Sẽ có những trường hợp ngoại lệ chưa thể lý giả được
Bệnh nhân 91 (43 tuổi, phi công, quốc tịch Anh) đang là một trong 3 bệnh nhân mắc Covid-19 chuyển biến nặng tại Việt Nam.
Trong 3 bệnh nhân nặng, 2 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cơ sở 2 đều có bệnh lý nền, bệnh nhân 91 là người không mang bệnh lý nền. Đây cũng là lý do khiến cho rất nhiều người thắc mắc vì sao một phi công sức khỏe tốt, không có bệnh lý nền mà bệnh lại chuyển biến nặng.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho hay, trường hợp bệnh nhân phi công (bệnh nhân số 91) không có bệnh lý nền tuy nhiên có tình trạng thừa cân, béo phì. Cân nặng hiện tại của bệnh nhân tới 100kg.
Tỷ lệ mắc Covid-19 nặng hiện nay thường ở những người bệnh lý nền, người tuổi cao. Nhưng không có nghĩa một người trẻ, khỏe mạnh, không có bệnh lý nền sẽ không có bệnh nặng. Yếu tố bệnh chuyển biến nặng sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như: cơ thể có thể bị bất thường trong hệ thống miễn dịch của cơ thể; yếu tố độc lực của virus…
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
"Tất cả các bệnh không chỉ Covid-19 đều có những trường hợp ngoại lệ, bệnh nhân có diễn biến rất nặng mà khoa học chưa chứng minh. Có thể nó liên quan tới yếu tố trong cơ thể như: di truyền cá nhân... Cho nên cùng là một căn bệnh có người nhiễm rất nhẹ, có người mắc lại nặng và tử vong", TS. Châu nhấn mạnh.
Đối với trường hợp bệnh nhân số 91 trong cơ thể bệnh nhân có một yếu tố gì đó mà y học chưa tìm ra và chứng minh được hoàn toàn.
TS. Châu cho biết: "Trong quá trình điều trị chúng tôi thấy phản ứng miễn dịch của bệnh nhân này là rất dữ dội. Từ khi bệnh nhân mắc bệnh liên tục sốt cao liên tục. Lý do phản ứng viêm của bệnh nhân mạnh chúng tôi đang nghĩ tới do cơ thể của bệnh nhân về bất thường mà khoa học chưa giải thích được".
Diễn biến bệnh sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố
Đối với mối trường hợp bệnh nhân mắc bệnh Covid-19 diễn biến bệnh sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố: độc lực của tác nhân gây bệnh (tác động của virus) và phản ứng của cơ thể.
Có những trường hợp khi có virus xâm nhập cơ thể sẽ phản ứng cơ thể vừa phải để loại bỏ ra bên ngoài. Tuy nhiên, có một số trường hợp hệ thống miễn dịch của cơ thể bị lỗi phản ứng mạnh tiêu diệt virus và cũng ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể.
Vì vậy, có những người khỏe mạnh không có bệnh lý nền, người trẻ nhưng phản ứng miễn dịch mạnh và chính những phản ứng miễn dịch mạnh đó gây hại cho cơ thể. Bệnh nhân 91 rơi vào trường hợp trên phản ứng miễn dịch rất mạnh.
Phản ứng miễn dịch của bệnh nhân 91 rất mạnh, ảnh minh hoạ.
TS. Châu lý giải: "Khi cơ thể có tác nhân xâm nhập cơ thể sẽ tiết ra Cytokine để ức chế virus và khỏi bệnh. Nhưng một số người Cytokine sản xuất ra quá nhiều chất đó tiêu diệt và ảnh hưởng tới phủ, tạng.
Tại sao Cytokine của bệnh nhân 91 tiết ra nhiều thì y học vẫn đang nghiên cứu và chưa thể lý giải để tìm bất thường.
Đối với bệnh nhân 91 giải pháp được đưa ra là giảm phản ứng viêm bằng cách lọc máu để lấy các chất viêm và Cytokine ra ngoài. Nếu mình loại bỏ được các chất đó ra khỏi cơ thể bệnh nhân thì mới có cơ hội cứu được bệnh nhân.
Tình trạng hiện nay của bệnh nhân số 91 cơ thể đang bị 2 phản ứng: một phần virus tấn công phổi và một phần do chính cơ thể bệnh nhân tiết ra chất chống viêm quá mạnh tấn công phổi, tổn thương thận và các cơ quan khác.
Hội chứng phóng thích Cytokine (Cytokine release syndrome - CRS) là một dạng hội chứng đáp ứng viêm hệ thống phát sinh do biến chứng của một số bệnh hoặc nhiễm trùng, và cũng là tác dụng phụ của một số loại thuốc kháng thể đơn dòng, cũng như liệu pháp điều trị miễn dịch
ung thư. Các trường hợp CRS nghiêm trọng được gọi là cơn bão cytokine.
Đọc các bài viết tác giả Ngọc Minh để nắm bắt thông tin y tế, sức khỏe mới nhất.