4 điểm đáng lưu ý trong quý I
-Nhìn vào các số liệu của quý I/2020, theo ông, đâu là những điểm cần lưu tâm?
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3,82%, đã suy giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái và cách xa mục tiêu đề ra cho cả năm. Đây cũng là mức thấp nhất so với cùng kỳ kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Chính phủ chưa có thông điệp về điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng nhưng quyết tâm của Việt Nam trong năm nay sẽ gặp nhiều thử thách.
Thứ hai, lạm phát đã nhích hơn so với cùng kỳ năm 2019 cũng như mặt bằng chung trong nhiều năm vừa qua. Với kỳ vọng mà Việt Nam đã giữ được trong nhiều năm về thực hiện mục tiêu lạm phát bình quân dưới 4%, rõ ràng kết quả thực hiện trong quý I - hơn 5,56% - là tương đối cao. Dù Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc kiềm chế lạm phát, thì đây vẫn là con số cần lưu tâm. Cách thức điều hành trong thời gian tới sẽ phải cân nhắc vấn đề trên.
Thứ ba, giải ngân đầu tư công có phần nhanh hơn trong quý I/2020. Chuyển biến này có được là nhờ nỗ lực nhất quán từ những năm trước cho tới quý I/2020 nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, kết quả thực hiện vẫn còn tương đối xa so với mục tiêu đề ra. Để bù đắp tăng trưởng thì việc giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công trong năm 2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Nhìn một cách tích cực thì có thể "mượn" áp lực từ đại dịch COVID-19 để thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Cuối cùng là thặng dư thương mại hàng hóa lớn (3,74 tỷ USD). Đáng lưu ý, xuất khẩu tăng nhanh hơn, trong khi nhập khẩu suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù vậy, xuất khẩu Việt Nam gắn nhiều với chuỗi giá trị và phải dựa một phần vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu. Do vậy, từ quý II trở đi, nếu tình hình không chuyển biến, cả xuất khẩu và nhập khẩu sẽ gặp thách thức. Khả năng duy trì sản xuất và xuất khẩu sẽ là dấu hỏi lớn.
-Nếu đánh giá tổng thể, cảm nhận của ông về kinh tế Việt Nam trong 3 tháng ứng phó với dịch bệnh như thế nào?
Số liệu thì như vậy, nhưng tôi nhận thấy nền kinh tế đã thể hiện được sức chống chịu tương đối tốt trước những diễn biến bất lợi của đại dịch nói riêng, kinh tế thế giới nói chung.
Khó khăn hiện hữu, các kiến nghị của doanh nghiệp thường xuyên được ghi nhận và cho thấy sự bức thiết, nhưng nhìn chung, tâm lý của cộng đồng doanh nghiệp chưa có sự xáo trộn lớn. Doanh nghiệp vẫn giữ được sự bình tĩnh và có những chia sẻ, đề xuất hỗ trợ thẳng thắn. Tâm lý của cơ quan điều hành cũng vậy. Đây là khác biệt căn bản nhất so với giai đoạn khủng hoảng tài chính thế giới.
Chuyển biến này tạo thuận lợi không nhỏ cho công tác điều hành của Chính phủ trong hiện tại. Đồng thời, nó cũng phản ánh một phần nền tảng kinh tế vĩ mô và sức chống chịu của nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Bản thân các doanh nghiệp cũng đã có sự thích ứng với khó khăn, đặc biệt là tổ chức sản xuất trong điều kiện giãn cách xã hội, ứng dụng nền tảng trực tuyến,...
Nếu không như vậy, số liệu kinh tế trong quý I thậm chí có thể còn kém tích cực hơn. Nhìn từ góc độ ấy, tôi tin rằng ngay sau khi dịch Covid-19 kết thúc, kinh tế Việt Nam có thể thể hiện sức bật đáng kể và phục hồi tương đối nhanh chóng.
-Vậy kịch bản tăng trưởng của Việt Nam sẽ đi theo hình gì?
Suy giảm tăng trưởng trong giai đoạn dịch, thậm chí ngay sau khi kết thúc dịch, là khó tránh khỏi ở hầu hết các nền kinh tế và Việt Nam không ngoại lệ. Tuy nhiên, vẫn có những biện pháp có thể áp dụng để mức độ suy giảm ít nghiêm trọng và/hoặc "thu ngắn" thời kỳ suy giảm.
Thứ nhất, Chính phủ cần có những hỗ trợ kịp thời, tập trung và đúng liều lượng. Tháo gỡ khó khăn về thị trường và cung ứng hàng hóa, song hành với điều tiết, cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp duy trì sức sống qua thời kỳ đại dịch.
Thứ hai, phát huy được tính linh hoạt, sáng tạo của doanh nghiệp Việt. Hỗ trợ của Chính phủ đang và sẽ được thực hiện, nhưng Chính phủ không nên và không thể làm thay nỗ lực của chính doanh nghiệp được. Sự phát huy ấy càng phải được thể hiện ở việc Chính phủ đủ linh hoạt, sáng tạo để thích ứng cùng doanh nghiệp. Chẳng hạn, nỗ lực chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ bớt ý nghĩa nếu Chính phủ không có nỗ lực song hành để hướng tới Chính phủ số.
Thứ ba, có sự kết nối trong cộng đồng doanh nghiệp và giữa Chính phủ - doanh nghiệp để thúc đẩy được những cách làm, mô hình mới. Sự bình tĩnh, chia sẻ thẳng thắn giữa Chính phủ và doanh nghiệp trong thời gian qua chính là nền tảng cho kết nối ấy.
Cả 3 yếu tố này có tác động bổ trợ. Nếu càng thực hiện hiệu quả các yêu cầu trên, sức bật của nền kinh tế hậu COVID-19 càng tích cực.
Sức sống doanh nghiệp là điều đáng quan tâm nhất
- Ông nghĩ thế nào về nhận định: Không nên tiếc vài % tăng trưởng ở thời điểm này để bảo đảm cho đại cuộc?
Cái đáng quan tâm hơn là sức sống của doanh nghiệp. Chỉ khi doanh nghiệp trụ vững qua giai đoạn khó khăn thì mới có thể quay trở lại điều kiện kinh doanh bình thường, đóng góp vào sự phục hồi chung cho kinh tế. Có thể tin tưởng và "nói hay" về cơ hội, phục hồi kinh tế nhưng không còn doanh nghiệp thì sao tận dụng kịp thời và/hoặc đầy đủ được.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - ảnh: Tuấn Mark
Thuận lợi hiện nay của Việt Nam là cộng đồng doanh nghiệp có kỳ vọng, niềm tin vào chính sách. Để "đáp lại" kỳ vọng và niềm tin ấy, cách tiếp cận chính sách phải kết hợp các công cụ vĩ mô để hỗ trợ hợp lý cho nền kinh tế, đồng thời tháo gỡ các khó khăn về môi trường kinh doanh.
Điều đó sẽ tái khẳng định Chính phủ luôn đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, không chỉ trong giai đoạn kinh tế phát triển thuận lợi.
-Ông nhìn nhận như thế nào về việc Chính phủ liên tục đề xuất tăng giá trị các gói hỗ trợ về tài khoá, tín dụng trong thời gian qua?
Các gói này đều nằm trong dư địa chính sách cho phép. Thậm chí, ngay cả khi thực hiện những gói này Việt Nam vẫn còn dư địa chính sách. Việc thực hiện hỗ trợ cũng được lưu tâm trong thời gian qua. Ví dụ, Nghị định 41 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất có hiệu lực ngay sau khi ban hành. Như vậy, có thể thấy Chính phủ đã quan tâm, chủ động hơn để các gói hỗ trợ đi vào cuộc sống nhanh chóng.
Mặt khác, các gói hỗ trợ không thuần túy từ tư duy của cơ quan Chính phủ mà trong quá trình xây dựng, có sự tham vấn thường xuyên, thực chất đối với cộng đồng doanh nghiệp, người dân.
Do vậy, cảm nhận ban đầu là doanh nghiệp, người dân đón nhận khá tích cực với các gói hỗ trợ. Vấn đề là làm sao duy trì tính kịp thời và khả năng hấp thụ của các chính sách hỗ trợ, bởi với các đối tượng được hỗ trợ thì "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Việc đánh giá hiệu quả hỗ trợ cũng rất quan trọng, dù chỉ khả thi sau 1 – 2 quý.
-Vậy với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng, làm thế nào để việc hấp thụ gói này không trở thành một thách thức của nền kinh tế trong tương lai?
Trong những giai đoạn trước đây, vấn đề về hấp thụ vốn của Việt Nam có nhiều nhìn nhận khác nhau. Đặc biệt khi vốn FDI được rót mạnh vào thì câu hỏi thường đặt ra là hấp thụ vốn ở mức độ nào, liệu có tác động chèn lấn với khu vực trong nước hay không.
Trong quý I, vốn FDI thực hiện đã giảm khoảng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nên cũng giảm sức ép với năng lực hấp thụ của nền kinh tế. Chính ở đây, gói hỗ trợ là cần thiết và có điều kiện cần để phát huy tính tích cực. Tuy nhiên, bản thân gói hỗ trợ cũng phải triển khai kịp thời, ít vướng các giấy tờ thủ tục; nếu không, hiệu quả hỗ trợ đối với doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ giảm bớt.
Tiếp theo, trong quá trình hỗ trợ phải làm thế nào kết nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng thương mại. Cụ thể, cải thiện hiểu biết lẫn nhau, niềm tin và quan hệ đối tác giữa hai bên là một yêu cầu quan trọng. Cần lưu ý, tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng là một khó khăn cố hữu đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong nhiều năm. Khó khăn sẽ lớn hơn trong giai đoạn hiện nay nếu giữa hai bên còn có sự nghi ngại. Nếu cải thiện được tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, thì hiệu quả sẽ còn phát huy lâu dài, kể cả trong giai đoạn hậu dịch.
Cuối cùng, có thể gói tín dụng chưa đáp ứng được toàn bộ nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tuy vậy, tôi cho rằng không nên đánh giá thấp tác động lan toả của gói hỗ trợ này. Khi một bộ phận doanh nghiệp được kịp thời hỗ trợ, sau đó phục hồi sản xuất, kinh doanh… thì qua các kênh tác động khác nhau, tác động lan toả sẽ hiện hữu với khu vực doanh nghiệp khác và nền kinh tế nói chung.
Vì vậy, cách tư duy về gói hỗ trợ phải nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tạo "vốn mồi" cho nền kinh tế, thay vì tìm cách trực tiếp đáp ứng toàn bộ nhu cầu.
- Gần đây Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đề nghị cho các tập đoàn, DNNN tiếp cận gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, thời hạn vay 3 năm, lãi suất 0%. Ông nghĩ sao về điều này?
Với vai trò, chức năng của mình thì Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có quyền kiến nghị như vậy. Có lẽ đây không phải kiến nghị đầu tiên cũng như kiến nghị cuối cùng liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho DNNN.
Dù vậy, bên cạnh tiếp cận tín dụng thì còn có những nguồn lực và cơ hội khác mà các tập đoàn, DNNN cũng cần tận dụng triệt để hơn, chẳng hạn như giải ngân vốn đầu tư công của các DNNN.
Thứ hai, việc thực thi gói tín dụng phải căn cứ vào tình hình và trường hợp cụ thể. Cần lưu ý, bản chất là vốn tín dụng nên phải do NHTM cân nhắc trên cơ sở cân đối về nguồn vốn, yêu cầu về quản trị rủi ro. Ở góc độ thị trường, kiến nghị lãi suất 0% - thấp hơn cả so với lãi suất trong trường hợp không rủi ro – có thể thiếu tính phù hợp.
Thứ ba, hiệu quả sử dụng nguồn vốn cần được nhìn nhận thấu đáo hơn. Việc một hoặc một vài DNNN được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi, có điều kiện giống hoặc khác với đề nghị trên, thì cũng nên được nhìn nhận đủ tích cực. Điều quan trọng là bảo đảm cả hiệu quả sử dụng vốn vay, đồng thời phát huy tính lan toả của nó.
Nếu một vài DNNN tiếp cận được gói tín dụng và tạo tác động lan toả đáng kể cho nền kinh tế thì tiếp cận đó có nhiều ý nghĩa. Chính ở đây, Nhà nước phải kịp thời đưa các quy định đủ chặt chẽ, minh bạch. Bản thân các tập đoàn, DNNN cũng phải chia sẻ thông tin kịp thời, thực chất về chính nhu cầu hỗ trợ của mình để những hỗ trợ tiếp cận tín dụng, nếu có, đủ tập trung và hiệu quả.
Cảm ơn ông!