Tính đến sáng ngày 30/9, Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết Việt Nam đã trải qua ngày thứ 28 không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 ở cộng đồng. Đây là lần thứ 2 chúng ta đối mặt với làn sóng COVID-19 và cũng thêm một lần đứng ở vị thế có thể kiểm soát thành công dịch bệnh này.
Cho dù là trong đợt dịch đầu tiên vào hồi tháng 3/2020, hay đợt dịch thứ 2 vào cuối tháng 6/2020, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng chính phủ đã chỉ thị thực hiện giãn cách xã hội. Cùng với sự chỉ đạo của Chính Phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, người dân toàn quốc đồng lòng thực hiện mọi biện pháp chống dịch. Cả nước luôn trong tâm thế "chống dịch như chống giặc" và quyết tâm cùng nhau đẩy lùi dịch. Và cho đến nay, có thể coi là chúng ta đã kiểm soát được dịch COVID-19.
Thời gian qua, không ít tờ báo thế giới đã đăng tải những bài viết nhận định về "bí quyết chống dịch" của Việt Nam. Nếu một lần nhìn lại, hẳn ai cũng phải đồng tình rằng chúng ta dập dịch hiệu quả nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và một phần không nhỏ nhờ ý thức người dân làm theo chỉ đạo.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân được yêu cầu đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên, không tiếp xúc với người lạ, tự lắng nghe những dấu hiệu bệnh của bản thân và kịp thời báo với cơ sở y tế gần nhất...
Và chúng ta đã làm rất tốt những điều này. Những hình ảnh người dân đi ngoài đường với chiếc khẩu trang trên mặt không còn xa lạ. Thậm chí, thời gian cao điểm dịch, không ít công ty, doanh nghiệp còn yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang khi đi trong thang máy, khi ngồi làm việc trong văn phòng.
Ngoài đeo khẩu trang, rửa tay với dung dịch rửa tay chứa cồn cũng là việc được Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện thường xuyên vì rửa tay chính là một trong những biện pháp có hiệu quả làm giảm sự lây nhiễm bệnh. Nhận thức được điều này, các cơ quan, tổ chức đã trang bị những chai nước rửa tay ở khắp mọi nơi. Còn người dân cũng tự ý thức được rằng đây là biện pháp phòng bệnh rất hiệu quả nên ai cũng tuân thủ việc rửa tay, có nhiều người còn luôn mang theo chai nước rửa tay bên mình để dùng trong những lúc cần thiết.
Cùng với đó, người dân luôn tuân thủ việc đo nhiệt độ cơ thể mỗi khi tới nơi làm việc, trẻ con tới lớp học. Việc này chỉ mất ít phút đồng hồ nhưng đảm bảo có thể phát hiện kịp thời những người có biểu hiện sốt để có thể nhanh chóng thực hiện việc kiểm tra chính xác hơn và đề nghị cách ly nếu cần thiết.
Trong những ngày chống dịch, hình ảnh các bác sĩ, nhân viên y tế tận tâm, không quản ngày đêm chăm sóc bệnh nhân đã để lại dấu ấn không nhỏ trong lòng người dân. Thời điểm ấy, có biết bao bác sĩ về hưu xung phong lên tuyến đầu chống dịch, bao con người chấp nhận rời xa gia đình để túc trực 24/24 trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm. Các y bác sỹ phải tạm gác lại chuyện gia đình, hạn chế tiếp xúc gần với người thân, cộng đồng trong suốt thời gian tham gia chống dịch. Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, họ còn là người bạn, luôn ở cạnh động viên, trấn an tâm lý bệnh nhân trong khu cách ly.
Bộ Y tế khuyến cáo đầy đủ thông tin, bác sĩ cương quyết chống dịch, người dân chủ động thực hiện... là những "chiến thuật" mà Việt Nam đã thực hiện rất tốt để đẩy lùi 2 đợt dịch COVID-19, thế nhưng như vậy vẫn chưa đủ bởi thứ "chiến thuật" vừa lợi hại, vừa đúng thời điểm của chúng ta đó chính là cương quyết "lọc tin giả".
Lọc tin giả - "chiến thuật" cực kỳ lợi hại
Còn nhớ những ngày đầu dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, trên mạng xã hội các dòng tin tức thật giả lẫn lộn về sự nguy hiểm của SARS-CoV-2 hay số lượng người tử vong vì dịch bệnh đã khiến cộng đồng thêm phần hoang mang, sợ hãi. Đặc biệt, những tin tức xoay quanh cái chết, cách lây lan... được lan truyền, chia sẻ nhanh khủng khiếp, càng gây hoang mang cho người dân.
Cũng trong thời điểm đó, hình ảnh người dân đổ xô đến các cửa hàng y tế, các nhà thuốc để mua khẩu trang, nước sát khuẩn là vô cùng quen thuộc. Lợi dụng nhu cầu này, nhiều nhà thuốc đã tăng giá sản phẩm lên gấp nhiều lần ngày thường, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Hiểu được mức độ nguy hiểm của tin giả, cơ quan chức năng đã ngay lập tức có biện pháp xử lý hành chính đối với những người chia sẻ thông tin bịa đặt, câu view, không được kiểm chứng.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế liên tục gửi tin nhắn đến mọi đầu số trong nước, đưa ra các khuyến cáo cụ thể để người dân phòng chống dịch, đồng thời đưa ra những địa chỉ tin cậy để người dân có thể tiếp nhận thông tin.
Theo thời gian, thay vì tìm hiểu tin tức dịch bệnh từ những nguồn kém tin cậy, người dân bắt đầu bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin hơn. Trong đó, các trang thông tin chính phủ, các website của Bộ Y tế cùng mạng xã hội Lotus là địa chỉ đáng tin cậy để người dân yên tâm theo dõi tình hình dịch bệnh một cách kịp thời, chính xác.
Và như thế, khi người dân vừa chủ động thực hiện biện pháp phòng bệnh, vừa có kiến thức phòng trừ tin giả thì thành quả của chúng ta chính là "chiến thắng" được dịch bệnh. Ở thời điểm này, chúng ta vẫn chưa thể chủ quan hay vội mừng, nhưng với những gì mà người dân và nhà nước đã cùng nhau thực hiện suốt thời gian qua thì chúng ta có quyền được tự hào.