Tính toán của "diều hâu"
Trong bài viết đăng trên "Responsible Statecraft" – một ấn phẩm của Viện Quincy (trụ sở tại Washington, D.C), nhà phân tích Eldar Mamedov cho hay, khi chiến tranh giữa Armenia và Azerbaijan bùng nổ, một nhóm "diều hâu" của Washington, đến từ các tổ chức tư tưởng tân bảo thủ như Viện Hudson và Quỹ bảo vệ các nền dân chủ (FDD) đã thúc giục Mỹ ủng hộ Azerbaijan.
Họ đã thúc đẩy câu chuyện theo hướng Armenia là đồng minh của Iran, trong khi Azerbaijan là đồng minh của Israel. Do đó, chiến thắng của Azerbaijan sẽ là một lợi ích đối với Israel.
Tuy nhiên, điều những người có tư tưởng tân bảo thủ này quan tâm không phải là số phận của Nagorno-Karabakh, mà là Iran. Theo kỳ vọng của họ thì chiến thắng của Baku sẽ kích động người Azerbaijan tại Iran (chiếm khoảng 25% dân số Iran) nổi dậy chống lại Tehran, do chính quyền Tehran trước đó được cho là ủng hộ Armenia.
Cuộc nổi dậy của người Azerbaijan sẽ mở ra giấc mơ ấp ủ từ lâu của giới "diều hâu" Mỹ, đó chính là sự sụp đổ của nhà nước Iran.
Xung đột tại Nagorno-Karabakh đã kết thúc vào ngày 10/11 vừa qua sau khi Azerbaijan và Armenia đạt được thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian. Theo các điều khoản thỏa thuận, Azerbaijan sẽ được trao trả lại toàn bộ các phần lãnh thổ xung quanh Nagorno-Karabakh mà phía Armenia đã chiếm giữ trong ¼ thế kỷ qua, cũng như nhận lại một phần vùng lãnh thổ tranh chấp này.
Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã được triển khai tới Nagorno-Karabakh. Ảnh: Promote Ukraine
Khoảng 2.000 binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã được triển khai tới Nagorno-Karabakh để đảm bảo hiện trạng mới mà Azerbaijan vừa đạt được.
Nhìn bề ngoài, Israel cũng là một bên chiến thắng trước kết quả đó. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu điều này có mang lại cho họ thêm những lợi ích chiến lược trong cuộc xung đột với Iran hay không.
Mối quan hệ giữa Azerbaijan và Israel được phát triển dựa trên các thỏa thuận, trong đó Israel bán vũ khí cho Azerbaijan, mua dầu mỏ của họ và thay mặt cho Baku vận động hành lang ở Washington. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev dường như tin rằng con đường đến Washington sẽ đi qua Israel.
Về phần mình, Tel Aviv đã đặt chân được tới biên giới phía bắc của Iran để thu thập thông tin tình báo hoặc thậm chí là chuẩn bị bệ phóng cho một cuộc tấn công quân sự tiềm năng vào Iran.
Chiến tranh đã chứng thực sự hữu ích của mối quan hệ này đối với Azerbaijan. Các loại vũ khí tiên tiến của Israel, đặc biệt là máy bay không người lái tấn công, đã đóng vai trò cơ bản trong việc tiêu diệt hệ thống phòng thủ của Armenia. Do đó, Israel đã thể hiện mình là một đối tác có giá trị đối với Azerbaijan.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev gặp gỡ tại một sự kiện. Ảnh: Phòng báo chí của Tổng thống Azerbaijan.
Đối với Azerbaijan, thỏa thuận ngừng bắn vẫn là một việc còn dang dở. Về cơ bản, nó sẽ làm dịu lại cuộc xung đột, ngay cả khi xét tới những điều kiện có lợi cho Azerbaijan. Song, một phần Nagorno-Karabakh vẫn nằm ngoài vùng chủ quyền của Azerbaijan và tình trạng của khu vực này có thể vẫn chưa được xác định chắc chắn trong tương lai gần.
Azerbaijan sẽ cần Israel giúp đỡ để có được sự hỗ trợ của Mỹ trong các cuộc chiến ngoại giao liên quan tới kết quả dàn xếp cuối cùng trong tương lai. Baku cũng cần tới các loại vũ khí của Tel Aviv để duy trì ưu thế về chất lượng so với Armenia.
Đổi lại, Azerbaijan sẽ tiếp tục cho phép các điệp viên của Israel hoạt động trên vùng lãnh thổ gần Iran. Tuy nhiên, phe "diều hâu" thân Israel kỳ vọng rằng Azerbaijan sẽ tiến xa hơn và tạo điều kiện cho các kế hoạch của họ nhằm gây bất ổn cho Iran.
Azerbaijan có châm ngòi xung đột với Iran?
Trong suốt cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh, Tổng thống Aliyev đã xử lý mối quan hệ với Iran một cách khéo léo. Ông phủ nhận thông tin trên các phương tiện truyền thông rằng Iran đã giúp Armenia chuyển giao vũ khí từ Nga.
Trong một động thái được tính toán để vô hiệu hóa khả năng Tehran nghiêng về phía Armenia, ông Aliyev và các phụ tá của mình đã tìm cách nhấn mạnh "tình bạn" và "mối quan hệ sâu sắc" giữa Azerbaijan-Iran.
Về phần mình, Tehran giữ thái độ cảnh giác với bộ phận người Azerbaijan trên lãnh thổ của mình nên đã gửi các thông điệp chính trị và tôn giáo để trấn an Baku, nêu bật sự ủng hộ của họ đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan.
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã nhấn mạnh quan điểm này trong bài phát biểu vào ngày 4/11 về cách tiếp cận của Iran đối với cuộc xung đột. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Aragchi đã trình bày các ý tưởng hòa bình của Tehran trong chuyến công du đến khu vực.
Bằng cách chuyển hướng sang ủng hộ Baku, Tehran đã tìm cách bảo vệ sườn phía bắc của mình khỏi các tác động tiềm tàng của cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh. Thế nhưng, bước đi này không hoàn toàn thành công.
Một điểm trong thỏa thuận ngừng bắn đang gây bất lợi cho lợi ích của Iran, đó là hành lang trên bộ nối trực tiếp Azerbaijan với Cộng hòa tự trị Nakhchivan thông qua lãnh thổ Armenia.
Trước đây, hành lang này phải đi qua Iran, mang lại cho họ một vai trò quan trọng đối với Azerbaijan. Nhà phân tích Eldar Mamedov nhận định, việc các lợi ích của Iran không được cân nhắc trong thỏa thuận ngừng bắn đã làm nổi bật vị thế yếu của họ trong khu vực.
Tuy nhiên, vẫn còn những nghi vấn về việc liệu ông Aliyev có tìm cách khai thác chuyện này để châm ngòi một cuộc xung đột mới với Iran hay không.
Nhà phân tích Eldar Mamedov đánh giá khả năng này khá thấp do khác với người tiền nhiệm, ông Aliyev dường như bị giới hạn trong việc khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan tại các vùng biên giới được quốc tế công nhận.
Nói cách khác, Karabakh – chứ không phải Tabriz [thành phố lớn thứ tư tại Iran và là thủ phủ của tỉnh Azerbaijan Đông] – là ưu tiên của ông Aliyev.
Hơn nữa, ông Aliyev hiện nay đang có rất nhiều việc cần làm: Công tác tái thiết các vùng lãnh thổ được trao trả sẽ đòi hỏi nguồn lực khổng lồ, và tất cả đều đang diễn ra trong bối cảnh kinh tế suy thoái.
Ngoài ra, những vấn đề khác như đại dịch, tham nhũng, nhu cầu hiện đại hóa kinh tế… có thể đã lùi xa trong chiến tranh nhưng chúng không biến mất hoàn toàn, và chính phủ vẫn sẽ phải tìm ra giải pháp để đối phó với chúng. Trong hoàn cảnh bộn bề đó, xung đột với Iran sẽ là điều cuối cùng mà ông Aliyev mong muốn và cần tới.
Nhà phân tích Mamedov dự đoán, Azerbaijan sẽ tiếp tục mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với Israel nhưng nó sẽ dựa trên tính chính đáng và lợi ích quốc gia, chứ không phải các kế hoạch chống Iran xa vời do giới "diều hầu" ở Washington nghĩ ra.