Tại thời điểm 16h40, giá vàng SJC loại nguyên lượng tại hệ thống của VBĐQ Sài Gòn niêm yết mua vào bán ra tại 47,8 - 49 triệu đồng/lượng; Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng tại 47,7 - 49,15 triệu đồng/lượng; Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng niêm yết ở mức 47,8 - 49,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC loại lẻ 1 chỉ, 2 chỉ...vẫn được niêm yết cao hơn vàng nguyên miếng, như ở DOJI là 47,7 - 49,7 triệu đồng/lượng. Trước đó lúc hơn 15h, giá vàng đã lên đến 49,95 triệu đồng/lượng ở hệ thống của DOJI - mức cao kỷ lục từ trước tới nay và vượt xa mức kỷ lục cũ thiết lập hồi năm 2011.
Tính chung cả ngày hôm nay, giá vàng đã tăng tổng cộng gần 4 triệu đồng/lượng so với hai ngày cuối tuần vừa qua. Đây là mức biến động mạnh nhất trong lịch sử giao dịch vàng từ trước tới nay.
Trên thị trường thế giới, giá vàng ngày hôm nay cũng đang tăng rất mạnh, hiện đã lên 1.680 USD/ounce, tăng 37,7 USD tương đương 2,3% so với chốt phiên thứ Sáu vừa qua. Giá này quy đổi theo tỷ giá của Vietcombank thì tương đương 47,5 triệu đồng/lượng, tức thấp hơn vàng trong nước đến 2 triệu đồng mỗi lượng.
Lý giải nguyên nhân giá tăng mạnh, theo một lãnh đạo của Tập đoàn DOJI, vàng tăng mạnh thể hiện sự lo ngại đối với việc dịch bệnh Covid-19 đang lây lan sang nhiều nước khác ngoài Trung Quốc. "Tại Hàn Quốc, trong tuần qua đã phát hiện các ổ dịch mới, hiện tại số người bị nhiễm bệnh gia tăng khá nhanh, kể cả Nhật hay thậm chí Ý ở châu Âu cũng đang rơi vào tình trạng người nhiễm bệnh tăng chưa dừng lại. Nhà đầu tư lo ngại dịch bệnh sẽ làm kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã nâng mức cảnh báo đối với dịch bệnh này lên mức cao nhất - báo động đỏ" - vị này nói.
Đại diện của DOJI dự đoán, giá vàng đang hướng đến ngưỡng 1.700 USD/ounce và thậm chí có thể phá ngưỡng 1.800 USD/ounce (tương đương mức 50 triệu đồng/lượng) trong thời gian tới khi dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Trong khi đó ở góc nhìn chuyên gia, theo TS.LS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính ngân hàng, có hai nguyên nhân khiến giá vàng tăng sốc trong ngày 24/2.
Thứ nhất là do dịch bệnh Covid-19 đang lây lan với tốc độ nhanh trên toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, đã tác động tiêu cực lên thị trường hàng hóa, chứng khoán và hoạt động của các doanh nghiệp, qua đó làm tăng nhu cầu đầu tư trú ẩn an toàn như vàng.
Nhưng nguyên nhân thứ hai quan trọng hơn, đó là người ta lo ngại tác động của dịch bệnh lên kinh tế sẽ nghiêm trọng hơn dự kiến trước đây. "Nếu chỉ xét riêng covid-19 ở Trung Quốc ảnh hưởng đến các nước, khu vực thì nhiều nhà nghiên cứu, nhiều quốc gia đã tìm ra hướng khắc phục và chuẩn bị các kịch bản đối phó. Nhưng giờ đây mức lây lan đến các nền kinh tế lớn khác mà nhiều người không đoán định được, nên sức ảnh hưởng của nó, những tác động nguy hại của nó sẽ lớn hơn nhiều"– ông nói.
Theo TS. Tín, những ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu sẽ kéo dài, không còn ở quý 1, quý 2 nữa mà có thể lan sang quý 3, quý 4, thậm chí đà lây lan không chặn được, các nước không tìm ra phương án phục hồi kinh tế thì sẽ ảnh hưởng đến tận năm 2021. Thậm chí ngay cả khi các nước tìm ra biện pháp hồi phục kinh tế thì điều đó cũng không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà phải có thời gian dài. Đó chính là nguyên nhân đẩy giá vàng lên cao.
Đề cập đến câu chuyện giá vàng trong nước đang niêm yết cao hơn tới 2 triệu đồng/lượng so với vàng thế giới – điều hiếm hoi xảy ra, cũng là lần đầu tiên tái diễn tình trạng này kể từ cơn sốt vàng cách đây hơn 8 năm, theo TS. Bùi Quang Tín, nguyên nhân là bởi lực cầu quá lớn trong khi nguồn cung lại hạn hẹp. Hiện nay việc nhập khẩu chính thức vàng ở Việt Nam chỉ nằm trong tay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và một số ít các ngân hàng thương mại được ủy quyền.
"Khi giá vàng thế giới tăng cao, các nhà đầu tư lớn, thường là các quỹ đầu tư hoặc ngân hàng thương mại, họ có vốn lớn để tham gia trên thị trường sẽ rất dễ tạo sóng. Không chỉ là giá vàng thế giới tăng, một khi nhà đầu tư đã quyết đánh lên thì vàng sẽ lên cao. Nhu cầu quá lớn trong khi nguồn cung hạn chế thì giá bị đẩy lên cũng là tất yếu".
TS. Bùi Quang Tín đồng thời khuyến cáo, trong bối cảnh giá vàng tăng sốc như hiện nay, nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư lớn lẫn người dân đều cần hết sức cẩn trọng. Vì trong thực tế thời gian qua có tới hơn 95% nhà đầu tư, kể cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, chịu thua lỗ, như giai đoạn 2011 – 2012 lỗ tới hàng trăm tỷ đồng, thậm chí là hàng nghìn tỷ đồng.
"Đầu tư vàng luôn là vấn đề lớn, đòi hỏi chỉ các quỹ đầu tư chuyên nghiệp có nguồn lực, kinh nghiệm, có đủ chiến lược để trụ được khi giá lên, giá xuống. Trong danh mục của họ có nhiều sản phẩm, hàng hóa khác nhau để san sẻ rủi ro, thậm chí chờ 6 tháng đến 1 năm trong chiến lược kinh doanh của mình, còn nhà đầu tư nhỏ lẻ thì khi giá lên xuống 1-2 triệu đồng là đã bị khủng khoảng tinh thần muốn mua bán ngay nên thường nắm phần thua thiệt", ông lưu ý thêm.
Dự báo về xu hướng giá vàng thời gian tới, TS. Tín cho rằng tài sản này có thể vượt 1.700 USD/ounce trong vòng 3 tháng tưới và sẽ hướng đến 1.900 – 2.000 USD/ounce trong năm nay do những lo lắng về kinh tế toàn cầu.