Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla, trong một chương trình đã từng nói: “Một trong những vấn đề với mạng xã hội được nhiều người chỉ ra, đặc biệt là với Instagram, là mọi người dường như có cuộc sống tốt hơn nhiều so với thực tế. Mọi người chỉ đăng ảnh khi họ thực sự hạnh phúc hoặc khi những bức ảnh đó đã qua chỉnh sửa. Ngay cả khi không chỉnh sửa, thì ít nhất họ cũng sẽ chọn những bức ảnh có ánh sáng và góc đẹp nhất để đăng lên. Về cơ bản, mọi người trông có vẻ đẹp hơn và hạnh phúc hơn so với ngoài đời.”
Có một sự thực là, trong cuộc sống, không ai muốn mình trở thành kẻ bị bỏ lại phía sau. Vì thế, trên mạng xã hội, chúng ta chỉ cho người khác thấy được những mặt tốt nhất dù cho điều đó không thực tế.
Bất kể có nhận ra điều đó hay không, bạn cũng như nhiều người khác đang dành rất nhiều thời gian và nỗ lực vào việc chăm chút cho trang cá nhân của mình để chúng đẹp nhất và hoàn hảo nhất. Việc hình thành nên bản thể thay thế này cũng phụ thuộc rất nhiều vào cách những người khác đang phóng chiếu bản thân họ hay nói cách khác là bạn sẽ rất chú trọng đến sự đánh giá và cách nhìn nhận của những người xung quanh.
Trong tâm lý học, có một thuật ngữ liên quan đến vấn đề này gọi là Hiệu ứng ánh đèn sân khấu - Spotlight Effect.
Hiệu ứng này được mô tả là sự đánh giá quá cao mức độ chú ý của người khác đối với bản thân trong những tình huống khó xử hoặc không mong muốn. Trong thời đại 4.0, mạng xã hội đặt ra cho con người những tiêu chuẩn không cần thiết. Giới trẻ và thậm chí cả người lớn tuổi cảm thấy như thể họ cần sự chấp thuận của cả thế giới trước khi làm bất cứ việc gì.
Mọi người dường như quan tâm đến những gì người khác nghĩ về họ hơn là những điều họ cảm nhận về bản thân. Nếu như có ai đó đăng một vấn đề mà không được xã hội chấp thuận, họ sẽ cảm thấy như mình kém cỏi và nhỏ bé, không được mọi người yêu thích và không quan trọng trong cuộc sống này.
Bộ não của con người luôn được rèn luyện để hướng tới những “sự yêu thích” nhưng chúng cũng có thể trở thành mối nguy hại trên mạng xã hội.
Daria Kuss, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Nottingham Trent ở Vương quốc Anh cho rằng việc nhận được một loạt lượt tim/ lượt yêu thích hoặc một vài bình luận tâng bốc về một bức ảnh, một câu nói hay một bài đăng trên mạng xã hội sẽ kích hoạt hệ thần kinh tưởng thưởng của não bộ, từ đó tạo ra một khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi.
Theo thời gian, bộ não dần hình thành những liên kết giữa các thông báo trên mạng xã hội với những trải nghiệm thú vị. Điều này giải thích tại sao bạn chủ động tìm kiếm lại cảm giác đó và tạo ra một vòng tuần hoàn: đăng bài, chờ phản ứng, nhận phần thưởng (niềm vui) và lặp lại.
Gregory Serapio-García, một nghiên cứu sinh tại Đại học Cambridge, trong quá trình nghiên cứu cách mà mạng xã hội dự đoán các đặc điểm tính cách, đã nói rằng: “Các phản ứng trên mạng xã hội giống như một phiên bản cường điệu và phóng đại của quá trình thực mà bạn sẽ trực tiếp trải nghiệm. Bạn nhận được thông báo từ nhiều người khác nhau, thu về sự hài lòng tức thì, nhưng thực tế thì không phải như vậy.”
Niềm hạnh phúc tuy cực kỳ ngắn ngủi đó vẫn là động lực khiến người dùng mạng xã hội quay trở lại điểm xuất phát của quá trình. Daria Kuss nói rằng: “Họ muốn tìm kiếm nhiều hơn sự công nhận. Vì thế, họ dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội và trong việc tìm nội dung để đảm bảo rằng trang mạng xã hội của mình luôn được cập nhật thường xuyên.”
Do đó, nếu bạn rơi vào những hoàn cảnh như: đăng hình ảnh kỳ nghỉ của mình lên Instagram nhưng lại có rất ít lượt thích, viết một blog trên LinkedIn nhưng hầu như không có ai bình luận về nó, gửi một tin nhắn trên WhatsApp với nội dung “suy nghĩ tích cực” cho các đồng nghiệp của mình nhưng có rất ít phản hồi, bạn sẽ cảm thấy thất vọng, chán nản, tổn thương, thậm chí tức giận và cáu kỉnh.
Bạn sẽ cảm thấy mình kém cỏi và không có giá trị trong mắt người khác và lâu dần có thể dẫn đến những tình trạng bệnh lý khác. Mạng xã hội chính là chất xúc tác khơi mào lên những phản ứng như vậy. Bạn càng bị cuốn vào sự kìm kẹp đó, càng phụ thuộc vào những cảm xúc mạng xã hội đem tới, bạn sẽ càng khó thoát ra.
Hãy tự đặt câu hỏi cho bản thân rằng: Cuộc sống này là của ai và bạn đang sống vì ai? Liệu rằng việc đi tìm sự công nhận từ người khác có thật sự có ý nghĩa? Bạn nghĩ rằng mọi người trên thế giới này đều có thời gian để tập trung vào những gì bạn đăng hoặc viết trên mạng xã hội ư? Sự thật là không. Cuộc sống của mỗi người là một hành trình riêng, vì thế bạn không có khả năng làm hài lòng tất cả mọi người. Kỳ vọng càng nhiều thì sự thất vọng càng lớn.
Mạng xã hội không phải là cuộc sống thực vì thế những gì mắt ta nhìn thấy không hẳn là đúng. Cũng như Elon Musk đã nói: “Trên thực tế, những người mà bạn nghĩ là cực kỳ hạnh phúc nhưng thực ra lại không vui vẻ như vậy. Có những người trong số đó, sâu trong thâm tâm họ thực sự chán nản và buồn bã. Và có sự thật là không có ai hoàn hảo cả. Điều đó đúng trong tất cả trường hợp không quan trọng bạn là ai”.
Hạnh phúc của bạn không cần được định nghĩa bằng những gì người khác nghĩ về thành quả của bạn. Chúng ta phải hiểu điều gì khiến chúng ta hạnh phúc, tràn đầy sự rạng rỡ và nhiệt tình. Sự giác ngộ là một cuộc hành trình chứ không phải là một điểm đến. Mỗi thử thách và khó khăn trong cuộc sống chính là một kinh nghiệm học tập.
Theo: Michigandaily, Psychcentral, Ylhsthewrangler, Thehindu, Vice