore sẽ tăng trưởng trở lại trong quý thứ hai của năm khi dịch bệnh được kiểm soát và chính phủ nới lỏng kiểm soát biên giới.
Nhưng nhà kinh tế học của DBS, Irvin Seah nói rằng còn quá sớm để “nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm” cho sự bùng phát dịch bệnh hiện tại, vì tình hình đang rất “lỏng lẻo”.
“Chúng tôi không biết nó sẽ kéo dài bao lâu hoặc nghiêm trọng đến mức nào,” ông nói, và bổ sung rằng độ phủ sóng thông tin dịch bệnh tăng cao trong nước sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân, và từ đó làm tổn hại đến chi tiêu của người tiêu dùng, nhu cầu trong nước, như là cũng như năng suất làm việc vì công nhân có thể phải ở nhà. “Sau đó, tác động kinh tế sẽ lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta hiện đang thấy bởi vì đây không chỉ là vấn đề của Trung Quốc, đây sẽ trở thành một vấn đề khu vực hoặc toàn cầu.”
Đó cũng là quan điểm Darren Lum, giám đốc Star Engineers United tại Myanmar. Hiện tại, ông cho biết các hoạt động của mình không bị ảnh hưởng vì lực lượng lao động của ông là người địa phương và nguồn cung của ông cũng có nguồn gốc từ bên trong Myanmar. Ông ấy làm việc với các nhà thầu Trung Quốc, nhưng các cuộc thảo luận kinh doanh có thể được thực hiện từ xa.
Trong khi đó, các công ty châu Á có hoạt động tại Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài “nghiến răng” chờ đợi và giữ thái độ tích cực.
Cityneon, một công ty về dịch vụ triển lãm tương tác trên toàn cầu dựa trên các bộ phim bom tấn như The Hunger Games và Avengers của Marvel, được cho là sẽ khai mạc Triển lãm Thế giới Jurassic tại Thành Đô, Trung Quốc trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, họ đã phải đóng cửa.