Mưa lớn chưa từng có xảy ra ở một số địa phương
4 ngày nay, miền Bắc mưa lớn, nhiều khu vực trũng bị ngập sâu, vùng núi xảy ra tình trạng sạt lở đất.
Cụ thể, theo ghi nhận của báo Tiền phong, từ ngày 22/5, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đón đợt mưa lớn xối xả chưa từng có. Chỉ tính riêng từ 19h ngày 22/5 đến 19h ngày 23/5, nơi đây ghi nhận lượng mưa 464mm. Trong lịch sử, trận mưa lớn nhất trong tháng 5 ở khu vực này vào năm 2012 có cường độ 216,2mm. Mưa lớn chưa từng có đã khiến nhiều nhà dân chìm trong nước, nhiều tuyến đường bị chia cắt, gây thiệt hại về tài sản, hoa màu.
Tại Tuyên Quang, trong cùng khoảng thời gian trên cũng ghi nhận lượng mưa 226mm, vượt qua kỷ lục năm 1994 là 204,7mm.
Người dân Vĩnh Phúc cất vó bắt cá ngay trên đường phố sau khi nước lũ tràn về. Ảnh: A.N
Báo VnExpress dẫn lời ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia) cho biết, mưa lớn diện rộng sẽ duy trì ở miền Bắc hết hôm nay (25/5).
"Từ ngày mai, mưa to diện rộng ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có khả năng giảm dần. Tuy nhiên, các tỉnh vùng núi phía Bắc vẫn mưa to trong khoảng 5-7 ngày tới, tập trung vào chiều tối", ông Năng dự báo.
Từ ngày 26/5-1/6 có mưa rào và dông rải rác, mưa tập trung ở vùng núi và trung du, thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm. Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh. Riêng vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực trũng thấp có khả năng ngập úng do mưa lớn kéo dài.
Vì sao cuối tháng 5 miền Bắc vẫn mát mẻ?
Lý giải về hiện tượng thời tiết ở miền Bắc vẫn mát mẻ như mùa Thu dù đã lập Hạ vào đầu tháng 5, ông Năng cho rằng thời gian qua liên tục có các đợt không khí lạnh tăng cường nén vùng áp thấp gây mưa, nhiệt độ toàn miền xuống thấp. Nguyên nhân sâu xa là tác động của biến đổi khí hậu làm tăng tính bất thường và cực đoan.
"Đồng thời, ENSO đang ở trạng thái La Nina (pha lạnh) sẽ chi phối khiến thời tiết lạnh hơn, mưa lũ nhiều hơn và diễn biến bão phức tạp hơn, nhất là so với năm 2021", ông Năng nói.
Chúng tôi dự báo thời điểm này đang là thời kỳ bước vào mùa mưa ở các tỉnh Bắc Bộ. Do vậy, trong thời gian tới, khoảng tháng 6, tháng 7, mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ vẫn tiếp diễn.
Phân tích về hình thái thời tiết vào đầu mùa Hè năm nay, TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan cho biết trên báo SK&ĐS, năm nay, mùa đông kéo dài, thậm chí gối qua mùa xuân. Đến giữa tháng 4, miền Bắc vẫn xuất hiện không khí lạnh và mưa phùn. Nếu so sánh với trung bình nhiệt độ hàng năm thì nhiệt độ của tháng 4 và thậm chí tháng 5 năm 2022 sẽ thấp hơn trung bình chung của nhiều năm.
"Năm 2019, đợt nắng nóng đầu tiên bắt đầu từ ngày 20/4 với nhiệt độ hơn 40 độ C ở khu vực Bắc Trung Bộ. Cùng thời điểm đó trong năm 2022, chúng ta lại thấy có những đợt không khí lạnh, nhiệt độ giảm sâu, trời mưa dài ngày. Đây là một trong những hiện tượng khác biệt so với trung bình nhiều năm trước", TS. Nguyễn Ngọc Huy nói và cho biết hiện tượng này không phải lần đầu xuất hiện, trước đây cũng có những năm nhiệt độ thấp vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè.
Trao đổi với báo trên, ThS. Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng phân tích, thông thường thì tháng 5, miền Bắc vẫn có thể xảy ra các đợt không khí lạnh tràn về nhưng cường độ rất yếu. Từ đầu năm đến nay, các kiểu thời tiết bất thường xảy ra nhiều ở nước ta và đây có thể xem là một bằng chứng bổ sung vào chuỗi những hiện tượng đó.
Theo bà Lan, có 2 nguyên nhân chính gây nên thời tiết mát mẻ. Thứ nhất là khối không khí lạnh từ phía bắc (Siberia, Nga) tràn xuống, thứ hai là áp thấp nóng Ấn - Miến hoạt động yếu và trễ.
Về tình hình mưa bão, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo năm nay sẽ có 10-12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Các cơn bão có dấu hiệu sẽ dồn dập, cường độ mạnh, tập trung vào những tháng cuối năm.
Tổng hợp