Vietnam Championship Series (VCS) là giải đấu Liên Minh Huyền thoại chuyên nghiệp lớn nhất của Việt Nam. Trải qua một thập kỷ hình thành và phát triển, VCS đã tạo được sức ảnh hưởng lớn đến nền thể thao điện tử Việt Nam và trở thành tiền đề cho các giải đấu Esports khác trong nước.
Bên cạnh đó, các đội tuyển từ khu vực VCS cũng gây được nhiều tiếng vang trên đấu trường quốc tế. Bắt đầu từ thành tích hạ gục hạ gục Dignitas của đội hình huyền thoại Saigon Jokers tại CKTG 2012 cho đến cơn sốt gây chấn động cộng đồng LMHT thế giới mà GAM 2017 tạo ra. Và gần đây nhất là Saigon Buffalo - một đội tuyển trẻ với độ tuổi trung bình chưa đến 19 nhưng đã xuất sắc cán đích ở vị trí top 6 MSI 2022.
VCSA không còn giữ vị thế top 1 trong nhiều năm trở lại đây
Tuy nhiên có thể thấy, giải đấu VCS đang dần mất đi sức hút và vị thế vốn có của nó. Điều này được thể hiện rõ nhất thông qua số lượt xem trực tiếp khi các trận đấu 200 - 300 nghìn view xuất hiện ngày càng ít, có chăng chỉ ở những trận đấu quyết định mới chạm mấp mé đến ngưỡng lượt xem đó. Sự giảm sút này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: tính chuyên môn không cao, thiếu sự cạnh tranh, hoạt động truyền thông thiếu nổi bật, sự nổi lên của các giải đấu Esports khác... và đặc biệt không thể không nhắc đến những khó khăn mà đại dịch Covid 19 gây ra cho các đội tuyển và giải đấu.
Bước sang mùa hè 2022, Giải đấu VCS đã có nhiều khởi sắc mới và được cộng đồng đánh giá cao về chất lượng giải đấu, thậm chí Thầy Giáo Ba - người đã gắn bó với LMHT nhiều năm cũng nhận xét VCS mùa hè 2022 sẽ là giải đấu đáng xem nhất trong lịch sử LMHT Việt Nam. Rõ ràng, nhận định này không hề sai khi nhìn vào sức hấp dẫn sức hấp dẫn và độ phủ sóng của VCS sau 3 vòng đấu đầu tiên. Vậy đâu là yếu tố đã đưa giải đấu tưởng chừng như đang thụt lùi lại hồi sinh một cách mạnh mẽ như vậy?
Tính cạnh tranh quyết liệt, không còn là những cuộc đua song mã
Trong những năm gần đây, diễn biến của VCS luôn đi theo một kịch bản là GAM Esports sẽ cùng một đội tuyển nào đó cạnh tranh chức vô địch và các đội tuyển còn lại chỉ đóng vai trò làm nền. Tuy nhiên tại VCS mùa hè 2022, sức mạnh của các đội dường như rất khó đoán khi mà các đội tuyển được đánh giá yếu lại thể hiện một bộ mặt hoàn toàn khác.
Điển hình như SBTC Esports, dù chỉ đạt top 5 mùa giải trước nhưng đã xuất sắc đánh bại ĐKVĐ GAM Esports và á quân Saigon Buffalo để tạm thời leo lên top đầu bảng xếp hạng hay Team Whales - một đội tuyển mới lên hạng nhưng cho thấy phong độ vô cùng ấn tượng trong hai tuần thi đấu đầu tiên.
SBTC Esports đã có chiến thắng trước nhà ĐKVĐ GAM Esport
Dù chỉ là khởi đầu nhưng các đội tuyển đều cho thấy quyết tâm của mình trong việc dành lấy 1 trong 2 tấm vé đại diện khu vực Việt Nam đến với kỳ Chung kết thế giới 2022. Điều này chắc chắn sẽ là chất xúc tác mạnh khiến cho cuộc cạnh tranh giữa các đội trở nên hấp dẫn và gay cấn hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, các đội tuyển cũng luôn thể hiện sự cẩn trọng bởi chỉ cần một sai lầm cũng khiến cho họ phải nhận trái đắng và gặp bất lợi trong cuộc đua top 4 tại vòng bảng.
8 đội tuyển đều rất quyết tâm giành lấy tấm vé đến CKTG 2022
Dàn tuyển thủ chất lượng, có sự xuất hiện của các ngoại binh
Bước vào VCS mùa hè 2022, tất cả các đội tuyển đều sở hữu một đội hình đồng đều bao gồm cả những ngôi sao có thể tỏa sáng bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, các tuyển thủ không được đánh cao cũng gây được nhiều sự bất ngờ, chẳng hạn như những tuyển thủ không được đánh giá cao như Nper (SBTC Esports), Glory (Killerqueen) đã chứng minh bản thân hoàn toàn “làm gỏi” được những cái tên cộm cán như “Đội trưởng” Levi hay “Chiến thần” Kiaya.
Người chơi đường trên của SBTC Esports là Nper đã cho Kiaya phải "toát mồ hôi" khi liên tục thực hiện nhiều pha solokill
Đặc biệt, đây còn là mùa giải đầu tiên có sự góp mặt của ngoại binh người Hàn Quốc là Poss và Least từ đội tuyển Cerberus Esports. Điều này vô hình chung sẽ làm tăng thêm sự cạnh tranh và kỹ năng của các tuyển thủ. Bên cạnh đó, sự trở lại của những “lão tướng” như Yijin hay Dia1 cũng khiến cho màu sắc trong lối chơi của các đội tuyển trở nên đa dạng.
Đội hình bao gồm 2 ngoại binh của Cerberus Esports
"Đặc sản" giao tranh của VCS nhường chỗ cho những trận đấu có chuyên môn cao
Trong quá khứ, VCS được mệnh danh là một khu vực có lối chơi máu lửa, giao tranh liên tục và thường xuyên có những tình huống “đánh nhau ở mọi mặt trận”. Tuy nhiên khi bước vào VCS mùa hè 2022, các đội tuyển đều sử dụng lối chơi kiểm soát và giao tranh hợp lý để giành chiến thắng. Điều này có thể hiện rõ nhất qua số mạng hạ gục trong từng ván đấu đã giảm đi rất nhiều so với các mùa giải trước.
Các đội tuyển đã có những pha di chuyển và giao tranh đầy tính chiến thuật
Sở dĩ có sự thay đổi này là vì các đội tuyển đồng đều về lực lượng, kỹ năng người chơi không chênh lệch nhiều và có đội ngũ ban huấn luyện đứng phía sau hậu trường hỗ trợ. Từ đó, tính chuyên môn các trận đấu được nâng cao và người xem được chứng kiến những trận đấu vô cùng hấp dẫn.
Sự sôi động ngay cả bên ngoài trận đấu
Nếu ở mùa giải VCS mùa Xuân 2022, SBTC Esports của Thầy Giáo Ba dù dừng chân ở vị trí top 5 nhưng đã xuất sắc giành được "chiếc cúp content" nhờ những meme, video hài hước đăng trên fanpage. Qua tới VCS mùa hè, các đội tuyển đã cho thấy sự đầu tư phía sau hậu trường khi các fanpage của các đội tuyển không ngại việc cà khịa, tương tác qua lại những nội dung hài hước.
Bên cạnh đó, dàn tuyển thủ cũng cho thấy bản thân ngoài kỹ năng chơi game cũng có khả năng “gáy” cực khét. Điều này được thể hiện qua các phần trash talk, phỏng vấn sau trận đấu khi những "ông vua" trash talk" như: Dia1, DNK, Froggy,... sẵn sàng công kích, cà khịa đối thủ của mình. Ngoài ra, các video Mic check, hậu trường cũng được các đội đầu tư để có thể đưa hình ảnh của đội tuyển đến với khán giả một cách tốt hơn.
Phần trask talk đu trend "không giòn" của Saigon Buffalo
Tựu trung, có quá nhiều yếu tố hội tụ khiến VCS mùa Hè 2022 trở thành một giải đấu hấp dẫn nhất từ trước đến nay của LMHT nước nhà. Hy vọng rằng giải đấu sẽ tiếp tục giữ được những ưu điểm này để ngày càng trở nên hấp dẫn và là món ăn tinh thần không thể thiếu cho cộng đồng game nói chung và LMHT nói riêng.
Ảnh: Tổng hợp