Đại dịch Covid-19 được ví như là thời cơ, là cú huých trăm năm để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số, ông Phạm Đình Đoàn - thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC), Chủ tịch Dự án Di sản của ASEAN BAC, Chủ tịch tập đoàn Phú Thái - chia sẻ tại Diễn đàn khởi nghiệp ASEAN.
Diễn đàn khởi nghiệp ASEAN là sáng kiến của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác với dự án Mạng lưới khởi nghiệp Công nghệ số (Digital STARS), do VCCI, ASEAN BAC và các đối tác tổ chức theo hình thức kết hợp giữa hội thảo truyền thống với sự tham gia của các diễn giả nước ngoài thông qua cầu truyền hình.
Tại Diễn đàn, ông Phạm Đình Đoàn cũng công bố Báo cáo "Chuyển đổi số: Giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 và phát triển", được thực hiện bởi VCCI, VNPT hợp tác với Jetro.
Báo cáo cho thấy, trong sản xuất, vấn đề năng lực sản xuất suy giảm do các hạn chế hoạt động/làm việc tại nhà là khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng lớn hơn trong vấn đề thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu đầu. Ngược lại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại bị dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn hơn trong các vấn đề năng lực sản xuất suy giảm do các hạn chế hoạt động/làm việc tại nhà, khó dự đoán khối lượng dự trữ hàng hóa thích hợp, chậm trễ trong việc bảo trì/hỗ trợ kỹ thuật do các biện pháp hạn chế việc di chuyển.
Liên quan đến hoạt động bán hàng của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng lớn hơn nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các vấn đề Thị trường nước ngoài bị thu hẹp. Ngược lại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại bị dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn hơn các doanh nghiệp lớn trong các vấn đề Khó khăn trong việc giao tiếp để tìm kiếm khách hàng mới, Khó khăn trong việc giao tiếp để chăm sóc và theo dõi khách hàng hiện tại, thị trường trong nước bị thu hẹp.
Về doanh thu, tỷ lệ doanh nghiệp có mức doanh thu tăng đạt tỷ lệ rất thấp, còn lại có tới hơn 3/4 số doanh nghiệp có mức doanh thu giảm, trong đó doanh nghiệp có tỷ lệ giảm doanh thu từ 1-25% và từ 25-50% đạt tỷ lệ cao. Có hơn 18% số doanh nghiệp giảm hơn 50% doanh thu bởi dịch bệnh.
Doanh nghiệp tuy phần lớn đã trang bị những năng lực nhất định để tiến hành chuyển đổi số xong mới chỉ nằm ở mức độ cơ bản và sơ khai, tỷ lệ số hóa chiếm trong sản phẩm dịch vụ còn thấp, tỷ lệ đóng góp của các sản phẩm dịch vụ được số hóa trong tổng doanh thu không cao. Những rào cản chủ yếu khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong chuyển đổi số được kể đến như là chi phí ứng dụng công nghệ số cao, thiếu cơ sở hạ tầng, sợ rò rỉ dữ liệu doanh nghiệp, thiếu nhân lực có trình độ... trong đó chi phí là rào cản lớn nhất.
Trước những khó khăn kể trên, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều đề xuất mong muốn chính phủ có thêm những hỗ trợ để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong chuyển đổi số. Trong đó, xây dựng nên các quy tắc, quy định thúc đẩy kinh doanh không dùng giấy tờ, hỗ trợ tài chính cho ứng dụng công nghệ số và minh bạch hóa các quy tắc, quy định về quản lý dữ liệu là 3 kiến nghị được doanh nghiệp kỳ vọng nhiều nhất sẽ làm nên thay đổi lớn trong xu thế chuyển đổi số tại Việt Nam trong thời gian tới.
Cũng trong Diễn đàn Khởi nghiệp ASEAN lần này, top 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo do Ban cố vấn của Chương trình Digital STARS Showscase 2020 lựa chọn, sẽ trình bày với cộng động doanh nghiệp trong khu vực các giải pháp của mình và ứng dụng để giúp doanh nghiệp thành công trong chuyển đổi số, tạo lợi thế cạnh tranh và hướng tới phát triển bền vững.
Top 10 startup Việt được lựa chọn gồm nhiều cái tên quen thuộc, với Base.vn, Triip, Vbee, Vietnam Blockchain Corporation, Bigbom, 689 Cloud, APPA Group, bePOS, X-Media, KPIBSC.